Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hỏi về mảng cho vay 'đinh chốt' của Pvcombank

Chủ trương ưu ái cho vay dầu khí của ngân hàng mới hợp nhất giữa PVFC và WesternBank đang làm dấy lên những quan điểm trái chiều.

Sau khi chính thức đi vào hoạt động, ngân hàng mới hợp nhất giữa công ty tài chính PVFC và WesternBank là Pvcombank sẽ tiến hành những nghiệp vụ bình thường như bất cứ tổ chức tín dụng nào khác.

Dù thế, báo cáo dự kiến trình đại hội cổ đông về hoạt động mới của Pvcombank có một chi tiết đáng chú ý, đó là kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới là tập trung cho vay với dầu khí, khai thác khoáng sản, điện. Mục tiêu của nhà băng này là đưa dư nợ lên 48% vào năm 2015, từ mức 42,3% hiện nay. Trong khi đó, với nông nghiệp - một trong 5 lĩnh vực được hưởng lãi suất ưu tiên theo quy định, đối với Pvcombank, chỉ được hạn mức tỷ trọng là 1%, do không phải ngành thế mạnh và đem lại lợi nhuận cao cho đơn vị này.

Tại PVFC, Tập đoàn dầu khí (PVN) có 78% vốn, đóng vai trò là cổ đông lớn. Do đó, việc ngân hàng thẳng thừng tuyên bố sẽ ưu tiên đối với một trong những thế mạnh của PVN là dầu khí, hóa dầu đang tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.

Mục tiêu tăng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực dầu khí của ngân hàng mới hợp nhất Pvcombank đang gây ra những tranh luận trái chiều.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng không giấu được lo ngại vòng luẩn quẩn rót vốn cho tập đoàn, công ty nhà nước sẽ quay trở lại. Vị này nhận định, chủ trương cho vay đối với lĩnh vực dầu khí của Pvcombank là chưa đúng về mặt tôn chỉ, lý tưởng trong cấp tín dụng. Vì theo quy định hiện hành, ngân hàng không được phép cấp tín dụng cho cổ đông lớn của mình.

“Khi trở thành ngân hàng rồi, thì các chủ sở hữu, cổ đông của PFVC hiện tại sẽ mặc định trở thành cổ đông của ngân hàng. Khi đó, những người này sẽ bị hạn chế nhiều và giới hạn ở việc góp vốn để kiếm lời thôi. Đã là cổ đông hoặc cổ đông lớn, có chân trong HĐQT, thì bị cấm cửa vay vốn là đương nhiên, không được tơ hào một đồng nào”, vị này phân tích và cho biết, làm ngân hàng khác với các lĩnh vực khác ở chỗ, cổ đông không phục vụ cho chính mình.

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ các đối tượng bị cấm cấp tín dụng khi ngân hàng đi vào hoạt động, trong đó có pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc hạn chế cho vay sẽ được áp dụng với cổ đông lớn, sáng lập, công ty con, công ty liên kết, doanh nghiệp bị nắm quyền kiểm soát của chính ngân hàng. Trong khi đó, với chủ trương cho vay nhiều hơn trong lĩnh vực dầu khí, Pvcombank - đơn vị hợp nhất từ PVFC và WesternBank với người “cầm trịch” là PVFC, điều này có phần trái với quy định, nếu như có đơn vị nào đó là “con”, hoặc có liên quan tới PVN, HĐQT của Pvcombank tiến hành vay vốn.

Không bình luận trực tiếp về chủ trương ưu ái tăng cho vay dầu khí của ngân hàng mới do PVFC và WesternBank hợp nhất mà thành, Luật sư Trương Thanh Đức - công ty luật BASICO chuyên về tài chính ngân hàng cho rằng, câu chuyện trên gợi cho ông liên tưởng tới thời kỳ phôi thai của ngành ngân hàng cách đây chưa lâu. Vị chuyên gia này cho biết, bản thân mô hình công ty tài chính hiện nay đã rất “bí”, vì có hiện tượng làm sai luật, có cấp tín dụng cho đơn vị thành viên, và phải “tặc lưỡi” cho qua và chấp nhận chuyện không được chặt chẽ như ngân hàng. Áp lực cho vay trong cổ đông, chủ sở hữu của một số công ty tài chính còn chưa biết như thế nào, thì việc hợp nhất và chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần lại càng khó giải quyết hơn.

Còn theo lời một chuyên gia khác, vấn đề chính hiện nay cần quan tâm là hiệu quả của Pvcombank sau khi đi vào hoạt động chính thức. Vị này nhận xét, lẽ ra, PVFC cần phải tìm một đối tác mạnh hơn, thay vì “kết hôn” với WesternBank. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, bản thân công ty tài chính này chỉ “cồng kềnh” và “to xác”, còn lại, các chỉ số về năng lực tài chính cũng như nợ xấu không hề thua kém bất cứ một tổ chức tín dụng được xếp hạng thấp nào. “Bao giờ cũng vậy, hai thứ cùng tốt, đồng điệu mà cộng hưởng với nhau sẽ nhân lên sức mạnh, còn ngược lại, cả hai đều dặt dẹo, ốm yếu, tồn tại nhiều vấn đề trong quản trị, thanh khoản, nợ xấu nhập vào nhau thì không chỉ không khí, mà điều kiện về kỹ thuật, tâm lý, môi trường cũng sẽ tạo nên một thực thể không tốt”, chuyên gia nói trên nhận xét.

Theo vị này, cần thiết phải có sự đột phá, chẳng hạn như tìm ra bộ máy lãnh đạo mới xuất sắc có thể xử lý phần lớn vấn đề thì may ra cuộc hôn nhân của PVFC và WesternBank mới khởi sắc. Bằng không, vết xe đổ của những cuộc “hôn nhân” không mấy vui vẻ trước đó sẽ tái hiện, chưa nói tới những “trúc trắc” trong đường hướng hoạt động của nhà băng mới có cái tên thân thiện là ngân hàng Đại chúng mà lại chủ trương tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên.

 

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm