Tại Hội thảo “4G/LTE gieo mầm cho tương lai”, ông Qin Liang, Phó chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm LTE của Huawei cho hay, thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GMSA) cho hay, trên thế giới đã có 279 mạng triển khai 4G tại 115 nước và vùng lãnh thổ và có thể nâng lên 350 mạng vào cuối năm nay.
Doanh thu từ thuê bao 3G đang lỗ so với đầu tư cho mạng lưới
Dẫu vậy thì hiện giá thiết bị đầu cuối cho 4G vẫn khá cao. Dự kiến cuối năm 2014, giá thiết bị đầu cuối sẽ giảm xuống 150 USD/sản phẩm và sang năm 2015 sẽ xuống đến 100 USD/sản phẩm. Bởi vậy, vấn đề đầu tư 4G thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất được cả nhà mạng và người dùng đặc biệt quan tâm.
Doanh thu từ thuê bao 3G đang lỗ so với đầu tư cho mạng lưới. |
Theo nhận định của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, giá thiết bị đầu cuối là vấn đề quan trọng mà các nhà mạng phải cân nhắc khi đầu tư 4G. Sau năm 2014 bùng nổ của công nghệ 4G thì chắc chắn rằng số lượng thiết bị đầu cuối tích hợp 4G trên thế giới sẽ tăng vọt, kéo giá thành sản phẩm giảm xuống, tiếp cận được với người dùng phổ thông. Bên cạnh đó, bài toán kinh doanh đặt ra với các nhà mạng là lượng khách hàng sử dụng. 4G phải thực sự được người dùng chấp nhận bỏ tiền sử dụng với mức giá hợp lý.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang lựa chọn tận dụng các băng tần thấp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư ban đầu nhằm hạ giá thành đầu tư 4G, qua đó giúp người dùng được sử dụng 4G với chi phí hợp lý.
Dưới góc độ doanh nghiệp, tìm kiếm một phương án đầu tư 4G để không quá chậm so với công nghệ của thế giới mà đảm bảo mức giá hợp lý để tăng lượng người dùng là bài toán không dễ giải.
Còn nhớ, khi triển khai mạng 3G, nhà mạng đã phải đầu tư 2,5 tỷ USD cho mạng lưới trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2012. Ngoài ra, để dịch vụ này được phổ cập, các nhà mạng đã đua nhau giảm giá thành xuống mức bình dân. Số lượng thuê bao 3G đến nay là 19,7 triệu trên tổng số 123,7 triệu thuê bao năm 2014. Nhưng theo các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, doanh thu từ thuê bao 3G vẫn đang bị lỗ so với tổng đầu tư cho mạng lưới. Vì vậy, giữa tháng 10/2013, cả 3 nhà mạng lớn đã cùng tăng giá dịch vụ. Ngay lập tức dư luận đã phản ứng mạnh mẽ.
Ông Yuan Song, Tổng giám đốc Công ty Huawei Việt Nam cho hay, thời kỳ đầu khi triển khai 3G, các nước Âu, Mỹ cũng bị thua lỗ và ở Việt Nam cũng vậy. Vì thế, việc đầu tư 4G cũng có những bước phải đi tương tự. Trên thế giới giá thành thiết bị 4G hiện còn rất cao, nên các nhà mạng phải có chiến lược hợp lý. Châu Âu và Trung Quốc khi triển khai 4G cũng phải có trọng điểm như đô thị hay những khu vực không có băng thông cố định, chứ không phải triển khai đồng loạt, bởi chi phí đầu tư cao, giá thành cao, người sử dụng ít.
Việt Nam hiện đạt mật độ 56% thuê bao di động, trở thành top đầu về thuê bao di động trong các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và người dùng di động đang kỳ vọng tận hưởng các dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, đây là yếu tố thuận lợi để các nhà khai thác cần nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của người dùng bằng việc đầu tư công nghệ 4G. Tuy vậy, trong giai đoạn bắt đầu triển khai 4G, đối tượng phục vụ chính chỉ là một số người sử dụng trong phạm vi nhỏ và đa số người dùng vẫn sử dụng 3G.
Liên quan tới việc tạo doanh thu cho dịch vụ 4G, ông Qin Liang cũng khuyến cáo, khi triển khai 4G, nhà mạng phải triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng để các thuê bao dùng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn vì đây là các dịch vụ sẽ làm tăng doanh thu cho nhà mạng. “Thoại trên 4G chất lượng sẽ kém hơn mạng 2G, như vậy không thể lấy giá cước như dịch vụ thoại trên 2G. Khi đó mô hình kinh doanh của nhà mạng sẽ phải thay đổi nếu triển khai 4G”, ông Qin Liang nói.