Tại phiên họp Chính phủ sáng 26/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay nước do Trung Quốc xả để cứu hạn mặn ở Việt Nam đã về đến Lào, cách biên giới Việt Nam 800 km. Đến ngày 4/4, số lượng nước do Trung Quốc xả từ hồ thủy điện Cảnh Hồng sẽ về đến Việt Nam.
Báo cáo trước Chính phủ, tư lệnh ngành nông nghiệp cho hay, trong quý I, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,3% (chủ yếu do ngành trồng trọt âm 4,6%).Trong khi đó, dù rét đầu năm làm chết hàng nghìn trâu bò, nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng.
Ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng thời tiết thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn, nặng nề là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Phát mang bản đồ ngập mặn tới phiên họp Chính phủ ngày 26/3. Ảnh: N.H. |
Hệ lụy là, ở nhiều nơi, đất trồng lúa phải bỏ không như Ninh Thuận 45% diện tích, Bình Thuận là 30%. Toàn Nam Trung Bộ có tới 26.500 ha đất lúa để không. Gần 1 triệu tấn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại.
Ở Tây Nguyên, 42.500 ha đất bị hạn nặng. “Mà đây chưa phải đỉnh điểm, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào tháng 4, tháng 5”, Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Phát cho hay vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Ngoại giao và các bộ liên hệ với Trung Quốc, Lào, để họ xả nước xuống sông Mekong. Đến hôm nay, ngày 26/3, nước từ đập thủy điện Trung Quốc đã về đến Lào, cách biên giới Việt Nam 800 km, đến 4/4 sẽ về đến Việt Nam.
"Với lượng nước này, ngập mặn sẽ lui về phía biển khoảng 20 km", Bộ trưởng Phát cho biết.
Mang theo biểu đồ thể hiện tình trạng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Phát giải thích thêm, khu vực bị ngập mặn nặng sẽ lùi về biển 20 km, còn diện tích vừa mặn vừa ngọt sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, việc xả nước từ Trung Quốc, Lào chỉ tác động chủ yếu dọc sông Mekong. Ở Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang tình hình ngập mặn vẫn nặng, thậm chí nặng nề hơn. Dọc sông Tiền, sông Hậu, sẽ được lợi từ việc xả nước này.
Tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án hỗ trợ khu vực vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn, tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh như xây đập tạm, trạm bơm tạm.
“Hiện, hơn 1 triệu người bị thiếu nước, đang phải chở nước đến để cung cấp. Thời gian tới con số đó còn có thể nhiều hơn”, Bộ trưởng Phát cho hay.
Dự án hỗ trợ trị giá 538 tỷ đồng đã có văn bản trình Thủ tướng, do liên bộ quản lý. Đồng thời, các địa phương đề nghị cấp 10.000 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ không có thu hoạch, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế, 6 đoàn đã đi các tỉnh khảo sát. Dẫn báo cáo của UNDP, Bộ trưởng Phát cho hay, tổ chức này bạn đánh giá tình trạng nghiêm trọng. Thứ 4 tới các bạn sẽ bàn để có chủ trương hỗ trợ cho Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Liên Hợp quốc đứng ra kêu gọi toàn cầu hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng của El Nino, muốn đưa tên Việt Nam vào danh sách các nước được nhận hỗ trợ. Trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ tham gia vào kêu gọi hỗ trợ dạng này.
Bộ trưởng xin “báo cáo Chính phủ và mong Thủ tướng cho phép, để các bạn quốc tế có kêu gọi hỗ trợ chính thức”.
Hàng loạt thủy điện của các nước xây dựng trên sông Mekong. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ xem lại các đề nghị hỗ trợ cho dân bị hạn hạn, ngập mặn xem thủ tục thế nào, để ký duyệt sớm. Tinh thần không để dân khát dân đói nhưng phải đúng địa chỉ. "UNDP kêu gọi quốc tế hỗ trợ không chỉ Viêt Nam mà các nước đều chịu tác động, mình hoan nghênh, không vấn đề gì", Thủ tướng nói.
Trước đó Bộ Nông nghiệp đã gửi đề nghị Trung Quốc xả nước ở hồ thủy điện Cảnh Hồng từ tháng 3 đến tháng 8/2016. Trong đó từ tháng 3 đến tháng 5, Việt Nam đề nghị có 6 đợt xả (gồm các ngày 7/3; 21/3; 5/4; 20/4; 4/5; 19/5), mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300 m3/s.
Ngoài các đợt xả trên, Việt Nam đề nghị Trung Quốc vận hành liên tục tối thiểu 40 - 60% số tổ máy. Từ tháng 6 đến tháng 8/2016, Việt Nam đề nghị xả liên tục và theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740-2.890 m3/s để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.