Số tiền tiết kiệm được ở hiện tại dự kiến là con số “khủng” khi tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái đầu tiên tại Việt Nam được khai trương chính thức ngày 21/8.
Dàn thiết bị mô phỏng buồng lái hiện đại
Việc đưa học viên ra nước ngoài để huấn luyện và nhận bằng lái tiêu chuẩn quốc tế CPL, IRME hoặc AE là quy trình tất yếu để đào tạo phi công cơ bản. Tuy nhiên, quá trình đào tạo từ người lái tàu bay cơ bản đến phi công thương mại hoàn toàn có thể thực hiện tại chỗ. Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái (SIM) đặt tại Trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines ra đời nhằm đào tạo 100% phi công trong nước.
Tổ hợp thiết bị này mô phỏng buồng lái SIM A320, SIM A350 và SIM Boeing 787 theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là 3 dòng máy bay hiện đại, chủ lực trong tổng số hơn 90 máy bay Vietnam Airlines đang khai thác.
Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái đầu tiên tại Việt Nam được khai trương chính thức ngày 21/8. |
Trong buổi khai trương tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định đầu tư lớn mang tầm chiến lược của hãng sẽ cung cấp dịch vụ huấn luyện phi công cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, đưa tên Việt Nam lên bản đồ các quốc gia đào tạo phi công của ngành hàng không thế giới.
“Mục tiêu trước mắt của Trung tâm huấn luyện bay Vietnam Airlines là đứng trong top 5 trung tâm đào tạo bay hiện đại, chuyên nghiệp, uy tín tầm khu vực”, ông Dương Trí Thành chia sẻ.
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu phi công thương mại của Việt Nam sẽ lên đến con số 2.680. Kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2026 của Vietnam Airlines cho thấy hãng sẽ khai thác 117 tàu bay, trong đó chủ yếu là tàu bay thân rộng hai lối đi bao gồm 17 chiếc Airbus A350 và 21 chiếc Boeing 787.
Ghi tên VN lên bản đồ huấn luyện hàng không thế giới
Để đưa một phi công chưa có kinh nghiệm khai thác dòng máy bay cụ thể là câu chuyện khá phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và kinh phí.
Năm 2015 khi Vietnam Airlines nhận về chiếc Airbus A350-900 XWB đầu tiên, các phi công thương mại của hãng đã phải trải qua khóa học chuyển loại toàn phần trên 30 ngày với kinh phí gần 1 tỷ đồng (chưa tính chi phí di chuyển, sinh hoạt). Với phi công A330 và A321, kinh phí đào tạo tương ứng 400-700 triệu đồng/khóa cho cùng thời gian huấn luyện. Đối với dòng máy bay Boeing 787, phi công chuyển loại toàn phần có mức kinh phí đào tạo gần 900 triệu đồng trong 35 ngày.
Đào tạo phi công trong nước giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được khoản kinh phí lớn. |
Ngay cả khi nhận được chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện chuyển loại, các phi công cần tiếp tục huấn luyện tích lũy khai thác trên loại máy bay. Cụ thể, mỗi phi công chuyển loại từ Boeing 777 lên Boeing 787 và từ A330 lên A350 sẽ thực hiện 4-8 chặng bay dưới sự bảo trợ của giáo viên phi công Boeing và Airbus trong giai đoạn đầu khai thác. Thời gian bay tích lũy không dưới 45 ngày. Như vậy, phi công A321 lên A350, phi công A321 lên Boeing 787 sẽ phải mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.
Bên cạnh tiền bạc và thời gian, việc huấn luyện chuyển loại còn phụ thuộc rất lớn vào các chương trình của đối tác huấn luyện nếu đào tạo ở nước ngoài.
Trước khi có tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái, mỗi năm Vietnam Airlines đều phải đưa phi công đi huấn luyện chuyển loại và định kỳ mỗi 6 tháng tại các Trung tâm SIM ở nước ngoài. Theo ước tính, tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái vừa khai trương sẽ giúp hãng tiết kiếm đến 285,2 tỷ đồng trong 10 năm so với việc cử phi công đi nước ngoài.
Quan trọng hơn, theo đại diện Vietnam Airlines, đây là cơ hội để khẳng định khả năng định vị đào tạo hàng không của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trung tâm huấn luyện đã thực hiện cung cấp dịch vụ đào tạo cho hơn 10 hãng hàng không trong khu vực, trong đó có những học viên từ Australia, Ấn Độ. Doanh thu ước tính đạt 6 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. Như vậy, việc triển khai tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái tại Trung tâm huấn luyện Vietnam Airlines đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng vị thế Việt Nam ở lĩnh vực đào tạo hàng không, giúp khai thác nhiều hơn nữa tiềm lực của thị trường này.