1.000 đồng thì mua được gì? Chẳng đủ để trả cho 1 cú điện thoại. Cũng chẳng đủ để gửi con xế của bạn ở bất cứ bãi giữ xe nào. Tôi đoán có người thà giẫm lên tờ 1.000 đồng mà đi luôn còn hơn là bỏ công cúi xuống đường nhặt nó lên. Vậy đó mà cách đây vài ngày, 1.000 đồng đối với tôi có giá trị to lớn như cả một thế giới.
Đi làm về, tôi thường ghé qua tiệm tạp hóa gần nhà để mua một chai rượu gạo, một bịch khoai tây chiên và một lon bia. Ông chủ quán tính tiền trên máy tính và tuy tổng cộng là 51.000 đồng, ông chỉ lấy 50.000 đồng thôi.
Có thể ông không muốn mất công thối tiền lẻ, mặc dù tôi có sẵn trong tay đúng số tiền để trả, nhưng tôi thiết nghĩ là ông có nhã ý bớt cho khách một chút do tôi đã ghé qua tiệm của ông nhiều lần mỗi tuần trong suốt mấy năm liền để mua đủ thứ từ bia đến pin, từ bút viết đến giấy vệ sinh.
Hai vợ chồng chủ tiệm có cửa hàng tạp hóa ngay bên dưới nơi sinh sống của họ, mặc dù cả khách lẫn chủ trò chuyện với nhau không bao nhiêu ngoài vài lời bông đùa, chúng tôi đã thành quen thân.
Nếu xem các tiệm tạp hóa là một thể chế cộng đồng quan trọng thì 1.000 đồng giống một dấu hiệu nho nhỏ cho thấy tôi càng ngày càng có quan hệ tình thâm với khu phố. Đối với một người nước ngoài, điều này có ý nghĩa không hề nhỏ.
Tôi không ủy mị đến độ sướt mướt tình cảm chỉ vì tiết kiệm được tờ 1.000 đồng. Nhưng tôi có khựng lại một lúc để nhìn nó trước khi cất vào ví. [...]
Tiệm tạp hóa là nơi bày bán đủ mọi mặt hàng. Ảnh: Hồng Phúc/Báo Dân Việt. |
Sống ở Việt Nam, có lẽ hơn bất cứ nơi nào khác, người ta phải chứng kiến tốc độ thay đổi liên tục trong xã hội, chứng kiến sự phối hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa những thứ quen thuộc và mới lạ. Người ta có thể nhận ra tất cả yếu tố vừa nêu ở tiệm tạp hóa và thấy được vai trò của loại hình kinh doanh này trong xã hội Việt Nam.
Nếu cần, bạn có thể mua bất cứ thứ gì ở tiệm tạp hóa: Xịt khử mùi, kem cạo râu, bánh nhân kem, sữa bột, đồ chơi bằng nhựa, bột làm bánh, ớt bột, tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dưa muối, bắp rang, nước trái cây, khăn ăn, đồ cắt móng tay, dầu ăn, cá mòi đóng hộp, chén kiểu, đèn cầy, đũa, nước dừa, trứng, đường cát, muối, bột nở, nước rửa tay, tã lót, kẹo cao su, hạt điều, băng keo, chà bông heo, đậu phộng, dù, bình xịt côn trùng.
Dầu gội và sữa tắm được tết thành dây treo tòn teng hai bên lối vào tiệm trông như rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi. [...]
Những thứ lặt vặt dùng một lần rồi bỏ khiến tôi ưu tư. Chai có dung tích lớn chắc hẳn giá rẻ hơn, nhưng nhiều người có hoàn cảnh kinh tế bấp bênh không đủ khả năng mua.
[...]
Chỉ khâu, cúc áo, kim may, kéo, dây nhợ, bấm móng tay, dây thừng và thước dây, khi các hộp tròn bằng thiếc hiệu Royal Dansk đã hết bánh, chúng trở thành những hộp đựng đồ khâu vá.
Mẹ hoặc bà của bạn có thể đang giữ một hộp như thế ở nhà, rất có thể là do một tiệm tạp hóa tặng cho khi mua hàng ở đấy. Rồi số phận mấy cái hộp này sẽ ra sao khi càng ngày càng ít người biết may vá? Có lẽ nào lại vứt chúng đi?
Tôi đề nghị một vài công dụng: Đựng họa cụ, đồ trang điểm, nữ trang, tiền mặt, ví lạnh blockchain...
Khi mua một gói muối ở tiệm tạp hóa, người ta chẳng nghĩ ngợi gì nhiều đến thứ gia vị thông dụng này trong việc nấu nướng hoặc thắc mắc về số tiền đã chi cho nó vì vốn chẳng nhiều nhỏi gì.
Thế nhưng nếu bạn sống ở châu Âu 500 năm trước, bạn sẽ nghĩ khác. Thứ này hiếm, và do các quy chế nghiêm ngặt trong việc giao thương đường biển, mỗi một kg muối được bán đến 2.000 USD Mỹ tính theo giá trị tiền tệ hiện hành.
Đôi khi tôi mua một ít muối ở tiệm tạp hóa rồi rắc chút xíu lên đầu lưỡi để tự nhắc nhở mình về những thứ xa hoa mà tôi đang được hưởng thụ trong thời hiện đại.
Tôi cũng làm như thế với bột ngọt, một chất phụ gia tuyệt vời chỉ mới được phát minh hồi thế kỷ 20 thôi, để vinh danh những thành tựu khoa học rực rỡ, nhờ kiến thức tích lũy mà con người đã dùng kinh nghiệm của mình để cách tân và tiến hóa.