Sáng 21/9, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã hạ cánh xuống New York, Mỹ để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76. Chuyến đi lần này của Chủ tịch nước càng thêm phần ý nghĩa vì nó diễn ra nhân dịp kỷ niệm 44 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/9/1977 - 20/9/2021), qua đó đánh dấu một chặng đường dài trong đối ngoại đa phương của Việt Nam.
“Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói về nỗ lực đối ngoại đa phương của Việt Nam, theo báo Quốc tế.
Từ “cầu nối” mô tả chính xác những gì Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện trên tư cách một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cách gọi này càng trở nên quan trọng khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
“Với vấn đề mà họ không tìm được tiếng nói chung, chúng tôi vẫn cố xây dựng cầu nối giữa họ để tìm được điểm chung”, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, ngày 24/3 trả lời tờ Pass Blue về khó khăn khi làm việc tại HĐBA vào thời kỳ giữa 5 ủy viên thường trực (gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp và Anh) tồn tại căng thẳng.
Với vai trò trung gian, cầu nối, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong 8 tháng đầu năm 2021 - năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của HĐBA.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 76. Ảnh: TTXVN. |
Vai trò chủ tịch của Việt Nam ở HĐBA
Là thành viên trong HĐBA, mỗi quốc gia sẽ luân phiên giữ vị trí chủ tịch trong một tháng theo thứ tự bảng chữ cái. Tháng 4 vừa qua là lần thứ hai Việt Nam có cơ hội giữ vị trí chủ tịch luân phiên HĐBA, sau lần đầu vào tháng 1/2020.
Trong tháng 4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam đã điều hành khối lượng công việc khá lớn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp cấp làm việc. Với sự đề xuất của Việt Nam, HĐBA đã thông qua 10 văn kiện, trong đó có 4 nghị quyết, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
“Điều đáng mừng là các văn kiện, nghị quyết này được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của chủ tịch HĐBA để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của thành viên trong HĐBA LHQ trong suốt tháng 4”, Thứ trưởng Giang nhận định.
Tháng 4 chứng kiến lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Việt Nam chủ trì một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ HĐBA, với việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì 2 phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của HĐBA trong tháng Việt Nam làm chủ tịch. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng chủ trì 2 phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân”.
Việt Nam đã chủ trì thương lượng để thông qua 3 văn kiện quan trọng về các chủ đề trên, trong đó phải kể đến Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang.
Nghị quyết này thuộc số khoảng 1% các nghị quyết HĐBA được tất cả thành viên HĐBA đồng bảo trợ.
Đây còn là văn kiện có chủ đề mới duy nhất của HĐBA trong 6 tháng đầu năm và đã được nhiều nước tham chiếu đến khi giữa Israel và Hamas xảy ra giao tranh trong tháng 5.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng, tháng chủ tịch của Việt Nam có kết thúc tốt đẹp. Đánh giá về công tác tổ chức và điều hành của Việt Nam, Tổng thư ký Antonio Guterres cho rằng dường như trong tháng 4, các nước bớt tranh cãi hơn trước, theo Báo Quốc tế.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterre đánh giá Việt Nam khi làm chủ tịch HĐBA đã thể hiện sự khéo léo, vai trò trung gian, cầu nối trong hỗ trợ giải quyết bất đồng, tạo không khí hòa dịu giữa các nước lớn. Ảnh: Reuters. |
Tích cực tham gia các hoạt động
Dù không phải chủ tịch trong những tháng còn lại, Việt Nam vẫn tham gia các hoạt động của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng.
Chẳng hạn, tháng 8 là tháng Ấn Độ làm chủ tịch luân phiên của HĐBA. Trong thời gian này, Việt Nam tranh thủ thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ thông qua ủng hộ tích cực các sáng kiến của New Delhi, đồng thời cũng là những vấn đề mà Việt Nam có lợi ích trực tiếp.
Ngày 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận mở cấp cao của HĐBA về an ninh biển - vấn đề quan trọng hàng đầu với một nước ven biển như Việt Nam.
Nội dung bài phát biểu đã thể hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đề cao vai trò của ASEAN trong điều phối hợp tác về an ninh biển tại Biển Đông, tạo thuận lợi cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam tại khu vực này. Không chỉ nêu ra thách thức, Thủ tướng cũng đưa ra các đề xuất ứng phó hiệu quả, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Là thành viên không thường trực của HĐBA - cơ quan đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu, Việt Nam thường xuyên lên tiếng trước các vấn đề “nóng” của quốc tế và khu vực.
Khi căng thẳng bùng nổ tại Dải Gaza vào tháng 5, tại HĐBA, Việt Nam khẳng định lập trường nguyên tắc ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine cũng như ủng hộ giải pháp “hai nhà nước”.
Tháng 8, khi Taliban chiến thắng dồn dập tại Afghanistan, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là chấm dứt bạo lực, bảo vệ thường dân. Việt Nam cũng khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp chính trị tại Afghanistan, do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ.
Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Ảnh: Pass Blue. |
Việt Nam đã tích cực tham gia và khẳng định lập trường trong các vấn đề chủ đề được thảo luận tại HĐBA, nhất là về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.
Không dừng lại ở thảo luận, Việt Nam cũng có nhiều hành động trong thực tiễn. Tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định bổ sung hơn 11 tỷ đồng, tương đương 500.000 USD, để đóng góp cho cơ chế COVAX.
Cũng trong tháng 6, lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên LHQ nhiễm Covid-19 theo Cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của LHQ), đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - LHQ.