Kênh đào Suez được khai thông hôm 29/3. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định vẫn chưa phải lúc để ăn mừng. Con tàu container khổng lồ Ever Given đã chắn ngang một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới trong vòng gần một tuần, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD/ngày.
Thời gian Ever Given chặn ngang kênh đào càng kéo dài, chuỗi cung ứng toàn cầu càng tổn thương. Lịch trình của hàng trăm tàu chở hàng khác bị ảnh hưởng. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị giúp Ai Cập khắc phục sự cố.
Bloomberg cho rằng các hỗ trợ này nên bao gồm việc giải quyết vấn đề an ninh ở Suez một cách rộng rãi hơn. Bởi một trong những vấn đề ít được chú ý là cấu trúc pháp lý quản lý kênh đào Suez hiện đã lỗi thời, khó có thể đối phó với các tàu hàng hiện đại và những mối đe dọa tiềm tàng.
Kênh đào Suez bị chắn ngang trong gần một tuần. Hàng trăm tàu thuyền kẹt cứng hai bên bờ kênh, chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào trạng thái căng thẳng. Ảnh: CNN. |
Hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn
Công ước Constantinople, quy định việc sử dụng kênh đào Suez, đã được ký kết từ năm 1888. Theo đó, Suez là một lợi ích tập thể, không ai có thể gây hại cho nó. Do đó, kênh đào chỉ nên mở cửa cho những tàu được gắn cờ và bảo hiểm thích hợp, bất kể nguồn gốc xuất xứ.
Không may, điều này đã khuyến khích một thế trận an ninh thụ động không phù hợp với thế kỷ XXI. Trong khi đó, các thế lực thù địch và tổ chức khủng bố tại Ai Cập có thể tấn công cơ sở hạ tầng dân sự vốn lỏng lẻo so với chuẩn mực của vận chuyển quốc tế, chẳng hạn như yêu cầu luôn bật GPS của tàu.
Bloomberg nhận định Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez nên cho phép Mỹ và Ai Cập dẫn đầu một nỗ lực mới nhằm tận dụng sức mạnh tập thể của các đối tác và đồng minh, nhằm chống lại những mối đe dọa khác nhau, từ các cuộc tấn công khủng bố và không gian mạng đến những sự cố tắc nghẽn ngẫu nhiên.
Một trong những vấn đề ít được chú ý là cấu trúc pháp lý quản lý kênh đào Suez hiện đã lỗi thời, khó có thể đối phó với các tàu hàng hiện đại và những mối đe dọa tiềm tàng
Victoria Coates và Robert Greenway của Bloomberg
Các nước có thể áp dụng Bộ luật Tổ chức Hàng Hải Quốc tế cùng với những quy định của Liên Hợp Quốc.
Mỹ cũng có thể hỗ trợ bằng cách mở rộng phạm vi của Cấu trúc An ninh Hàng hải Quốc tế, thường được gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp Sentinel.
Lực lượng này được thành lập vào tháng 7/2019 nhằm chống lại cướp biển và khủng bố quanh eo biển Hormuz và Bab el-Mandeb. Họ có thể hợp tác với Quân đội Ai Cập (bảo vệ khu vực), Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (giám sát hậu cần và thanh toán) và khuyến khích các nước liên quan tham gia vào việc bảo vệ những tuyến thương mại hàng hải.
Nếu được mở rộng, hoạt động phòng thủ này sẽ bao gồm các tàu nổi và giám sát đường không, cũng như chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc hỗ trợ cần thiết để tích hợp mạng lưới.
Lực lượng có thể tổng hợp tất cả thông tin, đánh giá và mối đe dọa từ các quốc gia tham gia. Điều đó cho phép lực lượng này dự đoán, bảo vệ và ứng phó với các sự cố hoặc tai nạn an ninh.
Lỗ hổng an ninh mạng
Lực lượng cũng sẽ tổng hợp nguồn lực của các quốc gia thành viên để giải quyết sự cố. Như vậy, hệ thống phối hợp, phản ứng nhanh này có thể đã rút ngắn thời gian mắc cạn của tàu Ever Given xuống còn vài ngày.
Bloomberg nhận định lỗ hổng lớn nhất hiện tại của kênh đào Suez là an ninh mạng. Trong vài năm qua, thế giới từng ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng từ các thế lực thù địch chống lại những hệ thống điều khiển công nghiệp.
Trong khi đó, công nghệ thông tin và kiến trúc truyền thông của kênh đào, tương đương hệ thống kiểm soát không lưu, đều dễ bị tổn thương như nhau. Mỹ và Israel có thể đóng góp công nghệ mới, nhằm giúp hệ thống được đảm bảo an ninh và có khả năng dự phòng cần thiết để đối phó với sự cố hoặc tấn công.
Một hệ thống phối hợp do Mỹ và Ai Cập dẫn đầu, phối hợp với các đồng minh mạnh nhất trong khu vực, có thể giải quyết vụ tắc nghẽn tại kênh đào Suez trong vòng vài ngày. Ảnh: Twitter. |
Những điều này không chỉ bảo vệ thương mại hàng hải trong quá trình kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch, mà còn đảm bảo an ninh cho các tuyến cáp thông tin liên lạc không kém phần quan trọng được đặt dưới biển.
Khoảng 500 tàu đi qua kênh đào Suez vào năm Công ước Constantinople được ký kết. Tuy nhiên, Ai Cập muốn con số đó ở khoảng 19.000 tàu vào năm 2021.
Sự cố của con tàu Ever Given đã gây ra một cuộc khủng hoảng, nhưng không đến mức thảm họa. Tuy nhiên, Bloomberg, một hệ thống phối hợp do Mỹ và Ai Cập dẫn đầu, phối hợp với các đồng minh mạnh nhất trong khu vực, thậm chí có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng ngay từ đầu.