Tính đến ngày 4/10, bão Ian đã khiến ít nhất 109 người thiệt mạng, trong đó có 105 người dân bang Florida, theo CNN.
Khi bão Ian quét qua bờ biển vùng vịnh bang Florida, nó đã cuốn trôi tầng trệt ngôi nhà của ông David Muench trên đảo chắn Sanibel cùng với một số ôtô, một xe máy Harley-Davidson và một chiếc thuyền
Ngôi nhà của cha mẹ ông cũng nằm trong số những ngôi nhà bị cơn bão phá hủy. Cơn bão đã khiến ít nhất hai người trên đảo thiệt mạng.
Bão Ian cũng phá hủy cầu Sanibel Causeway - cây cầu dài gần 3 km, đóng vai trò kết nối đảo Sabiel với phần đất liền Florida. Với việc cây cầu bị phá hủy, hòn đảo chỉ có thể được tiếp cận bằng thuyền hoặc trực thăng, theo New York Times.
Bão Ian càng cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của các đảo chắn ở Mỹ và cái giá mà người dân sống trên các dải đất mỏng song song với bờ biển này phải trả khi thiên tai kéo đến.
Bão Ian phá hủy cây cầu duy nhất nối giữa đất liền và đảo Sanibel. Ảnh: AP. |
Khi các cơn bão gây thiệt hại ngày càng nhiều hơn, các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu các cộng đồng bị ảnh hưởng như vậy có thể tiếp tục tái thiết cuộc sống sau bão hay không.
"Thiên đường" sau cơn bão
Băng qua cây cầu nối với đất liền, hình ảnh rơi vào mắt du khách đầu tiên khi đến đảo Sabinel là Point Ybel Light - một ngọn hải đăng bằng sắt được xây dựng từ năm 1884, có mảng xanh rậm rạp của cọ và rong nho bao quanh. Nhìn thấy ngọn hải đăng, du khách biết rằng mình đã đến được “thiên đường”, theo Washington Post.
Theo, đảo Sabinel là nơi sinh sống của khoảng 6.500 người dân địa phương. Nhưng trong mùa đông, số lượng người ở hòn đảo có thể lên đến 20.000 do du khách từ nhiều nơi đổ về tránh rét.
Những người sưu tập vỏ sò đổ về các bãi biển của Sanibel. Những người quan sát chim chóc cũng thường xuyên lui tới các khu bảo tồn thiên nhiên của đảo chắn. Với những người đam mê golf, các khu nghỉ dưỡng ở đảo cũng là địa điểm lý tưởng để chơi môn thể thao này.
Những dinh thự trị giá hàng triệu USD và cả những ngôi nhà di động cũng là hình ảnh dễ bắt gặp tại hòn đảo, bên cạnh cơ sở của các doanh nghiệp lớn.
Sau bão Ian, ngọn hải đăng Point Ybel Light vẫn đứng vững, nhưng cơn bão đã tàn phá phần lớn các nơi còn lại của hòn đảo.
Cơn bão đánh sập nhiều ngôi nhà và khu chung cư, làm một số cư dân hòn đảo thiệt mạng. Nó cũng làm ngập lụt các cơ sở kinh doanh, khu nhà di động, căn hộ và khu nghỉ dưỡng, làm mất điện, nước. Bão còn làm hư hại một số đoạn đường, mang những mảnh vỡ và bùn lên đầy đường phố.
Không ai biết phải mất bao lâu để xây dựng lại và cũng không ai cho biết phải mất bao lâu hòn đảo chắn này mới lấy lại được tinh thần vốn có của nó.
Hải đăng Point Ybel Light sau bão Ian. Ảnh: AP. |
Nhiều người sống trên đảo đã sơ tán trước cơn bão và chưa được phép trở lại. Tại một cuộc họp vào cuối ngày 1/10, Quản đốc thành phố Sabinel Dana Souza nhấn mạnh rằng hòn đảo này vẫn chưa là nơi an toàn cho người dân quay lại.
“Sanibel vẫn trong lệnh giới nghiêm và chúng tôi yêu cầu mọi người không ra đảo”, ông Souza nói, đồng thời kêu gọi khoảng 100 người còn lại trên đảo sơ tán.
“Chúng tôi không muốn mọi người ở lại trên đảo. Chúng tôi biết rằng các bạn rất nóng lòng quay lại đảo nhưng đó vẫn là một tình huống nguy hiểm", ông cảnh báo.
Ông cho biết đã có 4 người thiệt mạng tính đến ngày 1/10. Cùng ngày, cảnh sát đã áp giải một số người khỏi hòn đảo sau khi họ bị bắt quả tang đang ăn trộm tài sản.
Thị trưởng thành phố Sanibel Holly Smith phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ người dân, chủ doanh nghiệp xoay quanh vấn đề tái thiết sau bão. Nhiều người trong số họ cho rằng điều đó phụ thuộc vào việc khôi phục cây cầu nối hòn đảo với đất liền. Họ gọi cây cầu là “dây rốn” của hòn đảo.
“Chưa bao giờ là nơi lý tưởng để sống”
Nhận định về bão Ian, Jesse Keenan, giáo sư bất động sản tại trường Kiến trúc của Đại học Tulane, cho biết: “Đây là một sự kiện có quy mô lớn như cơn bão Katrina (năm 2005). Khi đó, bạn phải xây dựng lại mọi thứ, bao gồm cả cơ sở hạ tầng. Chúng ta không thể xây dựng mọi thứ trở lại như cũ. Chúng ta không đủ khả năng để làm điều đó”.
Bão Ian đã đổ bộ vào phía tây nam bang Florida. Hôm 28/9, cơn bão được xếp vào cấp 4 trong thang đo bão năm bậc của Mỹ, có tốc độ gió thuộc hàng cao nhất được ghi nhận trong lịch sử nước này. Nơi cơn bão quét qua ở gần vị trí bão Charley gây ra thiệt hại lớn vào năm 2004, theo AP.
Theo website của thành phố Sanibel, có 23 trong số 50 xoáy thuận nhiệt đới xuất hiện trong phạm vi 100 hải lý của khu vực thành phố Fort Myers, bang Florida từ năm 1873 đã phát triển thành bão. Những cơn bão này quét qua khu vực 120 km tính từ đảo Sanibel.
Mỗi cơn bão trong số này đều đặt ra "mối đe dọa đáng kể đối với tài sản và cuộc sống trên đảo, vào một thời điểm nào đó trong thời gian nó xuất hiện".
Theo Bảo tàng Lịch sử Sanibel, năm 1921, một cơn bão lớn đã quét sạch một nửa diện tích bề mặt của đảo Captiva gần đó và chia đôi hòn đảo này.
Bão Ian đã khởi động một chu kỳ thiệt hại và xây dựng mới trên đảo Sanibel cùng nhiều đảo chắn khác. Các đảo này kéo dài từ bờ biển bang New Jersey đến dải đất dọc theo bờ biển bang Louisiana.
Bão Ian làm hư hại nhiều ngôi nhà trên các đảo chắn. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia cho rằng các đảo chắn chưa bao giờ là nơi lý tưởng để phát triển. Chúng thường hình thành khi sóng lắng đọng trầm tích ngoài đất liền. Các đảo này cũng bị di chuyển dựa trên các hình thái thời tiết và các lực từ đại dương khác. Một số đảo thậm chí còn biến mất.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng trên các hòn đảo và giữ chúng cố định bằng các kế hoạch bồi lấp chỉ khiến các công trình dễ bị phá hủy hơn vì chúng không thể di chuyển được nữa.
