Trong giai đoạn thí điểm, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn phương án người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, không được phép chuyển nhượng.
Trò chuyện với Zing, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT giải đáp nhiều quan tâm của người dân về những thay đổi trong năm 2022 như nhu cầu đấu giá biển số xe, cải cách trong xử phạt vi phạm lĩnh vực giao thông...
Ông cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ về năm đặc biệt 2021 của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có những chiến sĩ áo vàng.
- Trong đề án đấu giá biển số, Bộ Công an đang nghiên cứu 2 phương án về quyền của người trúng đấu giá. Xin ông cho biết phương án nào đã được lựa chọn? Người trúng đấu giá liệu có được mua đi bán lại biển số hay không?
- Đến nay, Cục CSGT đang trình lãnh đạo Bộ Công an ký tờ trình để báo cáo Chính phủ về đề án đấu giá biển số xe. Hồ sơ gồm rất nhiều nội dung, trong đó có những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, có những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Theo dự thảo, tất cả biển số ôtô cá nhân trong kho chưa được đăng ký đều có thể đưa ra đấu giá. Tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc đăng ký thường trú.
Bộ Công an sẽ giao công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số. Công an cấp tỉnh sẽ ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản. Quá trình đấu giá thực hiện công khai và qua hình thức trực tuyến, niêm yết rõ ràng thời gian chốt mức giá. Việc này sẽ giúp mọi người đều có thể tham gia, không tốn thời gian và chi phí đi lại.
Ban đầu, Bộ Công an nghiên cứu hai phương án. Trong đó, phương án thứ nhất là người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng biển số. Ở phương án hai, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp biển số trúng đấu giá.
Trước tiên, điều dễ thấy nhất là chúng ta đã mở rộng quyền cho người dân từ việc chỉ được bấm ngẫu nhiên sang quyền được lựa chọn và tham gia đấu giá.
Về nội dung được quan tâm nhất của người dân là quyền đối với biển số trúng đấu giá, tôi xin chia sẻ rằng đây mới là đề án thí điểm, nếu thí điểm mà đề xuất nhiều quyền, đến khi chính thức lại ít quyền hơn thì rất dễ xung đột. Tiếp theo, phải nêu rõ mục tiêu của chúng ta là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và ứng xử với biển số theo luật thì đó là tài sản công.
Vậy nên, chúng tôi đã đề nghị với đề án thí điểm sẽ lựa chọn phương án người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá.
Cái mới ở đây là thay đổi tư duy biển số đi theo xe thành gắn với người, kể cả khi bán xe vẫn được giữ lại biển số, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Còn đối với phương án coi biển số là một sản phẩm, hàng hóa có thể mua đi bán lại, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc điều này đối với xã hội và đối với công tác quản lý. Cũng có ý kiến như bạn vừa chia sẻ, nếu đầy đủ các quyền sau đấu giá có thể hình thành một thị trường mua bán.
Tôi đã trực tiếp trao đổi với đồng nghiệp các nước và chuyên gia, đa phần ý kiến cho rằng quan trọng nhất là quyền sử dụng. Biển số xe không phải là một loại hàng hóa của kinh tế thị trường mà nó là sự giao thoa giữa quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân.
- Vậy cơ quan chức năng sẽ định giá biển số ra sao và chúng ta quy ước như thế nào là biển số đẹp?
- Trong đề án, chúng tôi nêu rõ không có biển số nào là đẹp hay xấu. Bởi quy ước này phụ thuộc vào từng người. Ví dụ, đối với bạn số 999.99 là đẹp nhưng với người khác con số đó gắn với một kỷ niệm không đáng nhớ thì với họ là không đẹp.
Do vậy, trên phương diện của nhà quản lý thì không có biển số xấu hay biển số đẹp mà chúng tôi để biển số được đánh giá qua sở thích của từng người.
Về giá trị của biển số, sẽ rất khó định giá cụ thể bằng quy chuẩn bởi hai yếu tố. Thứ nhất về vật chất thì nó chỉ là một tấm vật liệu. Tuy nhiên giá trị ở đây được xác định bởi yếu tố đi theo người. Do vậy, chúng tôi đề xuất ai trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá đối với biển số đó, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Thời gian qua mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh biển số xe dạng mới được được Cục CSGT thử nghiệm. Vậy hình dáng, nội dung biển số xe trong thời gian tới sẽ có thay đổi ra sao?
- Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về biển số với mục tiêu chuẩn hóa bằng kỹ thuật. Các thử nghiệm được thực hiện qua nhiều điều kiện ánh sáng, vật lý, thông qua hệ thống camera giám sát, mắt người… từ đó tạo nên một tiêu chuẩn để chuẩn hóa trong sản xuất.
