Trong khủng hoảng thực phẩm bẩn, các loại rau sạch, rau hữu cơ organic không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích bùng nổ, nhiễu loạn thị trường khi ngay cả người cung cấp còn khó phân biệt được đâu là thật, giả.
Rau sạch nhan nhản từ chợ trời đến chợ mạng
Tại thị trường thực phẩm Việt Nam hiện tại, nhu cầu về thực phẩm không hóa chất đang là xu hướng thống trị. Vô số các điểm bán hàng với danh xưng organic mọc lên nhan nhản ở các chợ mạng hoặc điểm bán hàng trực tiếp. Giá cả giữa các điểm bán cũng chênh lệch đến con số trăm nghìn đồng với mỗi bó rau, mớ quả.
Tại những con đường lớn tại TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu,… không khó để người tiêu dùng bắt gặp những cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ organic mọc lên san sát. Giá cả của các loại rau này khá đắt đỏ, có những loại lên đến 100.000-120.000 đồng một kg.
Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm thực phẩm organic, bà Phạm Phương Thảo (Giám đốc chuỗi Organica) cho biết riêng công ty hiện tại đã có 4 cửa hàng bán lẻ, trong đó có 3 cửa hàng tại TP.HCM và một cửa hàng tại TP. Đà Nẵng. Cửa hàng bà cũng đang xây dựng kho bãi tại Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc “Bắc tiến” mang thực phẩm của chuỗi cửa hàng ra miền Bắc.
Một cửa hàng kinh doanh rau organic tại đường Nguyễn Thái Học (quận 1). Ảnh: Organica. |
Hiện tại, cửa hàng bà Thảo phân phối chính các sản phẩm rau hữu cơ, gồm: rau nhiệt đới và rau ôn đới. 50 loại rau nhiệt đới đang được trồng tại Long Thành (Đồng Nai) và trên 10 loại rau ôn đới trồng tại Lạc Dương (Lâm Đồng). Ngoài rau củ, cửa hàng còn cung cấp các thực phẩm hữu cơ mà công ty này tự sản xuất như: các loại gạo, thịt, cá, trứng, gia vị, …
Ngoài những thực phẩm tự sản xuất, cửa hàng cũng hợp tác với một số đối tác nước ngoài, nhập khẩu các loại thực phẩm hữu cơ mà Việt Nam chưa sản xuất được, như các loại sữa bò, sữa thực vật, các loại dầu ăn, gia vị, các loại hạt, ngũ cốc, nước ép trái cây, trái cây tươi,…
Giá đắt gấp 2-3 lần nhưng mắt thường khó phân biệt
Lý giải chuyện giá cả đắt đỏ, bà Thảo cho biết hình thức canh tác hữu cơ là một nguyên nhân. Hình thức này không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học, không dùng chất kích thích tăng trưởng hay bảo quản, không dùng giống hay thành phần biến đổi gene (GMO) nên năng suất thấp hơn canh tác thông thường. Bên cạnh đó vấn đề sâu bệnh phức tạp dẫn tới mẫu mã sản phẩm không đẹp, phải sơ chế loại bỏ nhiều dẫn tới giá thành cao.
Thêm nữa, phần lớn người tiêu dùng chưa biết tới thực phẩm hữu cơ nên công tác tiếp thị và quảng bá tới khách hàng khó khăn và tốn kém…
"Các yếu tố trên đã làm giá thành thực phẩm hữu cơ đắt hơn 2-3 lần so với canh tác thông thường nên giá bán ra cũng cao hơn. Đây là tình trạng chung của thực phẩm hữu cơ trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam”, Bà Thảo cho biết.
Kệ hàng rau organic trong tình trạng "cháy hàng" tại siêu thị. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Cũng theo bà Thảo, rất khó để phân biệt rau hữu cơ và rau không phải hữu cơ bằng mắt thường. Vì nếu biết cân đối dinh dưỡng, quản lý tốt trang trại và sơ chế kỹ, hình thức rau hữu cơ cũng đẹp khi đến tay người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng muốn mua được rau hữu cơ thực sự thì phải đến các điểm bán của các đơn vị đã được chứng nhận hữu cơ cho trang trại và quy trình đóng gói. Hãy hỏi người bán giấy chứng nhận hữu cơ của đơn vị nào chứng nhận, thời hạn có còn không, trang trại ở đâu”, bà Thảo nói thêm.
Ngoài ra, các cửa hàng hữu cơ đều có hệ thống truy xuất nguồn gốc trên mỗi bó rau. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR để biết bó rau đó được trồng ở trang trại nào, quy trình chăm sóc ra sao, có chứng nhận hay không…
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, người có thâm niên trong việc nuôi trồng các sản phẩm hữu cơ cung ứng có thị trường trong và ngoài nước cũng chia sẻ về các lựa chọn rau hữu cơ organic.
Theo ông Viên, điểm khác biệt lớn nhất của rau hữu cơ organic và rau bình thường là rau hữu cơ organic được trồng hoàn toàn bằng vi khuẩn, có khoảng 1-5 tỷ vi khuẩn trong 1 mét vuông trồng rau, thay vì những loại rau khác được trồng bằng phương pháp có sự “nhúng tay” của hóa học.
“Loại rau hữu cơ ogranic nếu là người tiêu dùng khi ăn họ sẽ thấy một vị hoàn toàn khác rau bình thường là không chát, ăn khá ngọt”, ông Viên tiết lộ.
Theo ông Viên, hiện tại mức giá rau, củ công ty ông đưa ra thị trường ở mức 60.000-120.000 đồng/kg. Lượng rau đơn vị ông sản xuất được cũng khá ít, chỉ được vài chục kg rau cung cấp cho các hệ thống siêu thị tại TP.HCM.
“Biết là giá có thể cao hơn so với rau trồng theo phương pháp hóa học, nhưng người tiêu dùng cần nhận thức đúng về khái niệm, cũng như chất lượng của loại rau trồng 100% bằng phương pháp vi sinh vật, không chất bảo vệ thực vật”, ông Viên nói.
Cũng theo ông Viên, hiện tại Việt Nam có khoảng 99% canh tác theo phương pháp hóa học, chỉ số ít còn lại đang trồng cho phương pháp hữu cơ organic, chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông sản hữu cơ, nhưng hầu hết đều sản xuất để xuất khẩu đi nước ngoài.
Người tiêu dùng Việt Nam, vì thế, vẫn phải tạm ứng niềm tin để mua các sản phẩm được tiếng là rau sạch trên thị trường.