Kết quả kinh doanh mới nhất sau 6 tháng đầu năm 2013 của cả hai đơn vị vừa hợp nhất thành ngân hàng Đại chúng (PvcomBank) chưa được công bố, dù ngày 8/9 sắp tới, ngân hàng này sẽ tiến hành đại hội cổ đông. Tuy nhiên, đối chiếu kết quả kinh doanh năm 2012 của cả PVFC và WesternBank, dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm chung giữa 2 đơn vị này.
Một trong những điểm chung đầu tiên là lợi nhuận của cả hai đơn vị này trong năm 2012 đều sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế của WesternBank hơn 36,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 120,7 tỷ đồng cùng kỳ 2011. Còn tại PVFC, lợi nhuận cũng sụt giảm hơn 5 lần, từ trên 347,5 tỷ đồng xuống còn hơn 61,3 tỷ đồng.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu - chỉ số để đo lường tình hình tài chính doanh nghiệp của cả 2 đơn vị này trong năm 2012 cũng tụt giảm so với các năm trước. Tại WesternBank, một cổ phiếu nhận lãi 122 đồng, giảm so với mức 424 đồng của năm 2011. Còn ở PVFC, chỉ số này là 76 đồng, giảm so với mức 787 đồng năm 2011.
Thương vụ hợp nhất của PVFC với WesternBank là trường hợp thứ 3 trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, song không được kỳ vọng nhiều. |
Tuy nhiên, có sự chênh lệch rất lớn trong thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên hai đơn vị nói trên. Trước khi tiến hành hợp nhất với WesternBank, PVFC có 1.249 nhân viên. Thu nhập bình quân của nhân sự tại công ty tài chính này năm 2012 là hơn 20,9 triệu đồng. Trong khi đó, với 886 cán bộ nhân viên tính đến hết năm 2012, mức thu nhập bình quân của nhân sự là cán bộ nhân viên ngân hàng Phương Tây là hơn 10,7 triệu đồng/người, dù tăng so với cùng kỳ 2011, nhưng vẫn có khoảng cách xa so với PVFC.
Đặc biệt, nợ xấu của WesternBank và cả PVFC trong năm 2012 đều tăng mạnh. Ở WesternBank, nợ nhóm 5 - có khả năng mất vốn - tăng từ hơn 33,2 tỷ đồng cuối năm 2011 lên hơn 231 tỷ vào cuối năm 2012, trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng thêm gần 3 lần, từ hơn 41,5 tỷ lên hơn 113 tỷ.
Còn tại PVFC, tính đến cuối năm 2012, khi đơn vị này đã quyết định hợp nhất với WesternBank, nợ có khả năng mất vốn tăng từ hơn 616 tỷ lên hơn 1.003 tỷ, nợ nghi ngờ từ hơn 171 tỷ lên gần 400 tỷ đồng. Các khoản nợ khác có nguy cơ tại PVFC cũng tăng đáng kể sau 1 năm. Theo số tương đối, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng tại PVFC, tính dựa vào báo cáo tài chính là 4,92%, còn ở WesternBank là gần 7%, tăng xấp xỉ 500% so với năm 2011.
Một chuyên gia trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập (M&A) tài chính ngân hàng cho rằng, với tình hình tài chính như trên của tiền thân 2 đơn vị sẽ sáp nhập thành Pvcombank, việc nhập hai thành một chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Vị này cho rằng, ngay cả khi PVFC sáp nhập với một đơn vị lớn hơn, tài chính mạnh thực sự, cũng chưa chắc đã đem lại hiệu quả, chưa nói đến việc “kết duyên” với một ngân hàng có nhiều vấn đề bất ổn xung quanh tình hình tài chính, khả năng quản trị, bị liệt vào danh sách cần tái cơ cấu.
Dẫn ví dụ 2 cuộc “hôn nhân” trước đó giữa SHB và Habubank, hay thương vụ hợp nhất giữa 3 nhà băng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn, vị chuyên gia này cho rằng, những định chế mới khi tái cấu trúc đều “dặt dẹo”, thậm chí còn hơn so với trước. Chẳng hạn, ở trường hợp SHB-HBB, cuộc “hôn nhân” bước đầu đem lại kết quả là HBB được cứu, nhưng sau đó, SHB - từ một ngân hàng được đánh giá cao về quy mô, nguồn vốn cũng như khả năng quản trị, bỗng dưng tụt hạng, chịu nhiều điều tiếng liên quan đến nợ xấu, các vấn đề khác như như nhân sự, thu nhập… Do đó, theo đánh giá của chuyên gia này, tỷ lệ thành công khi cho các tổ chức không khỏe tái cấu trúc với nhau chỉ có thể dao động khoảng 30-70%.
Không bình luận nhiều về cuộc “hôn nhân” diễn ra giữa PVFC và WesternBank, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật BASICO - hãng luật chuyên về tài chính ngân hàng - đưa ra góc nhìn về những điểm giống và khác trong 3 cuộc tái cơ cấu công khai trong lĩnh vực tài chính tính đến hiện tại. Theo ông Đức, khác biệt lớn nhất của thương vụ sáp nhập PVCF-WesternBank bên cạnh hình thức pháp lý còn là nội dung. Ở trường hợp này, không phải là ngân hàng tái cấu trúc với ngân hàng, mà là ngân hàng và tổ chức tài chính, nên sẽ có một số yếu tố từ chuẩn của mô hình công ty tài chính chuyển sang ngân hàng. Đơn vị “cầm trịch” ở thương vụ này lại là PVFC, nên các đòi hỏi sẽ có thể nhiều và khắt khe hơn, ông Trương Thanh Đức nêu quan điểm.