Một nhóm chuyên gia của Bệnh viện Phụ nữ Brigham và Đại học Y khoa & Khoa học Oregon tại Mỹ tìm hiểu nguyên nhân khiến số trường hợp đau tim và đột quỵ xảy ra nhiều vào buổi sáng. Họ theo dõi hàm lượng protein trong cơ thể 12 người khỏe mạnh trong hai tuần. 12 người này phải duy trì nếp sinh hoạt trái ngược hoàn toàn với cuộc sống thường nhật của họ để làm đảo lộn nhịp sinh học. Nhóm nghiên cứu làm vậy để xác định sự tăng, giảm của nồng độ protein phụ thuộc vào nhịp sinh học hay hoạt động của con người, Science Daily đưa tin.
Một loại protein mang tên PAI-1 là yếu tố là tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ảnh: Corbis |
PAI-1, tên của một loại protein, là đối tượng mà các chuyên gia theo dõi sát sao nhất. Do PAI-1 có thể ngăn cản sự phân hủy của những cục máu đông nên chúng là thủ phạm gây nên đau tim và đột quỵ.
Kết quả cho thấy nồng độ PAI-1 thường tăng lên mức cao nhất vào khoảng 6h30 sáng hàng ngày nên số lượng cục máu đông cũng tăng lên mức cao nhất vào thời điểm đó. Số lượng cục máu đông càng lớn thì nguy cơ đau tim và đột quỵ càng cao.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy đồng hồ sinh học của con người tác động tới nguy cơ đau tim vào buổi sáng”, tiến sĩ Frank Scheer, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Frank nói rằng ông và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem nồng độ PAI-1 trong cơ thể những đối tượng dễ tổn thương – chẳng hạn như những người béo phì, mắc bệnh tiểu đường hay tim mạch - tăng mạnh hơn so với người bình thường vào lúc 6h30 hay không.