Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đầu tư 40 triệu để nhập môn đạp xe

Bắt đầu đạp xe chỉ để cho vui, chị Hiền không ngờ bản thân sẽ gắn bó với đạp xe đường dài suốt 2 năm nay như một phương pháp rèn luyện sức khỏe.

dau tu cho xe dap anh 1

Đạp xe đòi hỏi người tập đầu tư nhiều hơn so với các môn thể thao khác nhưng sẽ sử dụng được khá lâu. Ảnh: viktor_bystrov.

Sống xa nhà, chị La Hiền (27 tuổi, ở London, Anh) tự nhận thức được sức khỏe quan trọng thế nào. Khác với nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng lứa, thay vì lên bar hay tham gia các bữa tiệc, chị Hiền dành phần lớn thời gian rảnh trong ngày để tập luyện các môn thể thao yêu thích.

“Tôi không có mục tiêu tập để giảm cân hay dáng đẹp. Tôi vẫn luôn quan niệm tập luyện thể dục thể thao là để duy trì sức khỏe - điều quan trọng nhất với cá nhân tôi và có lẽ nhiều người khác”, chị Hiền tâm sự.

Trong số hàng trăm phương pháp tập luyện hay các môn thể thao, đạp xe đường dài được chị Hiền lựa chọn và duy trì đều đặn trong 2 năm qua. Với cô gái này, đạp xe là một cách tập luyện và cũng là phương thức đi lại trong thành phố đông đúc.

Tốn kém nhưng xứng đáng

Chia sẻ với Zing, chị Hiền nhớ lại nhân duyên với đạp xe là thời điểm 2 năm trước, khi chị còn ở Việt Nam.

“Thời điểm đó, thi thoảng tôi được bạn bè rủ đạp xe quanh Hồ Tây. Thực ra mục đích đạp xe khi đó chỉ để cho vui”, chị Hiền kể.

dau tu cho xe dap anh 2

Chị Hiền coi đạp xe là phương pháp tập luyện cũng như phương tiện đi làm, gặp gỡ bạn bè. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, một thời gian sau, cô gái này sang Anh du học. Ở một môi trường mới, nhiều vấn đề cần sắp xếp và lo lắng, chị Hiền phải tạm gác lại sở thích này. Phải đến khi chuyển tới sinh sống tại London, chị Hiền mới có cơ hội và động lực để trở lại với đạp xe.

Cô chia sẻ: “Ở London, tôi nhận thấy một vấn đề là việc đi tàu điện ngầm rất bí. Hơn nữa, vào giờ cao điểm, tôi phải chờ đợi, chen chúc rất khổ. Đây cũng là động lực lớn khiến tôi quyết định đạp xe trở lại”.

Theo La Hiền, phương tiện cá nhân này tốt cho sức khỏe, lại có lợi ích về mặt kinh tế lâu dài.

Nói là vậy, chị Hiền cũng thừa nhận chi phí đầu tư ban đầu cho xe đạp khá cao. Cụ thể, để đạp xe, cô gái này phải sắm một chiếc xe đạp nhỏ, vừa với kích thước cơ thể.

“Xe đạp của tôi là xe thể thao, chuyên dụng cho đường bằng. Giá quy đổi sang tiền Việt cũng khoảng hơn 30 triệu đồng”, La Hiền nói.

dau tu cho xe dap anh 3

Chị Hiền sử dụng xe đạp để ra ngoài thành phố vào cuối tuần khi có thời gian. Ảnh: NVCC.

Ngoài xe, trong quá trình sử dụng, cô gái này cũng phải đầu tư thêm các loại phụ kiện khác nhau gồm mũ bảo hiểm, găng tay, khóa chống trộm, đèn xe gắn phía trước và sau khi trời mùa đông nhanh tối, quần độn chuyên dụng cho người đạp xe. Chi phí cho những thứ này cũng khoảng 10 triệu đồng.

“Thực ra tôi không phải dân chuyên đạp xe. Chứ thông thường, tôi vẫn thấy những người chuyên nghiệp hơn còn phải sắm nhiều đồ, tốn kém hơn nữa”, chị Hiền nói thêm.

Bên cạnh tập luyện, cô cho biết mục tiêu đơn giản khi đạp xe là có phương tiện di chuyển đi làm, gặp gỡ bạn bè. Cuối tuần, nếu có thời gian, chị Hiền cũng tranh thủ đạp xe ra xa khỏi thành phố để thư giãn. Trong tương lai, cô cũng mong muốn tham gia thử một cuộc đua xe đạp phong trào để trải nghiệm thêm.

Chị nhận xét: “Sau 2 năm, cá nhân tôi thấy đạp xe tương đối an toàn nếu đi đúng làn đường cùng tốc độ vừa phải. Tôi cũng thấy đạp xe an toàn cho đầu gối hơn so với chạy bộ. Tuy nhiên, phần cơ gập hông và mông lại mỏi hơn”.

