Quảng Ngãi: Tối 9/11 tại tỉnh Quảng Ngãi trời đã bắt đầu có mưa khá to. Riêng tại huyện đảo Lý Sơn, qua trao đổi bằng điện thoại, lãnh đạo chính quyền cho biết đảo đang có mưa khá lớn, sức gió đã tăng lên cấp 7, biển động rất mạnh.
Chiều cùng ngày, nhiều gia đình ở vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bỏ hàng triệu đồng thuê taxi lên TP đến thuê phòng tại các khách sạn để tránh siêu bão Haiyan.
Nhiều người dân Quảng Ngãi và Quảng Nam vào các khách sạn thuê phòng để tránh bão. |
Chị Hồ Văn Lệ, ở thôn Châu Thuận, bày tỏ: "Do nhà chỉ cấp 4 và ở sát biển nên rất sợ. Với sức gió rất lớn nên dù có đến trú tại một số nhà kiên cố trong vùng cũng không hết lo nên đi thuê phòng khách sạn để trú. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết có khoảng 300 người trong xã đã đi xe máy, thuê taxi lên TP.Quảng Ngãi tránh bão.
Người dân khu vực Trường Bia, phường An Cựu, TP Huế chạy bão trong đêm. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Quảng Nam: Người dân TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng chọn khách sạn cao tầng để phòng tránh bão. Toàn bộ khách sạn trên địa bàn Tam Kỳ đã hết phòng từ trưa 9/11. Có nhà cấp bốn nằm trên đường Tôn Đức Thắng, TP.Tam Kỳ nhưng vợ chồng anh M. vẫn không yên tâm nên đã thuê phòng khách sạn để cho cả gia đình tạm trú.
Khoảng 17h chiều, chúng tôi chạy xe máy đi hỏi hết tất cả các khách sạn tại TP.Tam Kỳ thuê phòng nhưng đều nhận được câu trả lời hết phòng từ trưa.
Lúc 20h ngày 9/11 vẫn còn người dân TP.Tam Kỳ đi tìm các khách sạn thuê phòng tránh bão. |
Tối 9/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam cho biết vẫn còn 17 tàu xa bờ với 592 lao động đang hoạt động trên biển. Đây là số tàu đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành.
Tỉnh Quảng Nam đã có 2 người chết trong bão Hải Yến. Theo đó, vào khoảng 13h ngày 9/11, ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, ngụ P.Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đã bị ngã và tử vong trong lúc chặt cây chống bão. Người còn lại là ông Nguyễn Văn Hiền (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) thiệt mạng vì rơi từ mái nhà khi chèn chống nhà cửa.
Thừa Thiên - Huế: Nội thành TP Huế khá trái ngược với các tỉnh thành đang chuẩn bị đón siêu bão. Dù vẫn có cảnh gia cố nhà cửa, dàn ô tô tải hàng dài chặn trước cửa tuy nhiên du khách vẫn tỏ ra thảnh thơi, nhưng nhiều hàng quán vẫn mở thâu đêm như quán ăn vỉa hè, nhà hàng, quán bar... Mưa khá lớn ở Lăng Cô cho đến Phú Bài, tuy nhiên nội thành Huế lại tạnh ráo và lặng gió.
Dùng xe tải chặn để bảo vệ cửa kính ở Huế. Ảnh Tuấn Mark. |
TP.Huế vẫn chỉ có mưa nhỏ. |
Nghệ An: Theo ông Phan Văn Lợi, trợ lý Hải quân Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, tâm bão số 14 sẽ vào Hà Tĩnh vào ngày 10/11 sau đó đi dọc theo hướng Tây Bắc qua Nghệ An, Thanh Hóa. Trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với siêu bão, đến cuối ngày 9/11, tất cả các tàu thuyền của tỉnh này đã vào bờ neo đậu an toàn. Lực lượng biên phòng tỉnh cũng huy động 100% quân số, 2 tàu cứu hộ, 8 xuồng túc trực 24/24 giờ chờ lệnh điều động.
Tàu bè của các ngư dân tấp nập về trú bão tại sông Hoàng Mai (Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong khi đó, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, sáng ngày mai (10/11) sẽ đồng loạt di dân các hộ còn nằm trong diện nguy hiểm đến nơi an toàn. Nếu hộ nào chống đối sẽ cưỡng chế nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người do cơn bão gây ra.
Hà Tĩnh: Ông Bùi Lê Bắc, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, cho biết trong ngày 9/11, toàn tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng để ứng phó với cơn bão số 14. Do diễn biến phức tạp của cơn bão nên chính quyền địa phương các huyện luôn tuyên truyền, cảnh báo người dân không lơ là, chủ quan.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã di dời được gần 90% số dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. 100% tàu thuyền ngư dân vào neo đậu tại địa bàn hoặc các tỉnh bạn. Lãnh đạo các ban ngành được điều động xuống các địa phương để phối hợp cùng với chính quyền đối phó với siêu bão.
Theo ghi nhận, tại Nghệ An và Hà Tĩnh thời tiết tối ngày 9/11 khá đẹp, lặng gió và không có mưa.