Những năm qua, khi TP.HCM thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy giao dịch trở nên sôi động hơn ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, đến tháng 8 này, báo cáo của DKRA cho biết tỷ lệ tiêu thụ ở 3 tỉnh này chỉ đạt 34% trên tổng số 193 nền đất mới.
Trong đó, khắp Đồng Nai chỉ có 9 nền được mở bán nhưng không nhà đầu tư nào xuống tiền, còn Bình Dương có 90 nền mới nhưng chỉ bán được 2 nền. Riêng thị trường Long An khả quan nhất cũng chỉ bán được khoảng 2/3 nguồn cung mới.
Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường đã có dấu hiệu đi xuống từ vài tháng trở lại đây do các chính sách tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Tỷ lệ tiêu thụ các tháng 6, 7 lần lượt chỉ đạt 54% và 48%, dù nguồn cung mới luôn ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và mặt bằng giá cũng không có nhiều biến động. Giá sơ cấp trung bình ở các địa phương hiện dao động quanh vùng 16-24,4 triệu đồng/m2.
Nguồn cung và tiêu thụ đất nền mới ở một số địa phương trong tháng 8 | ||||||
Dữ liệu: DKRA | ||||||
Nhãn | Bình Dương | Đồng Nai | Long An | Đà Nẵng | Quảng Nam | |
Nguồn cung | Nền | 90 | 9 | 94 | 400 | 23 |
Tiêu thụ | 2 | 0 | 62 | 101 | 0 |
Điều đáng nói, diễn biến này không chỉ xuất hiện ở khu vực phía Nam. Lượng tiêu thụ đất nền ở Đà Nẵng thậm chí còn thấp hơn, chỉ bằng 24% tổng nguồn cung mới mở bán trong tháng. Hay ở Quảng Nam, có 23 nền đất mới được chào bán nhưng không phát sinh giao dịch nào.
Ở khu vực này, bên cạnh lý do về siết tín dụng, thanh khoản thấp còn đến từ việc giá bán ngày càng tăng cao. Mặt bằng giá sơ cấp đã tăng khoảng 3-17% so với giai đoạn mở bán trước cách đây 3-8 tháng, do những dự án này đã hoàn thiện cả về hạ tầng lẫn pháp lý. Giá chào bán đất nền ở Đà Nẵng hiện khoảng 22,5-30 triệu đồng/m2, còn Quảng Nam khoảng 11,3-28 triệu đồng/m2.
Trước đó, chuyên trang Batdongsan cũng thống kê mức độ quan tâm đến đất nền trong 6 tháng đầu năm ở Đà Nẵng giảm 11% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các tỉnh miền Trung khác như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa lại ghi nhận chỉ số này tăng lần lượt 57%, 51%, 48% và 25%.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng nguồn cung và sức cầu toàn thị trường đất nền từ tháng 9 trở đi sẽ khởi sắc hơn nhờ việc tháo gỡ các nút thắt về nguồn vốn tín dụng.
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho 15 nhà băng. Tuy nhiên, trao đổi với Zing, một số nhà đầu tư đất nền lâu năm cho biết nguồn vốn ngân hàng vẫn chưa được khơi thông dễ dàng như trước, do bất động sản không được ưu tiên như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.