Tết Tân Sửu 2021 là cái Tết đầu tiên ở nhà chồng của chị Hương Thảo (25 tuổi, Hà Tĩnh). Chị dự định Tết này sẽ chi khoảng 10 triệu đồng để mua sắm, chi tiêu. Thế nhưng, đến 29 Tết, nhẩm tính mua sắm đã thấy hết sạch 10 triệu. "Chi hết nhưng vẫn chưa đủ. Tôi đã chủ trương mua tiết kiệm, nhưng biết phải tiết kiệm thế nào khi có bao nhiêu thứ phải chi?", chị nói.
Câu chuyện chi tiêu mua sắm ngày Tết ở Việt Nam vẫn luôn là câu chuyện muôn thuở của các gia đình. Nhiều chị em cho biết mặc dù không phải mua quá nhiều đồ đạc mới trong gia đình nhưng vẫn có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị.
Bao nhiêu cũng không thấy đủ
Theo khảo sát, chi tiêu Tết ở các gia đình bao gồm: Chi phí mua thực phẩm, bánh kẹo và rượu bia; tiền và quà biếu bố mẹ; tiền mừng tuổi; tiền mua hoa, trang trí nhà cửa; sắm sửa quần áo mới, đồ dùng mới. Trong đó, chi phí mua thực phẩm và tiền biếu hai bên gia đình thường tốn nhiều nhất trong tổng chi tiêu trong dịp Tết.
Theo chị Thảo, trước Tết chị đã gửi biếu bố mẹ nội ngoại mỗi bên 2 triệu, tổng là 4 triệu. Ngoài ra, còn tiền mừng tuổi bố mẹ, ông bà 2 bên mỗi người 500.000 đồng, tổng số tiền ít nhất đã 2 triệu đồng.
Chi phí mua thực phẩm thường chiếm nhiều ngân sách trong tổng chi tiêu trong dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thêm vào đó, chị Thảo cũng phải chi tiêu mua sắm, trang trí cho căn nhà riêng của mình. Tiền cây cảnh, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm... chị tính sơ qua khoảng 4 triệu đồng. "Chừng đó thôi cũng đã hết sạch 10 triệu đồng, chưa kể khoản mừng tuổi, sắm quần áo mới nữa", chị tính toán.
"Năm nay là năm đầu tôi về nhà chồng nên Tết đến phải đi chúc Tết ra mắt hết họ hàng, vì thế mà khoản mừng tuổi năm nay sẽ phải chi nhiều. Với người già, vợ chồng tôi mừng tuổi 100.000-200.000 đồng/người, trẻ em thì 20.000-50.000 đồng/người. Ở quê bây giờ cũng ít mừng tuổi 20.000 đồng. Tính sơ sơ ít nhất cũng khoảng 2-3 triệu đồng nữa”, cô gái trẻ tâm sự.
"Chẳng biết bao nhiêu là đủ cả, mua gì cũng phải nâng lên đặt xuống. Dù đã chi tiêu tiết kiệm lắm rồi nhưng có những khoản vẫn không thể không chi tiêu", chị thở dài.
Cũng giống chị Thảo, mỗi khi Tết đến chị Huyền (32 tuổi, Quảng Ninh) lại không giấu nổi những lo âu. “Từ ngày lập gia đình cách đây 3 năm, Tết nào vợ chồng tôi cũng phải tính toán chi tiêu rất kỹ. Trung bình chi tiêu khoảng 13-15 triệu đồng, có năm cũng tiêu gần 20 triệu đồng", chị chia sẻ.
Tuy vợ chồng chị Huyền ở nhà bố mẹ chồng nhưng chị vẫn tự tay sắm sửa hết mọi đồ đạc trong nhà. "Đồ ăn thức uống thứ gì tôi cũng mua nhiều vì tâm lý sợ thiếu. Năm nay dịch bệnh, mọi người hạn chế đi lại chắc sẽ đỡ được khoản này và tiền lì xì", chị nói.
Theo chị, thông thường 10 triệu đồng để chi tiêu Tết đối với 2 vợ chồng là rất khó bởi Tết đến rất nhiều thứ phải chi tiêu, đó là chưa kể nhiều khoản như quà Tết họ hàng nội, ngoại. Không chỉ chị Thảo, chị Huyền mà rất nhiều gia đình trẻ khác cho biết chi phí cho những ngày Tết của họ cũng khó ở mức dưới 10 triệu đồng.
Mâm cỗ cúng đầy đủ ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Ảnh: D.T |
"Càng ngày mọi người càng đặt gánh nặng về Tết"
Hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, vợ chồng anh Quốc (35 tuổi, Hà Tĩnh) về quê ăn Tết được 5 lần. Nhưng lần nào về quê anh cũng phải đau đầu với nhiều khoản chi tiêu. "Con còn nhỏ đi tàu xa thì tội nên tôi phải chắt bóp mua vé máy bay cho 2 mẹ con, còn tôi thì đi tàu. Tính riêng tiền xe cộ đã mất trên dưới 5 triệu đồng. Chưa kể về quê tiền lì xì các cháu, tiền mua sắm, biếu bố mẹ nội ngoại", anh kể.
Công việc buôn bán không đủ nhiều chi phí để gia đình anh Quốc năm nào cũng được về quê ăn Tết. "Năm nay kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, buôn bán không được bao nhiêu nên tôi đành ở lại đây ăn Tết", anh tâm sự.
Tuy nhiên theo một số người, người Việt thường có tâm lý chi tiêu thoáng tay vào dịp Tết. Một số người thích khoe khoang, mua sắm nhiều đồ mới. "Nhiều người mới bước vào cuộc sống hôn nhân chưa biết cách chi tiêu nên hàng hoá mua về nhiều, chất đầy tủ lạnh nhưng thường không dùng hết, rất lãng phí", chị Bắc (45 tuổi, Thái Nguyên) chia sẻ.
Chị Bắc tâm sự, thời gian đầu khi mới lập gia đình, chị cũng không biết cách chi tiêu, mua sắm quá tay nhưng dần dần chị rút ra kinh nghiệm, lên kế hoạch chi tiêu nên mỗi khi Tết đến chị không còn phải lo lắng quá nhiều.
Lên kế hoạch cụ thể và lựa chọn thời mua sắm sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi tiêu dịp Tết. Ảnh: Phạm Thắng. |
"Chi phí mua sắm tết cần chi tiết và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như: Tiền mua thực phẩm, tiền mua sắm trang trí, tiền mua quần áo, tiền đi lại, tiền lì xì… cái nào có thể bỏ được thì gạch", chị nói.
Theo chị, càng ngày mọi người càng đặt gánh nặng về cái Tết. Tết là để gia đình quây quần lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Chỉ nói riêng về tiền biếu bố mẹ, nhiều chắc gì bố mẹ đã cần thứ bố mẹ cần là con cháu đông đủ khỏe mạnh cùng ăn Tết là vui rồi.
Cũng giống chị Bắc, chị Thảo (39 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, đừng đặt nặng về Tết thì việc mua sắm sẽ đơn giản hơn. Như thực phẩm ngày Tết, không nên mua nhiều vì các siêu thị, chợ hầu như đến mùng 2-3 là đã mở. "Chỉ nên mua những thứ cần thiết và nên mua sắm sớm vì cận Tết giá cả sẽ tăng cao", chị nói thêm.