Hôm 10/8, Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo thêm 28.204 ca mắc Covid-19, mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua.
Khác với khung cảnh tang thương cách đây khoảng 4 tháng, người Ấn Độ giờ đổ về khu chợ đông đúc hay bờ sông Hằng như thể chưa từng xảy ra dịch bệnh. Với nhiều người, ký ức kinh hoàng về đại dịch chỉ còn là quá khứ.
Thế nhưng, các chuyên gia Ấn Độ cảnh báo vẫn chưa đến lúc ăn mừng. Trong khi Ấn Độ chứng kiến sự sụt giảm của các trường hợp mắc Covid-19, một yếu tố quan trọng khác đang gia tăng có thể khiến nước này phải hối hận vì vội vàng mở cửa.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở Bangalore, thủ phủ của bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. Ảnh: EFE. |
Hệ số R vẫn cao
Các chuyên gia dịch tễ học Ấn Độ ngày một lo lắng khi hệ số lây nhiễm (hệ số R) tại nhiều địa phương tăng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy của một làn sóng dịch mới.
Hệ số lây nhiễm được xem là công cụ quan trọng để các nhà dịch tễ học và giới hoạch định chính sách đánh giá tốc độ lây lan của Covid-19. Khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát nghiêm trọng ở Ấn Độ vào tháng 5, hệ số R toàn quốc lên đến 1,4, nghĩa là cứ 10 người mắc Covid-19 sẽ lây cho trung bình 14 người khác.
Vào thời điểm dịch hạ nhiệt hồi tháng 7, hệ số R của Ấn Độ giảm xuống 0,9. Tuy nhiên, hôm 10/8, phát biểu trước các phương tiện truyền thông ngày hôm nay, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hệ số R đang tăng trở lại trên 1,0.
Tại Punjab, một bang ở miền Bắc Ấn Độ, con số này chạm ngưỡng 1,3, đồng nghĩa cứ 10 người mắc Covid-19 sẽ lây nhiễm virus cho 13 người khác.
Theo Strait Times, nhiều bang khác ở Ấn Độ cũng ghi nhận hệ số R tăng trở lại, trong đó bang miền Trung Madhya Pradesh có hệ số R cao nhất, ở mức 1,31.
Một điểm đặc biệt là những nơi từng ghi nhận số ca mắc và tử vong thấp hơn bình quân chung của cả nước trong làn sóng thứ hai cũng đang có hệ số R cao hơn 1,0.
Cụ thể, bang Kerala, nơi từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi là có biện pháp ứng phó dịch tốt trong hai làn sóng trước đây có hệ số R là 1,06.
"Hệ số R tăng có thể là tín hiệu cảnh báo sớm về sự khởi đầu của làn sóng thứ ba", Samiran Panda, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cảnh báo.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một nhà ga xe lửa ở Mumbai. Ảnh: AP. |
Ác mộng Covid-19 có lặp lại?
Sau khi làn sóng Covid-19 quét qua quốc gia đông dân thứ hai thế giới, nhiều người Ấn Độ tự tin mình đã đạt được được miễn dịch nên coi thường các bệnh pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, bất chấp nghiên cứu chỉ ra 2/3 người dân có kháng thể chống lại virus, tiến sĩ Vipin Srivastava, cựu Phó hiệu trưởng Đại học Hyderabad (UoH) và là nhà vật lý nổi tiếng, không cho rằng Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
Trên thực tế, vẫn còn hơn 400 triệu người Ấn Độ không có kháng thể và những đợt bùng dịch sắp tới vẫn có thể khiến nước này phải gánh chịu thêm nhiều thương vong nếu chủ quan.
Theo tiến sĩ Vipin, biểu đồ về sự gia tăng số người tử vong do Covid-19 kể từ ngày 24/7-7/8 đã đạt giá trị dương nhiều lần.
Ngoài ra, sự xuất hiện của biến chủng mới cũng gây ra nhiều lo ngại bởi những đột biến có thể giúp virus né tránh kháng thể đã được phát triển ở người bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng.
Cùng với thách thức từ biến chủng mới, giới chức Ấn Độ cũng đau đầu khi các địa phương nới hạn chế đi lại và người dân lơ là phòng dịch, không đeo khẩu trang.
Gần đây, bờ sông Hằng ở khu vực thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh lại đông nghịt các tín đồ theo đạo Hindu đổ về. Và rất ít người đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách.
"Chúng tôi không sợ Covid-19. Với sự ban phước của Thần, virus không hiện diện ở đây", một tín đồ tại Đền Shri Kashi Vishwanath cho biết.
"Các biện pháp hạn chế ban đầu đã ngăn chặn thành công làn sóng thứ hai ở một số bang, nhưng giờ đây, chính tại những bang này, ngày càng nhiều đối tượng dễ tổn thương nhiễm bệnh khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và người không tuân thủ quy định ngừa dịch", tiến sĩ Panda nói.
Ấn Độ đến nay đã ghi nhận khoảng 32 triệu ca nhiễm và 429.000 ca tử vong do Covid-19. Và mặc dù hệ số R tăng, giới chức y tế Ấn Độ cho biết họ vẫn chưa thể chính thức tuyên bố làn sóng thứ ba đã bắt đầu cho đến khi đường cong Covid-19 liên tục đi lên.
Làn sóng Covid-19 hồi tháng 5 đã gây thiệt hại nặng nề ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Dẫu vậy, một tín hiệu khả quan là bà Soumya Swaminathan, Giám đốc Khoa học Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định đợt bùng phát mới có thể không gây ra hậu quả nặng nề như trước đây. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế ứng phó Covid-19 tại Ấn Độ và tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc cao có thể là “phao cứu sinh".
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo nhóm người từng thoát khỏi ảnh hưởng của hai đợt dịch trước sẽ dễ bị tổn thương nhất nếu làn sóng thứ ba quét qua. Đó là những người chưa từng bị phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 đó hoặc những người có kháng thể đang suy yếu.
"Chúng ta vẫn không nên chủ quan vì nếu làn sóng xảy ra ở thị trấn nhỏ hay vùng nông thôn, nó sẽ nghiêm trọng như đợt trước bởi những nơi này vẫn thiếu thốn cơ sở y tế", bà Swaminathan nói.