Theo Bloomberg, thị trấn ven biển Yamamato (tỉnh Miyagi, Nhật Bản) - cách Tokyo 5 giờ lái xe - là nơi sinh sống của 12.000 cư dân. Dâu tây chiếm hơn 50% sản lượng nông nghiệp tại đây.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2011, trận động đất dẫn đến thảm họa sóng thần đã quét sạch 97% nhà kính trồng dâu của thị trấn này. Nước mặn cũng tràn vào phần lớn đất nông nghiệp, khiến đất trồng bị nhiễm mặn.
Thị trấn khuyến khích các công ty tham gia tái thiết sau thảm họa. Một trong số đó là GRA. Startup này được cháu trai của một nông dân trồng dâu thành lập chỉ 4 tháng kể từ thảm họa. Công ty đã tăng năng suất bằng cách cải tạo đất trồng, trang bị công nghệ làm mát và đèn LED tăng trưởng cho nhà kính.
GRA nhận được sự ủng hộ lớn. Năm 2014, đích thân Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đến xem dâu tây Migaki-Ichigo. Loại dâu này hiện được bán với giá 1.080 yen/quả (10 USD) tại các cửa hàng cao cấp ở Tokyo.
Một nông trại dâu tây Migaki-Ichigo. Ảnh: Bloomberg. |
Theo dữ liệu chính thức, năm 2017, sản lượng dâu ở Yamamoto trở lại mức trước thảm họa. Đến thời điểm hiện tại, con số đã vượt năm 2011.
"Yamamoto hiện sản xuất nhiều dâu tây hơn thời điểm trước thảm họa. Chúng tôi cảm thấy thị trấn đang thực sự phục hồi", anh Keita Takahashi, một người địa phương làm việc cho GRA, chia sẻ.
GRA sản xuất 400 tấn dâu/năm trên toàn mạng lưới. Startup được liên doanh của Innovation Network Corp. of Japan và NEC Corp. rót vốn. Hồi tháng 6/2020, công ty huy động thành công 330 triệu yen (3,03 triệu USD) trong một vòng gọi vốn, nâng tổng vốn lên 850 triệu yen (7,81 triệu USD).
Trái cây cao cấp có lịch sử lâu đời ở Nhật bản. Các loại quả như dưa hấu, việt quất và nho thường được dùng làm quà tặng. Giá dâu tây của GRA vẫn còn tương đối khiêm tốn so với một số loại quả khác.
Chẳng hạn, trong một cuộc đấu giá hồi năm ngoái, 108 quả dây tây đã được bán với giá 1,5 triệu yen, tức 127 USD/quả.