Bộ tản văn lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của các vùng miền trải dọc dài đất nước gồm: Cầm tay Hà Nội, Đi giữa mùa mây, Căn cước xứ mưa, Mùa đi trên những mái rêu và Tình phố bên đồi là sự xâu chuỗi của văn chương, cẩm nang du lịch và mỹ thuật với những minh họa giàu khơi gợi.
Năm cuốn tản văn lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của các vùng miền đất nước. |
Bên cạnh những trang văn đầy cảm xúc, bộ sách còn dành cho những phượt thủ, những trái tim yêu cái đẹp thiên nhiên văn hóa và thôi thúc bước chân lên đường đến những vùng đất khác nhau, qua ba miền Bắc - Trung - Nam.
Cảm xúc đong đầy về vẻ đẹp của mỗi vùng đất
Với tác giả Khúc Cẩm Huyên trong Cầm tay Hà Nội, “Hà Nội giống như một cô gái lúc dịu hiền mong manh như sương sớm, khi lại giận hờn khó đoán như trời sắp bão giông. Ấy thế mà ai đã đến, đã từng “cầm tay Hà Nội” một lần thì thật khó lòng không yêu”.
Sách Cầm tay Hà Nội khắc họa vẻ đẹp mảnh đất nghìn năm văn hiến. |
Hà Nội là nơi có quá nhiều điều để rung động, bởi mỗi con người là một mảnh ghép tạo nên mảnh đất này, nơi đây chẳng bao giờ thiếu chỗ để lê la phố phường cùng những thức ăn nổi tiếng... Hà Nội có bốn mùa mà mùa nào cũng đều được gọi là mùa yêu với những cảm xúc rất riêng, khó quên. Mùa xuân ở đây gợi niềm rạo rực khó tả, mùa hè nắng vàng như rắc mật, cái thu đến rất vội và cái lạnh cắt da thịt của mùa đông khiến người ta chỉ muốn nép vào nhau.
Ngược lên Tây Bắc, với Đi giữa mùa mây, một vùng đất vừa quen vừa lạ đều được nhìn qua lăng kính độc đáo, đầy ắp yêu thương của tác giả Nguyễn Hạnh Hà My. Qua trang sách, độc giả như ngắm mùa hoa tam giác mạch đẹp mê mải, mùa hoa cải vàng rực, mùa hoa dại nở tràn thung lũng cùng những cái tên Phố Cáo, Mù Cang Chải, Y Tý...
Mỗi bước chân trong hành trình khám phá đều hiện ra vẻ đẹp của không gian vùng cao cùng những con người chân chất, tràn đầy nhung nhớ, thấm đẫm tình đất và tình người. “Một miền đất mờ ảo đầy sương khi đông đến và nở bung hoa lá khi xuân về. Một miền đất lấp lánh nắng vàng thung lũng thu mênh mông và chan hòa nắng gió, xanh mát bầu trời ngày hạ ghé”.
Đi dọc vào miền Trung, nơi mà nhà thơ Tố Hữu đã từng thốt lên “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”, tác giả Lê Vũ Trường Giang sẽ mang đến cho bạn đọc một Huế đậm đặc chất thơ trong Căn cước xứ mưa.
Theo hành trình của ngòi bút, bạn đọc sẽ ghé thăm xứ sở của những tà áo dài tím, về miền đất cổ xưa đẹp đẽ, nơi mỗi người được nhìn ngắm thiên nhiên kì vĩ, bước đi trong thành quách đền đài, nghỉ chân trong khu vườn nhà xanh rợp bóng và một lần đắm chìm trong không gian ca từ bất hủ của nhạc Trịnh.
Mùa đi trên những mái rêu khám phá Hội An tĩnh lặng. |
Để hiểu và cảm nhận trọn vẹn vùng đất đẹp và bình yên, nhưng cũng đầy bí ẩn như Hội An, nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào đưa bạn đọc ghé từng góc phố, từng mái nhà, từng món ăn, từng sản vật kì thú được gọi tên trong Mùa đi trên những mái rêu, cho bạn đọc những hình dung đầy đặn về một Hội An huyền thoại.
