Cuốn sách Mẹ tôi kể về người phụ nữ trong các gia đình trí thức nổi tiếng. Sách do chính những người con viết về mẹ mình, nên chứa đựng những câu chuyện đầy chân thực mà lay động lòng người. Bức tượng đài huyền thoại mẹ như thước phim quay chậm để người đọc vừa cảm nhận, vừa hình dung về không khí thời đại và về những người mẹ Việt Nam.
Được sự đồng ý của NXB Phụ Nữ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
Dưới đây là câu chuyện về gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ và bà Tôn Nữ Thị Cung do con trai họ - đạo diễn Đặng Nhật Minh - viết.
Bà Tôn Nữ Thị Cung - con quan Thượng thư triều đình Huế, vợ Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người hết lòng đi theo cách mạng, tạo điều kiện cho chồng nghiên cứu khoa học. |
Quê mẹ tôi, bà Tôn Nữ Thị Cung (1916-1954), ở thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, ngoại thành Huế. Tôi nghe bà tôi kể đám cưới cha mẹ tôi là một đám cưới chạy tang. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều trước khi về nhà chồng để rồi không lâu sau trở lại nhà mình để chịu tang cha. Phải chăng vì sự khởi đầu như vậy nên cuộc sống của cha mẹ tôi vui ít buồn nhiều.
Chắc chắn hai người đã có những ngày rất hạnh phúc bên nhau sau khi cha tôi tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Hà Nội vào năm 1936, và một năm sau đó thì hai người thành vợ thành chồng. Năm 1943 khi đang làm trợ giảng tại Trường Y ở Hà Nội thì cha tôi được chính phủ Pháp cử sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Y khoa Tokyo trong khuôn khổ trao đổi sinh viên giữa hai nước Pháp - Nhật, như một đại diện xuất sắc của nền y học Pháp tại Đông Dương.
Sau khi cha tôi lên đường sang Nhật du học, đi theo tiếng gọi của lý tưởng khoa học, là bắt đầu những chuỗi ngày xa cách chia ly. Tôi thuộc Chinh phụ ngâm trước khi biết Truyện Kiều là do mẹ tôi hay đọc cho tôi nghe từ nhỏ.
Những năm 40, việc một người phụ nữ trẻ, một nách ba con, con nhỏ nhất mới ba tháng, vừa nuôi con vừa hầu hạ bố mẹ chồng, sống cô đơn ròng rã suốt bảy năm trời là một chuyện hy hữu. Sau này trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vợ chồng xa cách nhau là chuyện thường tình.
Có lẽ chưa ở đâu trên thế giới có nhiều phụ nữ chờ chồng như ở ta. Vợ chờ chồng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm... Mẹ tôi chờ chồng bảy năm, nhưng bảy năm ấy đối với bà là một chuỗi ngày dài đằng đẵng. Còn đối với tôi bảy năm ấy là cả một miền ký ức vô tận của tuổi thơ...
Cha tôi chia tay với gia đình rồi vào Sài Gòn để đáp tàu thủy sang Nhật du học. Mẹ tôi cùng ba anh em chúng tôi rời Hà Nội về Huế sống trong ngôi nhà nội tôi tại An Cựu. Mẹ tôi vừa nuôi dạy con cái vừa làm bổn phận của con dâu hầu hạ bố mẹ chồng.
Ông nội tôi là người cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Tôi chỉ còn giữ lại trong ký ức hình ảnh ông nội tôi như một ông đồ Nho đầu búi tó củ hành. Quanh vùng người ta gọi ông là ông Khóa. Có nghĩa ông tôi suốt đời vẫn là một khóa sinh... chẳng đỗ đạt bằng cấp gì. Dầu sao được gọi như vậy cũng coi như được xếp vào hạng người có học trong xã hội rồi. Nghe nói ông tôi đã nhiều lần đi thi nhưng không thành nên phẫn chí quay ra làm giàu bằng con đường phi thương bất phú và rồi... ông tôi giàu thật, giàu nhất vùng An Cựu.
Thượng thư Tôn Thất Đàn cùng các con, bà Tôn Nữ Thị Cung đứng thứ ba từ phải sang. |
Ông ngoại tôi làm Thượng thư Bộ Hình dưới triều Khải Định. Ông xây chiếc cầu dẫn về làng nên cầu có tên là cầu ông Thượng. Ông ngoại tôi có bốn bà, nhưng tôi chỉ biết có bà Ba và bà Tư, hai bà trước qua đời khi tôi còn chưa đẻ. Mẹ tôi là con bà Ba.
Mỗi lần được về bên ngoại đối với tôi thực sự là những ngày hội. Chúng làm xáo động cuộc sống bình lặng của tôi trong những ngày sống ở bên nội. Tôi được về với đồng quê, được ngửi mùi thơm của rơm rạ, được sống trong một không gian khác hẳn khung cảnh phố phường ở An Cựu.
Các dì các cậu tôi nhiều lắm. Chỉ riêng con bà Ba và bà Tư cũng đã có tới mười ba người. Ai cũng chiều chuộng, yêu thương tôi. Trong số các dì tôi thì mẹ tôi là người chịu thiệt thòi nhất. Bà chưa kịp học hết diplome ở trường Đồng Khánh thì ông ngoại tôi bắt nghỉ học để lo việc gia chánh. Tuy vậy bà rất giỏi tiếng Pháp.
Trong ký ức tuổi thơ tôi không chỉ có những nàng tiên ông Bụt từ các truyện cổ tích Việt Nam mà còn có cả Jean Valjean và Cosette trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo mà mẹ tôi thường kể cho tôi nghe trước khi đi ngủ.
Có một điều tôi không cắt nghĩa nổi tại sao xuất thân trong một gia đình đại quan lại và phong kiến như vậy mà các dì, các cậu tôi đều tham gia vào các tổ chức bí mật của Việt Minh hoạt động trong nội thành. Cứ mỗi lần có dì hoặc cậu nào bị bắt là mẹ tôi lại đến cung An định xin bà Từ Cung, vợ vua Khải Định, can thiệp với Sở mật thám Pháp để họ tha cho. Hẳn là mẹ tôi đã bịa ra đủ thứ lý do để làm mủi lòng bà Hoàng Thái hậu vốn còn chút tình nghĩa với gia đình quan Thượng thư ngày nào. Rồi các dì các cậu tôi được tha về để rồi lại tiếp tục hoạt động và lại bị bắt.
Tôi không biết mẹ tôi đã xin cho các dì cậu tôi bằng cách như vậy được mấy lần. Tôi chỉ nhớ một hôm mẹ tôi mặc quần áo sạch sẽ cho tôi rồi dắt tôi đi theo vào lao Thừa Phủ. Qua rất nhiều tầng cửa có lính gác, cuối cùng mẹ tôi dắt tôi đi dọc theo một dãy xà lim dài... dừng lại bên một khung cửa vuông nhỏ. Một gương mặt hốc hác bầm tím hiện ra sau ô cửa. Tôi giật mình nhận ra cậu Long em mẹ tôi. Mẹ tôi đưa qua ô cửa những ổ bánh mì cùng thức ăn khô, hỏi han cậu tôi. Cậu tôi cố gượng cười để mẹ tôi yên lòng, rồi cúi xuống nhìn tôi. Hơn năm mươi năm qua, ánh mắt ấy, gương mặt sau ô cửa xà lim ngày ấy vẫn còn ám ảnh tôi, theo suốt cả cuộc đời tôi. Đối với tôi, đó là gương mặt của Lương tâm, của Phẩm giá và Nhân cách. Sau nhiều lần bị bắt, cậu tôi bị tra tấn dập nửa lá phổi. Đến khi địch thả ra không bao lâu thì cậu tôi bị bệnh và qua đời. Sau năm 1975, cậu tôi được Nhà nước công nhận là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp.
