Ly hôn và khánh kiệt, Kwon Chol Nam trốn khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc vào năm 2014 bằng cách lội qua con sông ở biên giới, rồi bò dưới hàng rào dây thép gai. Sau chuyến đi đầy nguy hiểm, ông đến Thái Lan và bay tới Hàn Quốc để bắt đầu cuộc sống mới.
Giờ đây sau tất cả những rắc rối và chông gai, ông Kwon lại đổi ý và mong muốn được trở về Triều Tiên.
Cưỡi con ngựa mới biết có phù hợp không
"Bạn phải cưỡi con ngựa mới biết nó có phù hợp với bạn không", ông Kwon trả lời New York Times trong cuộc phỏng vấn ở Seoul. "Tôi đã thử và miền Nam không dành cho tôi. Tôi muốn về miền Bắc, đoàn tụ cùng vợ cũ và đứa con trai 16 tuổi".
Triều Tiên là một trong những quốc gia kỷ luật nặng nhất thế giới. Với ông Kwon, điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Ông Kwon nói rằng ông đã vỡ mộng với cuộc sống nơi Hàn Quốc tư bản. Ở đó, những người như ông bị đối xử như công dân hạng hai.
"Họ gọi tôi bằng nhiều cái tên khác nhau, coi tôi như một thằng ngốc, và tiền công tôi nhận được thì không bằng những người khác làm cùng công việc, chỉ vì tôi đến từ Triều Tiên", ông Kwon tức giận kể.
Ông đã tổ chức những cuộc họp báo, đệ trình kiến nghị lên Liên Hợp Quốc và đứng cầm bảng hiệu trước các tòa nhà chính phủ ở Seoul.
Kể từ những năm 1990, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang Hàn Quốc kể từ khi nạn đói xảy ra ở quê hương họ. Trong số đó, 25 người đã hồi hương một cách bí ẩn.
Giới chức Hàn Quốc nghi ngờ những người này đã bị dụ dỗ sang Trung Quốc và bị bắt cóc trở lại Triều Tiên. Ở đó, chính phủ sử dụng họ để lên tiếng chống lại cuộc sống "địa ngục" họ đã nếm trải ở Hàn Quốc.
Ông Kwon Chol Nam công khai yêu cầu chính phủ Seoul cho phép trở lại Triều Tiên. Ảnh: New York Times. |
Vào trại giam
Nỗ lực tìm đường trở về quê nhà đưa ông Kwon vào trại giam ở Hàn Quốc trong vài tháng. Như những người đào thoát khác, khi đến đây ông đã trở thành công dân Hàn Quốc, và bất cứ người Hàn Quốc nào đến Triều Tiên mà không có sự cho phép của chính phủ đều là trái pháp luật.
Giờ đây, ông Kwon công khai yêu cầu chính phủ Seoul cho phép hồi hương. Ông mới là người thứ hai làm điều này. Trước ông, bà Kim Ryen Hi, một thợ may Triều Tiên cũng thực hiện chiến dịch tương tự vào năm 2015.
Hai miền trên bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Người dân thậm chí còn không được trao đổi thư. Vậy nên, vượt biên giới về nhà là điều gần như không thể. Không có cách thức hợp pháp nào giúp những người như ông Kwon.
"Những trường hợp này là minh chứng nổi bật cho sự phức tạp của ly tán gia đình hai miền Triều Tiên từ 70 năm trước", Tomás Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, nói sau cuộc gặp với ông Kwon hồi tháng 7. "Tình trạng này tiếp tục phát triển theo nhiều hình thức mới và ảnh hưởng sâu sắc đến người dân bán đảo Triều Tiên".
Triều Tiên không bỏ qua trường hợp của ông Kwon để đẩy mạnh tuyên truyền. "Từ tiếng khóc đau buồn của Kwon Chol Nam, nói rằng không thể tiếp tục sống ở địa ngục mang tên Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy còn rất nhiều đồng bào của chúng ta bị cưỡng ép sống ở đó trong khi vẫn khát khao trở về đất mẹ", một thông cáo của Bình Nhưỡng hồi tháng 6 viết.
Thông cáo cũng cho rằng tình trạng của ông Kwon cho thấy những gì Hàn Quốc nói về chủ nghĩa nhân đạo thực chất chỉ là "đạo đức giả".
Ảo mộng
Năm 2014, ông Kwon, 44 tuổi, bỏ trốn sang Trung Quốc cùng một người phụ nữ. Người này từng ở Trung Quốc, và nói với ông Kwon rằng ông có thể kiếm tiền, thật nhiều tiền ở đó. Mọi thứ xảy ra đều không như mong đợi.
Người phụ nữ biến mất. Ông Kwon gặp một tay buôn người hứa hẹn sẽ đưa ông sang Hàn Quốc, với giá khoảng 2.500 USD. Sau hành trình gian khổ kéo dài một tháng, ông cuối cùng cũng đến Hàn Quốc vào tháng 11/2014. Ông cư trú tại Ulsan, một thành phố công nghiệp phía Đông Nam.
Như những người đào thoát khỏi Triều Tiên khác, ông chật vật trong việc làm quen với cuộc sống đầy cạnh tranh ở miền Nam. Từ trang trại, ông chuyển sang công trường. Ông thường bị chế giễu bởi không hiểu được những từ tiếng Anh mà người Hàn Quốc vẫn sử dụng trong hội thoại hàng ngày. Vóc dáng nhỏ bé cũng là cản trở khiến ông không có được công việc đòi hỏi thể chất.
Ông Kwon trong căn phòng thuê tại Seoul. Ảnh: New York Times. |
Càng chật vật, ông Kwon càng nhớ gia đình, nhất là đứa con trai. Ông tiết kiệm được 4.500 USD, và bởi việc chuyển tiền bằng ngân hàng giữa 2 miền Triều Tiên là không được phép, ông phải nhờ những người trung gian chuyển tiền về cho vợ cũ. Bà cũng muốn đoàn tụ cùng ông.
Ông Kwon còn cảm thấy tội lỗi sau khi biết cha mình đã qua đời trong thời gian ông bỏ đi. Trong khi đó, tay môi giới cho ông từ Trung Quốc đến Thái Lan còn kiện ông, cáo buộc ông không trả đủ phí.
Và rồi đến tháng 5/2016, ông Kwon kể, đời ông đã "vỡ vụn". Khi không nhận được tiền bê gạch như đã được hứa hẹn, ông yêu cầu cảnh sát can thiệp. Và họ đứng về phía tay chủ người Hàn, người dĩ nhiên bác bỏ cáo buộc của ông Kwon.
"Tôi sẽ trở lại miền Bắc, tổ chức họp báo để nói lên sự thật về cuộc sống ở miền Nam này", ông hét lên trước tòa, theo ghi chép trong hồ sơ tòa án.
Đấu tranh để quay về
Nhớ nhà, ông Kwon theo dõi tin tức về Triều Tiên trên internet. Ông nộp đơn xin hộ chiếu Hàn Quốc và thị thực du lịch sang Trung Quốc để có thể trở lại Triều Tiên.
Ông chuyển các khoản tiết kiệm sang đồng đôla, và còn gửi tin nhắn tạm biệt tới một viên cảnh sát mà ông đã kết bạn cùng, nói rằng mình sẽ "ra nước ngoài". "Tôi không còn muốn sống một cách đau khổ ở đây", ông nhắn.
Ngày 22/6/2016, cảnh sát xông vào nhà ông Kwon, bắt ông vì tội âm mưu chạy trốn sang Triều Tiên. Tội hình này có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Ông được thả tháng 9/2016 sau khi một thẩm phán đình chỉ án phạt 1 năm của ông.
Từ đó, ông mất việc. Những người cùng hoàn cảnh cũng lánh xa ông. Ông cùng quẫn tới mức phải hút những mẩu thuốc lá nhặt từ dưới đất.
Trong những lần phản ứng trước các tòa nhà chính phủ, ông Kwon cầm bảng hiệu ghi "Tôi là công dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tôi muốn về nhà". Nhiều người nói ông là kẻ liều lĩnh. Nhưng ông chẳng bận tâm. Ảnh: New York Times. |
"Ở miền Nam, tôi phải trải qua những khó khăn tôi chưa từng biết đến khi ở miền Bắc", ông Kwon nói. "Tôi sợ sống ở miền Nam".
Hồi tháng 3 năm nay, ông chuyển đến Seoul, ở trong nhà tạm trú cho người vô gia cư trước khi tìm được một căn phòng với giá thuê 267 USD một tháng. Ông tìm được sự trợ giúp và cảm thông từ những người theo đạo Thiên Chúa.
"Mong muốn trở về nhà, đó là điều tự nhiên nhất", Cha Moon Dae Gol nói. "Một quốc gia không chấp nhận quyền tự nhiên đó thì cũng không hơn loài quái vật".
Ông Kwon không sợ bị trừng phạt ở Triều Tiên vì đã trốn chạy, mặc dù ông biết sẽ phải trả giá bằng việc bị gửi đi cải tạo một thời gian. Ông nói ông tự hào về những vũ khí hạt nhân của đất nước mình. Ông không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích Triều Tiên nào, và thề "trung thành mãi mãi".
"Ở miền Bắc, tôi có thể không giàu, nhưng tôi hiểu rõ hơn về những người sống quanh tôi, và tôi sẽ không bị đối xử như rác rưởi, giống như ở miền Nam", ông Kwon nói.