Hỏi "Anh mua mèo ở đâu thế?" thì có gì sai?
Theo một chàng trai thì đây là câu hỏi bất lịch sự, "người không quen biết" không nên hỏi, thay vào đó hãy hỏi những câu "có não" hơn. Không có nhiều người đồng ý với chàng trai này lắm (anh ta nhận về hàng chục nghìn lượt "angry" trên mạng xã hội), nhưng những người yêu động vật lại có nhiều lý do khác để phản đối việc tìm mua một con mèo.
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một chú mèo đáng yêu và nảy sinh ý định nuôi một chú mèo giống như vậy hay chưa? Nếu câu trả lời là có, bạn không hề cô đơn. Rất nhiều người không thể chống cự lại vẻ ngoài xinh xắn của những con vật này. Tuy nhiên, việc tìm cách sở hữu một bé mèo cho riêng mình không đơn giản là một cuộc mua bán. Đằng sau nó là một chuỗi cung ứng với các vấn đề phức tạp và gây tranh cãi hơn nhiều.
Nếu gặp câu hỏi "Anh mua mèo ở đâu thế?", những người cứu hộ động vật sẽ nói một vài điều sau, thay vì câu "Thế bạn nói xem sao mình phải trả lời bạn".
Một bác sĩ thú y người Palestine đang chăm sóc con mèo ở Gaza. Ảnh: Reuters. |
“Khi coi thú cưng của mình là một thành viên trong gia đình, bạn nên nghĩ về việc thú cưng của mình đến từ đâu”, bà Gina Moraz, người quản lý chiến dịch phản đối trang trại chó con của Hiệp hội Phòng chống Hành vi Tàn ác đối với Động vật của Mỹ (ASPCA), nói với tờ Teen Vogue.
Phần lớn các tranh cãi bắt nguồn từ việc nhiều vật nuôi đang được bán có nguồn gốc từ các nhà chăn nuôi và hình thức chăn nuôi được biết đến nhiều nhất là trang trại chó con. Vậy còn những con vật được bày bán trong các cửa hàng thú cưng hoặc trên mạng thì sao? Làm thế nào bạn có thể chắc chắn rằng việc mua thú cưng của mình không tiếp tay cho các hành vi ngược đãi động vật?
Những trại nhân giống chó
“Các trại chó con là hoạt động chăn nuôi lớn, vô nhân đạo. Họ nuôi hàng chục, thậm chí hàng trăm con chó trong các chuồng nhỏ xếp chồng lên nhau. Chúng sẽ phải sống trong không gian như vậy đến hết đời", bà Kathleen Summers, giám đốc tiếp cận và nghiên cứu cho chiến dịch phản đối trang trại chó con tại Hiệp hội Nhân đạo Mỹ (HSUS), nói với Teen Vogue hồi năm 2017.
"Những con vật được nuôi ở đây rất ít hoặc hầu như không được tập thể dục, chăm sóc thú y hoặc nhận được tình yêu thương của con người. Chúng chỉ được nuôi với mục đích tạo ra chó con cho hoạt động buôn bán thú cưng”.
“Điều kiện nuôi nhốt tại những nơi này là vô nhân đạo và rất bẩn thỉu. Những chú chó con có nguồn gốc từ trang trại chó con thường bị bệnh”.
Một con chó trong một trại phối giống chó ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, những con vật ở đây cũng không được cho ăn uống đầy đủ, bà Moraz cho biết. Đồ chơi, các phần thưởng và việc giao tiếp động vật khác càng không thể xảy ra.
Theo bà Summers, những chú chó con thường được dồn lên những chiếc xe tải đông đúc khi chúng khoảng 8 tuần tuổi. Chúng có nguy cơ tiếp xúc với những con vật bị bệnh khác trong suốt chuyến đi để có thể đến tay những chủ nhân mới.
Những chú chó bố mẹ cũng phải chịu một số phận tàn khốc. Bà Moraz cho biết chúng có thể phải sống ngoài trời cả đời bất kể thời tiết hoặc bị nhồi nhét bên trong những cái chuồng chật hẹp. Và khi những con chó này không thể sinh sản được nữa, chúng thường bị vứt bỏ hoặc bị giết.
Các trang trại chó con này không phải điều gì xa lạ. Năm 2015, HSUS ước tính rằng có ít nhất 10 trang trại chó con đang hoạt động ở Mỹ.
Không chỉ có chó
Chó không phải là loài động vật duy nhất chịu điều kiện sinh sản tàn nhẫn và vô nhân đạo.