Vì vậy, chị Hiền thường xuyên dành thời gian giãn cơ mỗi ngày, tối thiểu 5 phút, để đảm bảo phần thân dưới không bị căng sau khi di chuyển bằng xe đạp.

Ngoài đạp xe, chị Hiền cũng đan xen tập gym và yoga mỗi ngày. Cô gái này quan niệm một cơ thể khỏe mạnh là phải vừa dẻo dai, linh hoạt, lại đảm bảo về sức bền cũng như sức mạnh cơ bắp.

“Tôi chủ động tập luyện với cường độ vừa phải và cũng không quên nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Để ý từ khi chịu khó tập luyện đều đặn mấy năm nay, tôi cũng ít khi bị đau ốm. Đợt không may mắc Covid-19, tôi cũng khỏi bệnh khá nhanh”, chị Hiền cười.

Đầu tư cho xe đạp đủ tiêu chuẩn là điều cần thiết

Chia sẻ với Zing, anh Huỳnh Quyết Thắng, admin CLB Cào Cào Adventure, khẳng định so với các bộ môn thể thao phổ biến khác hiện nay như chạy bộ hay đá bóng (một dạng thể thao mang tính đối đầu), đạp xe nhẹ nhàng và an toàn hơn, ít có nguy cơ chấn thương.

Tuy nhiên, anh Thắng thừa nhận một trong những vấn đề của đạp xe so với các môn thể thao hay phương pháp tập luyện khác là chi phí ban đầu khá tốn kém, nhất là khoảng tiền dành cho chiếc xe.

“Sau một thời gian xem xét các mẫu xe khác nhau trên thị trường và tư vấn cho thành viên CLB, tôi nhận thấy mức phí tối thiểu cho một chiếc xe đạp tốt sẽ ở khoảng 10 triệu đồng”, anh Thắng cho hay.

dau tu cho xe dap anh 4

10 triệu là mức phí tối thiểu và phù hợp để sở hữu một chiếc xe đạp tiêu chuẩn, an toàn. Ảnh minh họa: will_truettner.

Theo anh Thắng, với mức giá này, chiếc xe đạp mới có thể đảm bảo cơ bản về chất lượng, độ bền cho vài năm, thiết kế đạt tiêu chuẩn, không có các sai số, từ đó hạn chế các vấn đề về chấn thương xương khớp, đau mỏi gối, cổ chân… cũng như tinh thần khi đạp xe.

“Tôi từng có dịp đạp xe đường dài cùng một thành viên trong CLB. Người này mua một chiếc xe với giá chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xuất phát từ sáng cùng đoàn, trải qua khoảng 30 km đầu tiên, một bên bàn đạp đã bị hỏng. Đến trưa, bên bàn đạp còn lại cũng hỏng theo. Ngoài ra, chiếc xe này còn gặp vấn đề về trục sau, các bộ phận lỏng lẻo”, anh Thắng kể lại.

Từ đây, thành viên này phải đi tiếp hành trình của mình với tinh thần rất mệt mỏi, việc đạp xe cũng nặng nề và khiến cả đoàn chờ đợi khá lâu.

Dẫu vậy, anh Thắng cũng lưu ý mức phí này phù hợp với mục đích đạp xe đường dài, cần quan tâm nhiều tới chất lượng chiếc xe. Trong khi đó, nếu chỉ có mục tiêu tập thể dục thông thường, di chuyển đường bằng khoảng 20-30 km, mọi người cũng có thể mua một chiếc xe trong khoảng giá từ 5 đến 7 triệu đồng.

Về phụ kiện, trong quá trình đạp xe, anh Thắng khuyên mọi người nên chuẩn bị kỹ về trang phục. Cụ thể, để tránh bị sốc nhiệt, người đạp xe nên mặc quần, áo dài hoặc sử dụng thêm ống tay.

Ngoài ra, phụ kiện quan trọng nhất là chiếc mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn. Người đạp xe có thể mang giày thể thao hoặc dép quai hậu (sandals) để tiện việc đi lại. Kính râm để bảo vệ mắt cũng là phụ kiện cần thiết.

“Một số người sẽ cần thêm găng tay để tránh mồ hôi. Phần lót yên xe hoặc quần chuyên dụng cho người đạp xe với miếng đệm lót cũng khá cần thiết. Trong quá trình đạp xe, nhiều người cũng sẽ mua thêm các phụ kiện khác nhau tùy nhu cầu”, anh Thắng cho hay.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Môn tập luyện dành cho người chán khung cảnh phòng gym

Đặt mục tiêu giảm cân, Hoa tìm tới nhiều phương pháp tập luyện như gym, chạy bộ và đạp xe để tránh tâm lý nhanh chán.

Tập tạ giúp giảm nguy cơ tử vong sớm

Theo nghiên cứu mới đây, tập tạ kết hợp các phương pháp cardio như chạy bộ, đạp xe có thể giảm nguy cơ tử vong.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm