'Đất vàng' công viên cũng bị... xẻ thịt
Không ồn ào giao dịch như thị trường đất dự án, "đất vàng" trong các công viên lặng lẽ bị "chia năm xẻ bảy" để kinh doanh, sinh lợi cho một nhóm người.
>> Phát hiện nhiều cán bộ sai phạm trong quản lý đất đai
>> Lại 'nóng' cưỡng chế đất ở Hà Nam
Việc các công viên bị "băm nát" được ví như một nồi lẩu thập cẩm được "bày mâm, soạn bát" cho những khách VIP đã đặt bàn...
"Băm nát" công viên
Công viên Nguyễn Trãi C (nằm trên đường Phùng Hưng thuộc quận Hà Đông, Hà Nội) là địa điểm khá đắc địa, với khoảng diện tích ước chừng 5.000 - 6.000m2 chạy dài bên dòng sông Nhuệ Giang thơ mộng, là điểm lý tưởng để người dân vui chơi, giải trí.
Góc lấn chiếm vườn hoa công viên tại hồ Linh Đàm. |
Những tưởng diện tích công viên sau khi đầu tư xây dựng, sẽ được đưa vào khai thác sử dụng đúng mục đích của nó. Thế nhưng, kể từ năm 2003, Cty cổ phần Môi trường - Đô thị Hà Đông (đơn vị được giao quản lý) đã ngang nhiên cắt một góc (khoảng 600 - 700m2) phía đầu cầu Hà Đông cho Tập đoàn Lã Vọng thuê để kinh doanh quán cà phê Trung Nguyên.
Kể từ đó đến nay, quán cà phê này càng ngày càng phình to, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vui chơi, giải trí của người dân khu vực. Đặc biệt, từ việc chiếm dụng kinh doanh sai mục đích, chủ quán cà phê này còn ngang nhiên chiếm dụng luôn cả vỉa hè, lòng đường làm nơi để ô tô, xe máy của khách gây cản trở giao thông mà không hề bị lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Không chỉ có Công viên Nguyễn Trãi bị cắt góc, biến thành nơi kinh doanh buôn bán mà ngay cạnh đó, cả một góc vườn hoa, vỉa hè ở đầu đường Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội - đoạn đối diện khách sạn Anh Quân) cũng bị một số doanh nghiệp chiếm dụng biến thành nơi trông giữ ô tô, xe máy...
Đề cập tới vấn đề này, đại diện Cty cổ phần Môi trường - Đô thị Hà Đông thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng lấn chiếm vườn hoa khu vực đối diện khách sạn Anh Quân đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xử lý được.
Còn việc cắt đất cho doanh nghiệp thuê kinh doanh cà phê tại công viên Nguyễn Trãi là do yếu tố lịch sử để lại, do lãnh đạo tiền nhiệm ký hợp đồng cho phía Lã Vọng thuê thời hạn từ 2003 - 2017, với mức giá 6 triệu đồng /tháng và việc cho thuê này cũng đã được sự đồng ý của UBND quận Hà Đông.
Hơn thế nữa, từ khi có doanh nghiệp thuê lại diện tích vườn hoa, công viên, họ đã sửa sang, làm đẹp lên rất nhiều. Đặc biệt, việc tồn tại quán này chưa thấy phát sinh bất kì tiêu cực nào như mất an ninh trật tự khu vực, mất an toàn giao thông cho nên không thể xử lý ngay được (?!)
Chẳng riêng gì một vài trường hợp trên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng chiếm dụng đất sai mục đích còn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cụ thể, quán bia Thu Hằng (có địa chỉ số 2, phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhiều năm nay lấn chiếm, quây cả một góc công viên Nghĩa Đô khiến cho người dân muốn đi lại khu vực này rất khó khăn. Đó còn chưa kể tới sự phản cảm, làm mất vệ sinh môi trường, gây bức xúc trong dư luận.
Kế đến, tại khu vực hồ Linh Đàm, thời gian gần đây mọc lên một chuỗi nhà hàng, quán karaoke, trung tâm xông hơi massage với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông và án ngữ toàn bộ một góc công viên (đoạn gần gầm cầu dẫn lên cầu Thanh Trì, Hà Nội) khiến người dân không thể đi lại qua khu vực này vì đã bị doanh nghiệp, nhà hàng quây kín.
Lùng nhùng trách nhiệm
Đại diện cho việc xẻ thịt công viên vô tội vạ phải kể đến Công viên Tuổi trẻ - một địa chỉ được ví như niềm tự hào của giới trẻ Thủ đô. Mặc dù nằm chính giữa quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhưng nơi đây đang được "băm nhỏ" cho thuê lại với san sát nhà hàng, quán ăn, sân bóng...
