Toshiya Miura được LĐBĐ Việt Nam (VFF) bổ nhiệm dẫn dắt ĐTQG tháng 5/2014. Tính luôn trận gặp Đài Loan ngày 8/9, ông đã có 12 trận chính thức cùng ĐTQG với thành tích 7 thắng, 2 hòa và 3 thua, đạt tỷ lệ chiến thắng 58,3%. Ông là HLV ngoại có tỷ lệ thắng trận tốt thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam sau Falko Goetz (Đức, 60%) và hơn đứt những tên tuổi khác như Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, 28,9%) hay Alfred Riedl (Áo, 44,3%).
Thành tích của HLV Miura ở đội U23 và ĐTQG đều tốt hơn so với hai người tiền nhiệm là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. Ảnh: Tuấn Mark. |
Trận đấu khiến ông đi vào lòng người hâm mộ là chiến thắng 2-1 trên sân Shah Alam ở lượt đi bán kết AFF Cup với Malaysia. ĐTVN đã chơi rất mạch lạc, thi đấu hứng khởi và hiệu quả. Nhưng ông không thể duy trì điều đó lâu dài, tạo thành bản sắc mới cho ĐTVN. Hơn một năm với gần 20 trận đấu cả chính thức lẫn đấu tập, tham gia 2 giải đấu lớn với độ khó tăng dần lên đủ khiến người hâm mộ có cái nhìn tương đối khách quan về năng lực và dấu ấn của HLV Miura.
Ông là HLV ngoại hiếm hoi lên nắm ĐTQG, U23 mà không bị soi với người tiền nhiệm. Trước đó, bóng đá Việt Nam đã rơi xuống đáy về thành tích với HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. ĐTQG chia tay ngay sau vòng bảng AFF Cup 2012 còn U23 cũng rơi vào cảnh tương tự ở SEA Games trên đất Myanmar.
Chiến thắng 2-1 ngay trên sân Shah Alam là một trong những trận đấu mà HLV Miura đã để lại dấu ấn đậm nét. Ảnh: Tùng Lê. |
Trong giai đoạn đầu dẫn dắt ĐTQG lẫn đội Olympic dự Asian Games 2014, HLV người Nhật Bản được khen hết lời. Ông gây sửng sốt khi giúp đội Olympic Việt Nam đánh bại Iran 4-1, để giành quyền vào tứ kết. Đó là chiến thắng thuyết phục khi toàn đội đã triển khai thế trận phòng ngự - phản công hoàn hảo. Rồi sau đó, ông có một chặng đường đầy cảm xúc cùng ĐTVN tại AFF Cup. Dù đội bị loại sau trận thua khó hiểu 2-4 trước Malaysia tại Mỹ Đình, ông vẫn nhận được niềm tin tuyệt đối.
Cái hay của HLV sinh năm 1963 khi đó là không phụ thuộc vào một bộ khung có định, giúp đội bóng không lâm vào khó khăn khi thiếu vắng ai đó do chấn thương hay thẻ phạt. Thể lực cầu thủ nâng lên đáng kể, luôn vào trận với sự quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, ông thành công khi phá lối chơi của đối phương, giúp tuyển Việt Nam đạt kết quả tốt khi đối mặt với các đội bóng được đánh giá cao hơn.
Nhưng từ đầu năm 2015, hình ảnh của ĐTVN là lối chơi bế tắc, rời rạc, các cầu thủ có nhiều pha bóng xấu xí. Trận thắng Đài Loan vừa qua giúp ĐTVN có 3 điểm đầu tiên tại vòng loại World Cup nhưng hầu hết các chuyên gia, người hâm mộ lẫn một số cầu thủ thừa nhận đội chơi thiếu thuyết phục. Chúng kiến trận đấu này, bầu Đức đã cho rằng: “Ông Miura là HLV ngoại dở nhất trong lịch sử ĐTVN”.
Tuyển Việt Nam đánh bại Đài Loan 2-1 nhưng lối chơi khiến người hâm mộ rất thất vọng. Ảnh: Nhật Đoàn. |
Bầu Đức có cái lý của của mình nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là ĐTVN dưới thời vị HLV người Nhật chưa có sự tiến bộ, chưa xây dựng một lối chơi có bản sắc riêng như các đời HLV ngoại khác Weigang, Calisto hay Riedl... Ở sân chơi khu vực, bóng đá Việt Nam cho thấy sự thua kém rõ ràng so với Thái Lan, là bại tướng của Malaysia (AFF Cup) và Myanmar (SEA Games).
Sự yếu kém của một ĐTQG hay chiều hướng đi xuống của cả một nền bóng đá không thể đổ hết lỗi lên đầu của một HLV người Nhật, nhưng cựu HLV của Sapporo cần đem đến một diện mạo tươi sáng cho tuyển Việt Nam, trước mắt là trận gặp Iraq và Thái Lan trong tháng 10. Kết quả hai trận đấu này sẽ quyết định đến cơ hội đi tiếp của ĐTVN tại vòng loại World Cup. Đó cũng có thể là cơ hội cuối cùng để HLV Miura lấy lại niềm tin từ VFF, người hâm mộ.
Kết quả 12 trận đấu chính thức của HLV Miura cùng ĐTVN:
Việt Nam- Myanmar: 6-0
Việt Nam- Hong Kong: 3-1
Việt Nam- Palestine: 1-3
Việt Nam- Malaysia: 3-1
Việt Nam – Indonesia: 2-2
Việt Nam – Lào: 3-0
Việt Nam - Philippines: 3-1
Malaysia – Việt Nam: 1-2
Việt Nam – Malaysia: 2-4
Viêt Nam – Triều Tiên: 1-1
Thái Lan – Việt Nam: 1-0
Đài Loan – Việt Nam: 1-2