Ví dụ, chúng tôi sẽ nghiên cứu về độ phản quang của biển là bao nhiêu, màn phản quang như thế nào. Đặc biệt là cỡ chữ và phông chữ sẽ được nghiên cứu để khắc phục tình trạng một số tài xế dán biển số, số 3 thêm nét thành số 8, số 1 dán thành số 4… Chắc chắn tới đây, phông chữ trên biển số sẽ rất khó dán hoặc nếu dán vào sẽ nhìn ra ngay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có cả phương án tính tới nhu cầu của người dân như có lá cờ Tổ quốc hoặc bản đồ quốc gia… Rồi biển số trong thời gian tới còn thể hiện nhiên liệu của xe... Tuy nhiên các quy định sẽ được nghiên cứu chuẩn hóa, xin ý kiến và phải có sự đồng thuận của người dân.
Một số người hỏi tôi là có phải khi có tiêu chuẩn mới sẽ bắt thay toàn bộ biển số cũ thì tôi khẳng định là không. Tiêu chuẩn mới được ban hành sẽ chỉ áp dụng cho những xe đăng ký mới ở thời điểm đó hoặc cho người dân đã có biển cũ nhưng có nhu cầu đổi.
- Bên cạnh điểm sáng, ông có thể chia sẻ các vấn đề nổi cộm, cần khắc phục của lĩnh vực giao thông cả nước năm qua?
- Về tai nạn giao thông, 3 tiêu chí đều giảm, trong khi tình trạng ùn tắc có xu hướng tăng so với năm 2020. Theo thống kê, nguyên nhân ùn tắc tăng là các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại những trục đường chính, đường đô thị có lưu lượng xe đông. Ngoài ra, nhiều vụ xe gặp nạn có kích thước lớn, lực lượng chức năng trên tuyến gặp khó khăn khi tiếp cận, xử lý...
Năm qua, tai nạn có giảm nhưng trên góc độ an toàn, chúng tôi nhận thấy các vụ việc vẫn tập trung vào xe kinh doanh vận tải, xe chở người số lượng lớn, xe vận tải hàng hóa đường dài. Việc quản lý nhóm phương tiện này để giảm tai nạn liên quan đến nhiều người chưa đạt yêu cầu.
Tình hình tai nạn giao thông năm 2021 so với cùng kỳ | ||||
Nhãn | Số vụ | Người chết | Người bị thương | |
2020 | 14510 | 6700 | 10804 | |
2021 | 11495 | 5799 | 8010 |
Tiếp nữa là hạ tầng còn nhiều bất cập, khâu tổ chức giao thông còn nhiều vấn đề. Trong điều kiện hạ tầng của chúng ta chủ yếu là đường hỗn hợp (đường không có dải phân cách giữa), nhiều loại phương tiện cùng lưu thông thì hành vi vượt sai quy định, chiếm phần đường của xe đối diện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn.
Về giải pháp, tôi cho rằng không thể hô hào chung chung trong giảm tai nạn giao thông. Trên thế giới, một số nước đặt ra tiêu chí Vision Zero nhằm đạt được hệ thống đường cao tốc không có người chết hoặc thương tích nghiêm trọng liên quan đến giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng, để đạt được điều đó còn rất nhiều việc phải làm. Nếu hô hào chung chung sẽ không thể giảm tai nạn.
Nhìn lại một năm 2021 rất đặc biệt để thấy giao thông có ảnh hưởng rất lớn đến từng người. Một bên, giao thông là mặt trận chính cho các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, một bên là sự quan trọng đối với duy trì mạch máu kinh tế.
Từng có thời điểm các chuỗi cung ứng, đặc biệt trên lĩnh vực vận tải bị đứt gãy, những hoạt động bình thường của chúng ta diễn ra hàng năm như du lịch, đi lại, giao thông vận tải thông thương bị ảnh hưởng lớn.
Với một bức tranh toàn cảnh như vậy, chúng tôi xác định mục tiêu thứ nhất là duy trì mạch máu giao thông để thông thương hàng hóa, trong đó tập trung giảm tai nạn và ùn tắc. Thứ hai là kết hợp giữa giao thông và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ phủ vaccine còn chưa cao vào hồi giữa năm.
Trong năm qua, phản ánh liên quan đến hoạt động CSGT được cơ quan báo chí và người dân đánh giá khách quan và ghi nhận. Đâu đó còn những thông tin “điều này điều kia”, chúng tôi đều theo dõi và nhận thấy đã giảm hơn. Tình cảm của người dân dành cho lực lượng có sắc phục tốt hơn rất nhiều.
- Nhắc lại thời điểm dịch Covid-19 ở giai đoạn căng thẳng nhất, không khó để thấy sự có mặt ở tuyến đầu của CSGT. Trong một năm đặc biệt như vậy, nhiệm vụ lực lượng có gì khác biệt?
- Trước khi vaccine phủ trên toàn dân thì lực lượng CSGT là chủ công trong việc kiểm soát đi lại, phục vụ phòng, chống dịch. Khi đó, vaccine chúng ta chưa đủ để phủ rộng, muốn giảm được số ca bệnh và ca tử vong chúng ta buộc phải có những biện pháp hành chính, trong đó giải pháp quản lý đi lại đã được đưa ra.
