Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đạo diễn Lê Hoàng: 'Văn chương đương thời thiếu sức hút'

Theo đạo diễn Lê Hoàng, văn học Việt hiện nay thiếu tác phẩm nổi bật, không đủ sức lay động và khó sống lâu bền trong tâm trí người đọc.

Van hoc anh 1

Đạo diễn Lê Hoàng là một tác giả sách, người quan tâm tới sách vở. Đạo diễn của Ai xuôi vạn lý, Gái nhảy thường tới đường sách TP.HCM để mua sách và tận hưởng không khí yên bình.

Một sáng cuối tuần, gặp đạo diễn Lê Hoàng ở đường sách TP.HCM với tập sách mới mua trên tay, ông chia sẻ câu chuyện về văn chương và văn hóa đọc hiện nay.

Tôi thích cầm sách lên, giở các trang và nhìn ngắm

- Được biết ông thường xuyên tới đường sách TP.HCM. Thói quen này được hình thành từ khi nào?

- Thói quen này hình thành từ lúc đường sách mới ra đời. Tôi cũng chỉ là một người tầm thường đến nơi đây. Đường sách rất thanh bình, giá cà phê rẻ; trong lúc rảnh, khi chờ đợi gì đó, mình có thể ra ngắm, chọn mua cuốn sách nào đó. Đây là một nơi rất nhẹ nhõm.

- Mỗi lần đến đây, ông thường chọn mua loại sách nào?

- Lung tung lắm, tôi thường chẳng có nguyên tắc nào cả. Nhưng tôi hiếm khi tới mà không mua, bởi sách mình chưa đọc còn nhiều lắm.

- Hiện nay các sàn thương mại điện tử bán sách rất phổ biến. Ông có lựa chọn phương tiện đó?

- Tôi không bao giờ mua sách qua sàn thương mại điện tử. Có lẽ tôi là loại người già, tôi thích cầm sách lên, dở các trang, nhìn ngắm thì rất thích. Còn đọc và mua qua mạng, tôi biết đó là xu thế và điều đó cũng tốt, nhưng tôi chưa bao giờ mua, có lẽ như vậy là mình đã cũ rồi.

- Vậy ông hay mua sách ở đâu?

- Những năm gần đây, tôi mua ở đường sách TP.HCM. Tôi thích mua sách ở gian hàng Đông A, họ có các cuốn về khoa học kỹ thuật, về danh nhân rất hay. Còn gần nhất, tôi mua cuốn sách của tác giả Lê Văn Nghĩa, về các nhà văn xưa, khá thú vị.

Van hoc anh 2

Đạo diễn Lê Hoàng. Ảnh: FBNV.

- Ông thường đọc sách gì?

- Tôi mua đủ thể loại, các đề tài để đọc là vô bờ. Những nhà nghiên cứu thường tập trung vào một chủ đề nào đó. Còn người thường như tôi thì đọc lộn xộn cũng được.

- Ông có thể chia sẻ về cuốn sách mà ông tâm đắc gần đây?

- Rất tiếc, thời gian gần đây, văn học Việt Nam không có cuốn nào hay. Cuốn hay mà tôi đọc gần đây là hồi ký Tôi - Elton John. Còn văn học Việt Nam thì không có tác phẩm nào khiến người ta phải đi kiếm, đó là điều quá buồn.

- Ở trong gia đình, ông hướng con mình đọc sách gì?

- Chẳng việc gì phải hướng cả, đọc sách nên là điều tự nhiên. Trẻ con lớn lên sẽ có kiến thức, nhưng con đường để có bây giờ khác xưa. Mình đọc theo kiểu cũ, còn trẻ con đọc theo kiểu của lớp trẻ, chúng có nhiều kênh để đưa văn hóa vào đầu. Mình không nên cứng nhắc cứ không đọc sách là người không có tri thức.

Tuy nhiên, công bằng mà nói tình trạng không đọc sách hiện nay quá khủng khiếp. Hôm rồi tôi có chọn một cuốn sách hay, đưa cho một nghệ sĩ trẻ, tuần sau hỏi, cô bảo: “Ôi lần đầu tiên em đọc một cuốn dài như vậy”. Thật ra, cuốn sách ấy không hề dày. Chứng tỏ mọi người đọc sách giấy rất rất ít.

- Thỉnh thoảng ta lại bắt gặp nhận xét ngày nay chúng ta không chịu đọc sách. Vậy trước đây chúng ta có đọc nhiều không?

- Trước đây đọc nhiều vì đơn giản lúc ấy có gì để hưởng thụ đâu, còn bây giờ thì bao nhiêu loại hình, phương tiện phát triển. Cũng phải nói công bằng, nền văn học của chúng ta có gì đáng chú ý không?

Nếu bạn có con, bạn muốn mua một cuốn sách cho nó, chắc bạn sẽ mua những cuốn như Dế Mèn phiêu lưu ký… Có cuốn sách nào của đương đại, mà bạn nói với con bạn rằng “con phải đọc cuốn sách này” không? Rõ ràng là bạn gặp khó.

Van hoc anh 3

Đường sách là một không gian nhẹ nhõm, nơi đạo diễn Lê Hoàng thường tới lựa sách. Ảnh: Liêu Lãm.

Văn học đương thời thiếu tác phẩm hay

- Như vậy là chúng ta thiếu tác phẩm có sức thu hút?

- Ta vô cùng thiếu. Ta không có cuốn sách nào lay động tâm trí, làm cho người đọc phải suy nghĩ. Ai khen ngợi, còn tôi thấy văn học hiện nay của chúng ta chưa tốt.

- Vậy còn những hoạt động mà chúng ta đang thực hiện để thúc đẩy đọc sách thì sao? Các hoạt động ấy mang lại hiệu quả gì?

- Những hoạt động này là quá tốt rồi. Bên cạnh đó cũng có những chương trình là hình thức. Các hoạt động như ngày sách, đường sách… là rất tốt. Tôi rất kính trọng những người làm công tác khuyến đọc như anh Lê Hoàng làm đường sách (ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phóng viên). Anh ấy là người rất tâm huyết. Thành phố này mà có 10 người như anh ấy thì sức đọc sẽ khá lên rất nhiều.

Những hoạt động như ngày sách thì tốt, nhưng như vậy là chưa đủ. Việc thúc giục một đứa trẻ đọc sách phải từ gia đình, thứ hai từ nhà trường.

Sách vở rất tuyệt, nó làm cho cuộc sống của chúng ta hoàn toàn thay đổi. Nhưng nói điều đó với người không đọc là vô nghĩa.

Đạo diễn Lê Hoàng

- Vậy văn học Việt có tác phẩm nào từng khiến ông say mê?

- Tôi thích Nam Cao, Ngô Tất Tố và Nguyễn Khải, Chu Văn. Nhưng những tác phẩm tôi thích ấy, trừ Nam Cao ra, thì ngày nay giới trẻ ít đọc. Mà giới trẻ ngày nay cũng chỉ đọc Nam Cao ở Chí Phèo, những tác phẩm được dạy trong nhà trường.

Điều này có phải tại giới trẻ không? Phải nói thật lòng các nhà văn của chúng ta viết không có tính vĩnh cửu. Họ chỉ hay viết những gì ca ngợi cuộc sống. Khi thời đại đã qua, đọc lại thấy những điều ấy không có nhiều ý nghĩa nữa.

Trên thế giới, bao nhiêu năm rồi chúng ta vẫn đọc David Copperfield của Dickens, đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo, bởi tính nhân bản của nó rất cao. Truyện cũ rồi nhưng cả trăm năm vẫn được đọc. Còn các nhà văn của chúng ta, trong đó có những tên tuổi mà tôi kính trọng, nhưng sự thật là tác phẩm của họ không có sức bền.

- Chúng ta cũng có những tác phẩm nổi tiếng chứ, những tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn?

- Ồ, tác phẩm của họ không phải đương đại. Đó là đương đại của người già, chứ không phải của giới trẻ bây giờ. Hãy nhớ rằng Nỗi buồn chiến tranh đã ra đời 30 năm rồi.

- Theo ông, văn nghệ sĩ ngày nay có đọc sách không?

- Nếu bỏ từ “văn” trong “văn nghệ sĩ” đi thì họ gần như không đọc. Tôi quen nhiều nghệ sĩ, hỏi nhiều và chán rồi, nên giờ đây không hỏi họ có đọc sách hay không nữa, để tránh gây thất vọng về nhau. Tôi ở trong nghề mấy chục năm, và biết họ có đọc sách hay không. Tuy nhiên, đó không phải nhược điểm của họ. Đó là một cách sống mà họ lựa chọn, và họ cũng thành đạt.

- Nếu vậy, sách vở giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay?

- Không, chúng ta nên hỏi rằng kiến thức có giúp ích gì không. Tôi vẫn phải nhắc lại rằng kiến thức có nhiều kênh để tiếp nhận.

Còn nếu chỉ nói về sách vở, thì sách vở vô cùng tuyệt, nó làm cho chúng ta có một cuộc sống hoàn toàn thay đổi. Nhưng nói điều đó với người không đọc thì thật vô nghĩa, họ nghe với sự dửng dưng.

Sáu tác phẩm văn học của người Việt được đánh giá cao

"Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" là những tác phẩm văn học của người Việt gây tiếng vang ở nước ngoài.

'Khôi phục diện mạo văn học một thời'

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX được độc giả trẻ đón nhận. Để có được bản in chất lượng, nhóm biên soạn đã mất nhiều công sức sưu tầm, đối chiếu.

Tần Tần

Ảnh: FBNV

Bạn có thể quan tâm