Phát biểu tại Toạ đàm Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020 ngày 15/11, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho hay theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư cho các nhà máy điện giai đoạn này gần 30 tỷ USD.
Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD. Tức mỗi năm cần gần 7,9 tỷ USD.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng rất cần một giải pháp chiến lược cho ngành điện. Trước tiên là phía tiêu dùng năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều, cần phải thay đổi, tái cơ cấu.
Về phía cầu, theo ông Thiên, cứ tăng trưởng GDP 1 thì năng lượng 1,8. Không chỉ GDP ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng mà còn là đô thị hoá, sự can dự của công nghệ. Việt Nam đô thị hoá tăng, du lịch tăng, khiến tiêu thụ tăng nhưng đi kèm là tiêu hao năng lượng. Do đó, cần có cải tiến về công nghệ.
Cần 40 tỷ USD đầu tư cho nguồn điện. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Còn theo ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, với giá điện hiện nay, để thu hút được 40 tỷ USD là khó.
Ước tính Việt Nam có thể tiết kiệm 10 KW phát điện nếu đầu tư công nghệ vào những doanh nghiệp sử dụng điện.
Về phía cung, trước đây Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai, nên phải nhập khẩu than.
Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này cũng khá tốn kém.
Ngoài ra, biểu giá điện hiện nay không đủ cao cũng là một trong những lý do khó hấp dẫn nhà đầu tư trong tương lai. “Với giá 7,6 cent/KWh hiện nay, khó thu hút đầu tư vào giá điện. Giá này chỉ đủ để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì của EVN”, vị này khẳng định.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên nói: “Mỗi năm cần 6-8 tỷ USD đầu tư, giá thấp thì khó khiến nhà đầu tư tham gia. Do đó, tái cơ cấu nhất thiết phải đặt ra, yêu cầu doanh nghiệp cải thiện công nghệ”.
Quy hoạch điện VII xác định PVN, EVN, TKV là trụ cột chính để đảm bảo cung ứng điện, tuy nhiên công suất chỉ đáp ứng 30%. Hiện nhiều nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp nước ngoài từ bỏ và Việt Nam phải tiếp nhận lại một số dự án.