Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội) cho rằng việc thành phố ra quân dẹp vỉa hè, dỡ bậc tam cấp là chủ trương đúng, cần dư luận ủng hộ.
Cách đây 25 năm, Hà Nội đã quy định rất rõ về xây dựng bậc tam cấp đối với những ngôi nhà mặt đường. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cả người dân và cơ quan chức năng đều không thực hiện nghiêm chỉnh.
Lỗi không hoàn toàn thuộc về người dân
- Hà Nội đang ra quân lập lại trật tự đô thị, trong đó có việc phá dỡ các bậc tam cấp lấn vỉa hè. Nhiều người dân phản ứng khi bậc tam cấp bị dỡ trong khi nền nhà chênh với đường gần 1 m. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nói về quản lý trật tự đô thị ở Hà Nội. Audio: Văn Chương. |
- Tôi cho rằng việc lập lại trật tự vỉa hè, phá dỡ bậc tam cấp của Hà Nội là đang thực hiện lại quy định của pháp luật đã bị lãng quên một thời gian dài. Bởi lấn chiếm vỉa hè đã xảy ra quá lâu rồi nhưng các cơ quan chức năng không xử lý được.
Việc xây dựng ở đô thị có quy định và quy chuẩn cụ thể. Ví dụ, từ năm 1992 đã có quy định với nhà tiếp giáp mặt đường, người dân có thể làm bậc tam cấp đua ra không quá 30 cm.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố. Ảnh: Phan Anh. |
Tuy nhiên, trên hầu hết tuyến phố, các hộ dân lấn ra vỉa hè 2-3 bậc. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là người dân chưa nắm được quy định. Thứ hai là nắm được nhưng cố tình không thực hiện.
- Như lời ông nói thì lỗi hoàn toàn thuộc về người dân?
- Không hoàn toàn như vậy. Phần lớn công trình xây dựng nhà ở Hà Nội đều được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Trước đây là Sở Xây dựng nhưng hiện các quận, huyện được quyền.
"Việc lập lại trật tự vỉa hè, phá dỡ bậc tam cấp là thực hiện lại quy định đã bị lãng quên một thời gian dài. Bởi lấn chiếm vỉa hè đã xảy ra quá lâu rồi nhưng các cơ quan chức năng không xử lý được"
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm
Điều đáng nói là quy định thể hiện rất rõ nhưng khi thực hiện lại không nghiêm chỉnh. Các cơ quan cấp phép xây dựng cho người dân nhưng thiếu thẩm định, giám sát, hậu kiểm. Nhiều nơi cấp phép cho xong chứ không xuống kiểm tra khi công trình đang thi công hay đã hoàn thành.
Ngoài ra quy định về mái vẩy, mái hắt, thậm chí vị trí chảy nước điều hòa nhiệt độ cũng có.
Phải nói thẳng ra là lỗi không phải do quy hoạch mà vì ý thức của người dân chưa cao và năng lực quản lý của cơ quan chức năng yếu kém.
Giải pháp xử lý bậc tam cấp với nhà cốt nền cao
- Nhiều người dân phản ứng việc phá dỡ bậc tam cấp vì họ cho rằng Hà Nội thực hiện quá nhanh. Ông có nghĩ như vậy?
- Tôi cho rằng người dân không nên quan niệm như vậy. Rõ ràng bậc tam cấp của họ lấn chiếm vỉa hè. Nếu họ xây bậc tam cấp thụt vào trong nhà từ trước thì chắc chắn sẽ không rơi vào tình trạng này.
Vỉa hè chỉ rộng 2,5 m mà tam cấp của người dân đua ra 60 cm thì đã chiếm gần 1/4 vỉa hè rồi.
Sau khi bị phá dỡ do lấn vỉa hè, người dân trên phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) đã xây dựng lại bậc tam cấp lùi vào bên trong nhà. Đây là cách làm phổ biến của các nước trên thế giới. Ảnh chụp chiều 20/3: Văn Chương. |
- Đối với những ngôi nhà cốt nền cao hơn vỉa hè cả mét theo ông nên xử lý thế nào?
- Trong kỹ thuật có rất nhiều cách để khắc phục. Trước mắt, người dân có thể sử dụng các kết cấu tạm để lên xuống. Phương án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống vì rất mất thời gian và phiền phức.
Về lâu dài, người dân nên điều chỉnh lại, đẩy lùi bậc tam cấp vào đúng ranh giới phần đất nhà mình. Thực tế, nhiều gia đình ở Hà Nội đã thực hiện việc này rồi.
Tôi đi nhiều nước trên thế giới và thấy người ta chấp hành việc xây dựng rất nghiêm. Phần bậc lên xuống, họ đều xây thụt vào trong nhà, không có bất cứ bậc tam cấp nào lấn vỉa hè cả. Bên cạnh đó, họ kiểm soát việc xây dựng rất tốt.
- Có ý kiến đề xuất rằng sau khi dọn vỉa hè xong, Hà Nội nên cho người dân thuê lại vỉa hè để kinh doanh và có thu phí. Ông nghĩ sao?
- Tùy từng vỉa hè có thể áp dụng đề xuất này. Đầu tiên chúng ta phải phân ra từng loại vỉa hè, tính chất tuyến phố. Hiện quận Hoàn Kiếm có hơn 800 tuyến phố, hầu hết vỉa hè chật hẹp, nếu cho người dân thuê lại thì lấy đâu ra đường cho người đi bộ?
Theo tôi, những tuyến đi bộ có thể áp dụng đề xuất này bởi người dân được quyền đi xuống lòng đường. Còn các tuyến phố khác tuyệt đối phải siết chặt để dành đường cho người đi bộ.