Papua New Guinea là một trong những nước có tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân thấp nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2018, quốc gia này có 0,07 bác sĩ trên 1.000 dân.
Số liệu này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2017 của các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương (0,5), trung bình của thế giới năm 2017 (1,6) và của Mỹ vào năm 2017 (2,6).
Papua New Guinea đã thành công trong việc phòng chống dịch ở giai đoạn đầu. Từ khi ghi nhận người nhiễm virus corona đầu tiên vào ngày 20/3/2020 đến cuối tháng 2, nước này chỉ báo cáo tổng cộng 1.275 ca bệnh, theo Đại học Johns Hopkins.
Tuy nhiên, trong tháng qua, số ca nhiễm tăng hơn gấp 3 lần. Papua New Guinea đã báo cáo ít nhất 4.660 trường hợp mắc Covid-19 và 39 người tử vong. Trong số đó có nghị sĩ Richard Mendani, 53 tuổi, người tử vong vào đầu tháng này, theo Đài phát thanh New Zealand.
Papua New Guinea là một trong những nước có tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân thấp nhất thế giới. Ảnh: WHO Papua New Guinea. |
Ngày 26/3, quốc gia này ghi nhận 560 ca nhiễm mới, con số cao nhất trong một ngày. Thủ tướng James Marape đã thừa nhận có "dịch đang lây truyền lan dữ dội trong cộng đồng".
Một năm trước, Papua New Guinea phòng chống Covid-19 rất triệt để. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng lên như hiện tại, các biện pháp hạn chế của nước này lại không quá nghiêm ngặt hoặc không được thực thi chặt chẽ.
Nhà chức trách Papua New Guinea vào tuần trước thông báo hạn chế đi lại giữa các tỉnh và bắt buộc đeo khẩu trang. Họ cũng cho biết sẽ cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học.
Tuy vậy, một người dân sống ở Goroka, Cao nguyên phía Đông của Papua New Guinea, nói với CNN rằng chỉ 20% người ông gặp có đeo khẩu trang.
Mặc dù số liệu Covid-19 của Papua New Guinea có vẻ không cao như các quốc gia khác, đây là một vấn đề lớn với đất nước chỉ có khoảng 500 bác sĩ này. Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo hệ thống y tế Papua New Guinea có thể đang trên "bờ vực sụp đổ".
Tỷ lệ xét nghiệm thấp cũng khiến số ca nhiễm có khả năng cao hơn nhiều so với thực tế, các nhà chức trách nước này thừa nhận.
Những nhà quan sát cảnh báo khủng hoảng ở Papua New Guinea có thể trở nên tồi tệ hơn vào tuần tới khi người dân ở quốc gia chủ yếu theo đạo Cơ Đốc giáo này quay về từ kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Papua New Guinea cũng đang kêu gọi các nước láng giềng Australia và New Zealand giúp đỡ nhiều hơn nữa.
“Cuộc khủng hoảng của Papua New Guinea hiện đã lên đến mức mà chúng ta lo ngại cách đây một năm, với số ca bệnh tăng vọt”, nhà nghiên cứu Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế Kate Schuetze cho biết. "Hệ thống y tế mỏng manh và điều kiện sống không đầy đủ đã giúp Covid-19 lây lan trong các khu định cư không chính thức và đông đúc của nước này”.