Tuy nhiên, đến lúc này, CSGT là một trong những lực lượng có rất ít cán bộ, chiến sĩ trở thành F0 dù chúng tôi luôn là lực lượng ở tuyến đầu, tỷ lệ tiếp xúc lớn. Ngay cả nồng độ cồn chúng tôi vẫn đo để kiểm soát.
Với tư duy phục vụ người dân, trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng nhất, chúng tôi luôn có mặt. Từ việc kiểm soát đi lại ở TP.HCM tới những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội. Có người phụ nữ đang trên đường về quê thì trở dạ, lực lượng CSGT đã nhanh chóng giúp đỡ để họ mẹ tròn con vuông.
Rồi khi từng đoàn người đi xe máy từ miền Nam về quê, lực lượng CSGT phải thực hiện 2 nhiệm vụ trong ngày. Sáng thì anh em làm nhiệm vụ chuyên môn trên tuyến, tối lại ra cửa ngõ của địa phương hỗ trợ đồ ăn, lái xe dẫn đoàn đưa bà con đi qua an toàn. Có những anh em xa nhà, xa vợ con, kiên trì bám chốt kiểm soát dịch trong nhiều tháng liền.
Lúc này nhìn lại, tôi cho rằng căng thẳng cũng có, nhưng việc được phục vụ người dân trong những tháng ngày khó khăn là trách nhiệm và dù trong hoàn cảnh nào, việc xuất hiện của CSGT trên các tuyến đường là lẽ đương nhiên.
Còn khó khăn, vất vả nhất, tôi nghĩ nên để tri ân các y, bác sĩ, điều dưỡng ngày đêm chiến đấu tại tâm dịch - những "chiến sĩ" từng giờ, từng phút giành lại mạng sống cho nhiều người.
- Năm 2021, CSGT cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, từ đó cũng phát sinh nhiều tình huống như tài xế phải đi lại quãng đường xa để lập biên bản tại trụ sở CSGT. Tình trạng này sẽ được khắc phục ra sao trong thời gian tới?
- Bộ Công an đánh giá CSGT là lực lượng thuộc top đầu trong ứng dụng công nghệ, hướng đến Chính phủ số, xã hội số. Đặt những yêu cầu rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an là tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Năm qua, chúng tôi đã tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 165 liên quan đến lắp đặt hệ thống camera giám sát. Tới đây, tất cả tuyến đường sẽ dùng chung một tiêu chuẩn kỹ thuật cho camera, tạo tính liên thông trong cả nước.
Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào đăng ký phương tiện. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra như đăng ký xe qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua website của Cục CSGT. Đặc biệt, 2021 cũng là năm bản lề để hoàn thành hàng loạt kế hoạch như cấp đổi biển số vàng cho xe kinh doanh, sang tên phương tiện qua nhiều đời chủ…
Bộ Công an chỉ đạo kết nối hàng loạt cơ sở dữ liệu quy mô lớn. Chúng tôi có những hệ thống dữ liệu mà chủ xe khi chuyển chỗ ở không cần khai báo nhưng CSGT vẫn xác định được mọi thông tin.
Liên quan đến việc người dân phải đi lại để lập biên bản phạt nguội, tôi cho rằng là do những quy định của pháp luật hiện hành chưa phù hợp với tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ. Dù bản chất và mục đích giống nhau, phương pháp làm trên môi trường số khác với thủ công.
Quy định này thời gian qua đã làm phát sinh tình trạng tài xế ở TP.HCM nhưng vi phạm ở Hà Nội phải đến trụ sở CSGT ở Hà Nội để lập biên bản hoặc thực hiện biện pháp tạm giữ bằng lái. Do vậy, rõ ràng tiền xử phạt có thể còn ít hơn cả tiền đi lại. Chúng ta phải thay đổi.
Đến nay, chúng tôi đã bàn với các đơn vị của Bộ Công an, sẽ cải cách hành chính trong xử phạt nguội. Mục tiêu là chuyển đổi từ thủ công, phải gặp trực tiếp để xác lập biên bản vi phạm sang chuyển chứng cứ về địa phương người vi phạm để xác minh, lập biên bản.
Đối với việc phải tước đăng ký xe, bằng lái... trong khi Luật Trật tự an toàn giao thông đang được xem xét và xây dựng, chúng tôi sẽ đề xuất thí điểm trừ điểm bằng lái. Trước kia, từng có tư duy phải có thủ tục phức tạp để người dân không vi phạm thì nay tư duy phải chuyển thành phát hiện vi phạm mọi lúc, chính xác, xử phạt nghiêm để tạo tính răn đe.
Chúng tôi xác định công nghệ vào thì nhất định con người phải giảm. Việc gì máy móc có thể làm tốt, chính xác hơn thì phải ứng dụng. Mục tiêu đến năm 2030, lực lượng CSGT tiến lên hiện đại.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.