Cuối năm ngoái, Pablo Ortez đã bỏ việc, bán đồ đạc và chuẩn bị cùng vợ tới Nhật Bản, nơi cô đang học tiến sĩ. Tuy nhiên, 72 giờ trước khi rời Argentina, anh kiểm tra trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thì phát hiện rằng chính phủ nước này đã áp dụng lệnh cấm đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron.
“Tôi đã gọi cho Đại sứ quán Nhật Bản, và họ nói rằng tôi không thể bay đến nước này”, anh Ortez cho biết. Anh vẫn không biết khi nào mới có thể đoàn tụ cùng vợ mình, theo Guardian.
"Thật đáng thất vọng"
Người đàn ông 33 tuổi này nằm trong số hàng chục nghìn người có kế hoạch học tập, làm việc hoặc đoàn tụ cùng người thân ở Nhật Bản. Họ thấy Nhật Bản - quốc gia đã duy trì những hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới trong suốt đại dịch - đã đóng cánh cửa lại với họ.
Các hạn chế mới nhất, được áp đặt vào cuối tháng 11/2021, có hiệu lực với tất cả người nhập cảnh, ngoại trừ công dân Nhật Bản và một số trường hợp khác.
Lewis Hussey đã đặt nhiều tâm huyết vào việc du học Nhật Bản trước khi tốt nghiệp đại học vào mùa hè này. Tuy nhiên, lệnh cấm đi lại khiến anh phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về kế hoạch của mình.
"Thật đáng thất vọng", anh Hussey, 26 tuổi, nói.
Những sinh viên biểu tình phản đối chính sách biên giới nghiêm ngặt của Nhật Bản. Ảnh: Handout. |
“Đã có những thời điểm mà Nhật Bản có vẻ như sắp mở cửa, nhưng rồi lại không. Tôi cảm thấy như mình đã bị lừa mất cơ hội đi du học vì cách tiếp cận không nhất quán và vô lý của Nhật Bản”, anh nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia không áp đặt lệnh cấm đi lại và cảnh báo rằng chúng không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các lệnh cấm cũng gây ra tình trạng khốn cùng về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dường như sẽ không đưa ra những thay đổi đáng kể đối với chính sách biên giới. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 88% người dân tin rằng hạn chế này là “phù hợp”.
Song những hạn chế này không thể ngăn cản Omicron xâm nhập vào Nhật Bản, nơi đã báo cáo kỷ lục 46.000 ca mắc mới vào ngày 20/1. Cuối tuần này, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực tại Tokyo và nhiều nơi khác của Nhật Bản để giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế đi lại chặt chẽ trong suốt đại dịch. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là vào mùa hè năm ngoái, khi hàng chục nghìn vận động viên, quan chức và nhà báo đến Thế vận hội Tokyo.
"Tôi đã khóc cả ngày"
Ông Kishida gần đây cho biết lệnh cấm sẽ được gia hạn cho đến cuối tháng 2, nhưng Jade Barry đang chuẩn bị cho sự trì hoãn lâu hơn.
Cô gái 29 tuổi này đã dự định mở rộng kinh doanh tóc giả. Tuy nhiên, vào thời điểm lệnh cấm mới nhất có hiệu lực, cô buộc phải từ bỏ kế hoạch tìm kiếm các địa điểm cho cửa hàng mới ở Tokyo.
“Tôi đã khóc cả ngày, và các con tôi thắc mắc không biết mẹ chúng bị làm sao”, cô Barry cho biết.
“Tôi đã yêu Nhật Bản từ khi còn nhỏ. Mở rộng kinh doanh là cách để hiện thực hóa mục tiêu bắt đầu một cuộc sống của tôi ở đất nước này”, cô cho biết.
Kế hoạch kinh doanh của cô Jade Barry bị gián đoạn vì lệnh hạn chế của Nhật Bản. Ảnh: Handout. |
Các sinh viên bị mắc kẹt ít tìm được sự đồng cảm từ các chính trị gia Nhật Bản, nhưng lại nhận được sự ủng hộ từ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho biết lệnh cấm sẽ kìm hãm sự đổi mới và đe dọa lợi ích lâu dài của Nhật Bản, khi ngày càng có nhiều sinh viên tìm đến các quốc gia khác, bao gồm cả các đối thủ kinh tế như Hàn Quốc.
Trong một bức thư gửi thủ tướng Nhật Bản, hàng trăm học giả và chuyên gia kêu gọi chính phủ nước này nới lỏng kiểm soát biên giới để cho phép sinh viên, các nhà giáo dục,... nhập cảnh vào nước này.
“Thật là bực bội", Imane, một sinh viên 20 tuổi người Canada, cho biết. Anh dự định tham gia khóa học tiếng Nhật tại Tokyo. Bên cạnh đó, anh cho biết bản thân đã trải qua hai năm lãng phí để chờ đợi Nhật Bản mở cửa biên giới.
“Tôi yêu Nhật Bản nên điều này thật đau lòng, nhưng tôi không thể dành cả đời để chờ đợi. Nếu Nhật Bản không mở cửa biên giới trong năm nay, tôi sẽ phải tìm kiếm nơi khác", Imane nói thêm.
Vilhelm, một sinh viên đến từ Lithuania, đã rất thất vọng trước những hạn chế của Nhật Bản. “Tôi đã đầu tư vào việc học tập ở Nhật Bản, và tôi cảm thấy như họ đang đối xử với bản thân rất bất công. Tôi vẫn yêu Nhật Bản, nhưng đôi khi tôi quên mất lý do”, Vilhelm cho biết.
Barry đã lên mạng xã hội để tập hợp sinh viên và những người mắc kẹt khác nhằm tổ chức chiến dịch chấm dứt các hạn chế.
Tuần trước, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết sẽ cho phép 87 sinh viên nhận học bổng chính phủ nhập học vào tháng 2. Song 150.000 người khác vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Họ sẽ tiếp tục sống trong tình trạng lấp lửng và không biết khi nào mới có thể bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước đã trở thành “vương quốc ẩn sĩ” vì Covid-19.
“Nhật Bản đang làm tổn hại đến quyền lực mềm và nền kinh tế của họ”, anh Ortez cho biết.