Bằng bàn chân nhẹ bước và rung động trong trẻo thanh xuân, hành trình yêu thương và khám phá con phố nằm bên sông Hoài sẽ bắt đầu từ màu hoa phố Hội, những tiếng thở hiền của hẻm, âm thanh sống... qua những trang viết tinh tế và đầy ắp chất thơ.
Khép lại cho hành trình bộ năm du lịch cảm xúc, thành phố lãng mạn của tình yêu - Đà Lạt qua con chữ của Nguyên An là xứ lạnh độc đáo giữa cao nguyên nồng ấm, nơi du khách tìm về tạm lánh khỏi ồn ào phố thị, khơi dậy cảm hứng cho tao nhân mặc khách.
Tình phố bên đồi sẽ mời bạn ghé thăm Đà Lạt với những nét đặc sắc rất riêng, nơi Nguyên An gọi Đà Lạt là “Phố” bằng tất cả yêu thương nữ tính nhất một cô giáo có được. Phố hiền lành như cô tiểu thư khuê các, từng đường nét toát lên vẻ nhu mì thanh thoát. Gió ở "Phố" dịu dàng, mưa ở "Phố" nhẹ nhàng, đến cái nắng ở "Phố" cũng dễ chịu.
Khám phá nơi chốn đặc sắc chỉ “thổ địa” mới biết
Được viết bởi các tác giả ham đi, nhiều trải nghiệm và có vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử của các vùng đất, bộ tản văn Cầm tay Hà Nội, Đi giữa mùa mây, Căn cước xứ mưa, Mùa đi trên những mái rêu và Tình phố bên đồi còn tặng thêm cho độc giả những thông tin thú vị mà phải cỡ “thổ địa” nơi đấy mới biết. Đó là điều mà bất cứ bạn trẻ đam mê xê dịch đều mong muốn để có thể hiểu hơn về Hà Nội, Tây Bắc, Huế, Hội An và Đà Lạt.
Khúc Cẩm Huyên, cô gái sinh sống bảy đời ở Hà Nội đã quá “nằm lòng” với những 36 phố phường, địa điểm hò hẹn và thức ngon, kể cả kỹ năng “sống còn” với mùa Đông Hà Nội.
Căn cước xứ mưa là một chỉ dẫn tuyệt vời đến danh lam, ẩm thực xứ Huế. |
Tác giả Lê Vũ Trường Giang, chia sẻ: “Cơn mưa xứ sở đầy bí ẩn và mê hoặc, dìu dắt tôi đi qua những ngày tháng lẫn lộn giữa thực và mơ. Tôi sinh vào mùa mưa, mở mắt ra đã thấy mưa, mưa vào lời ru, mưa đưa nôi, mưa qua chiếc nón mẹ che, mưa về trên lối mòn cỏ ướt, mưa đưa tôi đi học, mưa theo ba vào núi, mưa ướt tuổi thơ, mưa ươm tuổi trẻ”.
Là đứa con của Huế, gắn bó và yêu Huế như máu thịt, mỗi bài viết trong tản văn Căn cước xứ mưa như là chỉ đường, giới thiệu những danh lam thắng cảnh, ẩm thực xứ Huế, cùng các lý giải tường tận về nguồn gốc lịch sử của Kinh đô thần bí.
Tây Bắc, Hội An dù không phải quê hương của hai tác giả Nguyễn Hạnh Hà My, Nguyễn Thị Anh Đào nhưng với họ “bao năm đi qua, đôi chân mình vẫn nhớ nhung tìm về Tây Bắc. Mình đã gửi lại đây những tháng năm đẹp nhất của tuổi đôi mươi. Những câu chuyện tình bạn, tình yêu”. Hay con phố cổ Hội An nhỏ mà sâu, để thấu hiểu Hội An cần cả chặng đường dài, vì thế Hội An như mối tơ vương lưu luyến với tác giả của Mùa đi trên những mái rêu.