Anna Linhoss, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Auburn cho biết: “Các đảo chắn di chuyển theo những thay đổi bất thường của các cơn bão. Và nếu bạn xây dựng trên các đảo này là bạn đang chờ một cơn bão cuốn chúng đi".
Cái giá phải trả
Sau khi tàn phá nhiều vùng ở Florida, bão Ian đổ bộ vào Nam Carolina và gây ra thiệt hại ở nhiều nơi. Đảo Pawleys nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa to và gió lớn hôm 30/9 đã phá vỡ cầu tàu chính của hòn đảo. Một trong số những bến tàu ở bang này cũng bị vỡ vụn và cuốn trôi, AP đưa tin.
Các con đường đắp cao nối hòn đảo với đất liền sau bão đầy lá cọ, lá thông và thậm chí cả một chiếc thuyền kayak cũng bị cuốn trôi đến đây từ bờ biển gần đó.
Giống như đảo Pawleys, các đảo chắn khác là nơi nổi tiếng với nền kinh tế du lịch lâu đời, vốn đóng góp một khoản lớn vào nguồn thu thuế. Đồng thời, chi phí xây dựng lại các đảo chắn thường cao vì chúng là nơi có nhiều tài sản đắt tiền như nhà nghỉ.
Ông Robert Young, giám đốc Chương trình nghiên cứu Các đường bờ biển Phát triển - dự án hợp tác giữa Đại học Duke và Đại học Western Carolina, cho biết: “Khi có một thảm họa như thế này, chúng ta sẽ rót hàng chục tỷ USD ngân sách vào những nơi này để giúp họ xây dựng lại”.
Trong khi đó, “chúng ta cần rất ít so với một khoản tiền như vậy để lui khỏi các đảo chắn, những nơi vốn rất nguy hiểm, và đảm bảo rằng chúng ta sẽ không có các thảm họa tương tự một lần nữa”, ông Young nói.
Bà Dawn Shirreffs, giám đốc Quỹ Phòng vệ Môi trường Florida cho biết bất kỳ thay đổi lớn nào trong việc ứng phó thảm họa sẽ đều dẫn đến những hệ quả rất phức tạp.
Những hệ quả này có thể bao gồm việc quyết định ai là người tham gia vào các chương trình nâng cao các ngôi nhà bị lũ lụt ảnh hưởng hoặc các chương trình mua những ngôi nhà đó. Trồng rừng ngập mặn để ngăn xói mòn lại có thể cản trở hướng nhìn ra biển của một hộ gia đình nào đó.
Bà Shirreffs cũng cho biết nhiều người đã mua nhà trên các đảo trước khi họ nhận thức đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng.
Một ngôi nhà trên đảo Sanibel bị phá hủy. Ảnh: AP. |
Dựa trên nghiên cứu đã thực hiện, giáo sư Keenan cho biết đảo Sanibel chắc chắn sẽ bị thay đổi do bão Ian. Ông cũng dự đoán rằng chính phủ sẽ giúp ít nguồn lực hơn để giúp người dân tái thiết.
Những người có ít tài sản và những người không được bảo hiểm chi trả có khả năng phải di dời chỗ ở. Những người có tiềm lực tài chính sẽ ở lại hòn đảo.
“Sanibel sẽ chỉ là một vùng đất dành cho những người siêu giàu có”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Muench, cả cư dân và chủ doanh nghiệp chắc chắn sẽ gây dựng lại tài sản của họ.
Gia đình ông sở hữu và đã điều hành một khu cắm trại trên đảo trong ba thế hệ. Ông cho rằng hòn đảo là "thiên đường - chúng tôi đang sống ở nơi đẹp nhất trên Trái Đất".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục sống ở Sanibel. Hãy cho chúng tôi 5 năm và bạn thậm chí có thể không nhận ra nếu bạn không biết về sự tàn phá của cơn bão", ông nói khi đặt chân đến thành phố Fort Myers, sau khi phải sơ tán khỏi hòn đảo vì bão Ian.