“Đây là một ngành công nghiệp đen tối luôn hoạt động ngầm”, bà Moraz nói. “Và cũng như việc nhân giống chó trong ngành công nghiệp này, đã có các báo cáo cho thấy có các trang trại tương tự nhân giống mèo và thỏ ở Mỹ phục vụ cho việc mua bán thú cưng”.
Những động vật nhỏ như chim, chuột Hamster và chồn cũng không phải ngoại lệ. “Việc kiếm lợi nhuận bằng cách tạo ra càng nhiều động vật càng tốt thường dẫn đến kết quả là tất cả các loại động vật sẽ được nhân giống và nuôi dưỡng trong điều kiện vô nhân đạo để cung cấp ra thị trường”, theo bà Summers.
Thị trường các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến thú cưng tại Mỹ đạt giá trị 72,56 tỷ USD vào năm 2018 và là mức cao kỷ lục mọi thời đại, theo khảo sát của Hiệp hội Sản phẩm Thú cưng Mỹ.
Mèo tại một trung tâm cứu hộ ở Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Vẫn còn những người gây giống có trách nhiệm, nhưng bạn sẽ không thể mua được những con vật do họ tạo ra trong các cửa hàng thú cưng hoặc trên mạng”, bà Moraz nói.
“Người gây giống có trách nhiệm sẽ không bán chó con của họ trong các cửa hàng hoặc trên mạng. Thay vào đó, họ muốn gặp và tìm hiểu người sẽ mua những con vật đó từ họ để đảm bảo rằng chúng sẽ tìm được người chủ tốt”, bà nói thêm.
Nếu một người gây giống sẵn sàng gửi thú cưng đến cho bạn hoặc muốn gặp bạn tại một địa điểm tách biệt với nơi mà chúng thực sự được nuôi, đây có thể nhằm mục đích che đậy hành vi đáng ngờ. Cách duy nhất để hoàn toàn chắc chắn rằng chú chó bạn mua đến từ một nguồn có uy tín là tự mình đến xem nơi đã gây giống nó.
Nhiều người cho rằng sẽ an toàn hơn khi mua thú cưng được bày bán trong các cửa hàng vật nuôi. Trên thực tế, gần như có thể chắc chắn rằng thú cưng của bạn được tạo ra trong một trang trại nếu như bạn mua chúng từ cửa hàng.
“Những người gây giống có trách nhiệm không bán cho các cửa hàng thú cưng vì họ muốn gặp trực tiếp chủ mới của chúng”, bà Summers nói.
Một con mèo hoang trên bờ biển ở Beppu, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, điều kiện sống của vật nuôi trong các cửa hàng đó không khác gì những trang trại nơi chúng được tạo ra. Nếu một cửa hàng thú cưng trông có vẻ tốt đẹp và mọi người có vẻ như đối xử tốt với động vật, thực tế có thể không giống như bạn nghĩ. Các cửa hàng có thể chỉ giữ khu vực trưng bày sạch sẽ để khiến khách hàng nghĩ rằng họ có môi trường nuôi nhốt tốt.
Hãy nhận nuôi từ trung tâm cứu hộ
Các nhà hoạt động vì quyền động vật thường có xu hướng phản đối việc mua thú cưng từ các nhà lai tạo hay cửa hàng. Ngay cả khi người gây giống cung cấp cho những con vật của mình điều kiện sống nhân đạo, ấm áp và an toàn, hành động này vẫn góp phần vào cuộc khủng hoảng số lượng thú cưng.
Mỗi khi ai đó mua thú cưng từ một nhà lai tạo hay cửa hàng, điều đó có nghĩa là họ không nhận nuôi chúng từ trung tâm cứu hộ động vật, nơi động vật chết mỗi ngày mà không được nhận nuôi.
Vì vậy, khi muốn sở hữu một con vật cưng mới, hãy nghĩ đến chuyện nhận nuôi chúng từ trung tâm cứu hộ.
“Cách duy nhất để hoàn toàn chắc chắn rằng bạn không tiếp tay cho toàn bộ ngành công nghiệp thú cưng này là nhận nuôi chúng từ trung tâm cứu hộ”, bà Moraz nói. “Và có lẽ nếu bạn ghé qua trung tâm cứu hộ động vật để tìm hiểu biết thông tin, bạn có thể sẽ yêu một con vật ở đó và thay đổi suy nghĩ của mình”.
Lần tới, sao bạn không thử inbox vào hỏi câu "Anh nhặt mèo ở trung tâm nào thế?".