Theo người dân xung quanh, ban đầu việc "xẻ thịt" này diễn ra từ từ, càng về sau càng dồn dập, trắng trợn hơn. Cây xanh chỉ còn tồn tại hai bên đường trong công viên và một vài khoảng trống nhỏ. Khái niệm công viên là vườn của mọi người, có nhiều cây và hoa, là nơi thư giãn chung cho mọi người đã trở thành những điểm dịch vụ bán vé thu tiền, phục vụ lợi ích một nhóm người.
Tương tự, trên trục đường Kim Giang (đoạn từ cầu Dậu đến cầu Tó - thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất trong nhiều năm qua diễn ra rất lộn xộn. Toàn bộ tuyến hành lang bên bờ phải của sông Tô Lịch bị các cơ sở, doanh nghiệp chiếm dụng, quây thành những ô làm nơi kinh doanh buôn bán, các gara sửa xe, rửa xe,... mà hầu như không gặp bất kì sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng trên địa bàn.
Tình trạng chiếm dụng hành lang bờ sông Tô Lịch. |
Có mặt tại tuyến đường này mới thấy được sự lộn xộn, buông lỏng quản lý khi toàn bộ phần đất hành lang của bờ sông đang bị chiếm dụng một cách vô tội vạ.
Theo tìm hiểu của PV, khoảng năm 2006 - 2007, dựa vào việc UBND TP. Hà Nội có chủ trương tận dụng những khoảnh đất bỏ không để làm nơi trông giữ xe, HTX Thành Công đã làm thủ tục xin Sở GTVT, UBND Thành phố cho phép thực hiện cải tạo lại hành lang bờ sông Tô Lịch để làm nơi trông giữ, rửa xe ô tô.
Được phê duyệt, thay vì thực hiện đúng chủ trương của TP., người đại diện của đơn vị này đã "bán cái" cho các doanh nghiệp, hộ cá thể muốn có đất kinh doanh (làm nơi trông giữ xe, gara ô tô, kinh doanh ăn uống, nhà xưởng...) với giá lên đến hàng chục nghìn /mét vuông, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đáng nói, từ cuối năm 2009, đầu năm 2010, UBND huyện Thanh Trì đã thực hiện cưỡng chế những trường hợp vi phạm, nhằm giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án "tiểu công viên" dọc bờ sông, nhưng cố làm đến mấy cũng như... "muối bỏ bể".
Đề cập tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phong, chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) khẳng định: "Việc cho thuê với giá tiền như thế nào, phía chính quyền địa phương không biết và không thể biết được. Mặc dù đất này thuộc quản lý của UBND xã nhưng chỉ là về mặt quản lý hành chính Nhà nước, còn thực chất đất lại thuộc của một chủ thể khác.
Sau khi HTX Thành Công được Sở GTVT và UBND thành phố chấp thuận, họ đã sử dụng, cho thuê lại ra sao thì chúng tôi không rõ. Chỉ nghe loáng thoáng, hình như họ đã hết hạn hợp đồng từ năm 2009 - 2010. Trong quá trình họ sử dụng, có trường hợp thực hiện đúng, có trường hợp không!"
Tình trạng chiếm dụng hành lang bờ sông Tô Lịch. |
Ông Phong cũng nhấn mạnh, mọi nguồn thu đều do bên HTX Thành Công thực hiện và giữ, còn xã hoàn toàn không có nguồn thu nào từ những khoảnh đất này trong khi đó xảy ra vấn đề gì, thành phố, huyện lại... truy xã.
Để xảy ra tình trạng chiếm dụng, sử dụng sai mục đích suốt trong thời gian qua là trách nhiệm của cấp quản lý xã, đồng thời có lỗi của HTX Thành Công.
"Rất khó giải quyết tình trạng này vì có nhiều mối "quan hệ" nên chưa thể làm triệt để ngay được. Chính vì vậy, tình trạng đó đã tồn tại kéo dài cho đến tận bây giờ", ông Phong khẳng định.
"Công viên Tuổi trẻ là một ví dụ cho sự lộn xộn, bừa bãi, gọi là công viên nhưng có ai vào đâu. Đơn vị này không tổ chức, quản lý được thì phải xử lý, thu hồi lại, sao cứ phải chấp nhận đứng nhìn nó bị xâm phạm một cách bừa bãi đến vậy.
Thiếu gì những việc làm ở đấy, cũng có thể làm công viên nhưng giao cho người khác làm, quản lý cứ gì phải là một mình anh đấy. Tình trạng đất vàng đang bị chiếm dụng một cách hoang phí ở đâu thì chưa bàn đến, nhưng minh chứng rõ nhất đó là Công viên Tuổi trẻ. Trong khi đó, cứ kêu thanh niên thiếu chỗ chơi, nó mới chơi bậy bạ ra. Đấy là những cái mà người ta thường phản ánh, báo chí cũng đưa nhiều nhưng không thấy ai quan tâm cả.", ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói. |
Theo Ngưoiduatin