Tuổi thơ tôi cứ như vậy trôi đi giữa hai miền nội ngoại - An Cựu và Lại Thế. Hết bốn năm tiểu học ở trường An Cựu, tôi vào trường Khải Định, đã bắt đầu biết ngóng nhìn sang bên kia trường Đồng Khánh mỗi khi tan trường. Chẳng có gì biến động lớn lao ngoại trừ cái đêm Toàn quốc kháng chiến nổi lửa đốt khách sạn Morin sáng rực cả một góc trời. Đêm đó mẹ tôi cùng anh em chúng tôi đang về bên ngoại ăn giỗ. Nửa đêm chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng súng, tiếng người rầm rập kéo lên thành phố. Lính Pháp đóng ở Huế rút về cố thủ tại khách sạn Morin. Quân ta bao vây, chất rơm rạ xung quanh khách sạn, rắc ớt bột lên rồi đốt để quân địch phải chết ngạt. Cuộc chiến đấu đẫm máu kéo dài với những đợt xung phong của quân ta vào khách sạn cho đến khi viện binh Pháp từ Đà Nẵng kéo lên giải vây thì chấm dứt.
Rồi những ngày lênh đênh trên thuyền cùng bên ngoại tản cư ra tận phá Tam Giang, mà đối với tuổi thơ vô tư của tôi như một cuộc du ngoạn dài. Mặt trận Huế vỡ, gia đình ngoại tôi lại trở về Lại Thế, trở thành cơ sở bí mật của thành ủy Thuận Hóa, còn mẹ con chúng tôi lại trở về bên nội ở An Cựu. Tôi lại tiếp tục đi học. Nhưng cuộc sống tưởng chừng bất biến ấy đã một lần xáo động, xáo động đến nỗi không một ai trong gia đình tôi dù có giàu tưởng tượng đến mấy cũng không thể ngờ tới.
Đó là vào một buổi tối cuối năm 1950... một người đàn ông đến tìm gặp mẹ tôi tại nhà với vẻ mặt đầy bí ẩn. Tôi nhận ra người đó là bác thợ cạo vẫn ngồi dưới gốc cây đa trước Miễu Đại Càng, nơi tôi thường hay ra cắt tóc. Người đàn ông đó gặp mẹ tôi chưa đầy năm phút rồi cáo lui. Ông đến rồi đi như một cái bóng. Về sau tôi mới biết rằng đêm đó người thợ cắt tóc, một cơ sở bí mật trong thành phố, đã chuyển đến tận tay cho mẹ tôi một bức thư của cha tôi viết từ chiến khu Việt Bắc. Tôi không được chứng kiến giây phút đó nhưng có thể hình dung hết được sự ngạc nhiên mừng rỡ như thế nào của mẹ tôi khi bà nhận ra nét chữ quen thuộc của chồng mình sau hơn một năm bặt vô âm tín.
Ông bà Đặng Văn Ngữ - Tôn Nữ Thị Cung tại căn nhà trên phố Mai Hắc Đế, Hà Nội. |
Thì ra ông không còn ở Nhật nữa. Ông đã trở về vùng tự do theo Kháng chiến và bây giờ đang nóng lòng chờ gặp mẹ tôi cùng ba anh em chúng tôi. Điều bất ngờ nhất đối với họ hàng trong gia đình tôi là việc cha tôi, một người chỉ biết có kính hiển vi và phòng thí nghiệm, bỗng nhiên đi theo Việt minh, theo Kháng chiến. Còn mẹ tôi hẳn không băn khoăn lắm về điều đó. Bà chỉ nóng lòng chờ cơ sở bí mật đến bắt liên lạc để tổ chức vượt thành, đi gặp chồng.
Cơ sở bí mật được giao làm việc đó không phải ai khác chính là cậu Tôn Thất Long, người mà mẹ tôi và tôi đã từng đi thăm trong xà lim lao Thừa Phủ ngày nào. Vậy là vào một ngày đã định, mẹ tôi cùng ba anh em chúng tôi xin phép ông bà cùng họ hàng bên nội, lên một chiếc xe kéo để về quê ngoại ăn kỵ. Thực ra không có kỵ giỗ nào cả. Ngay khuya hôm ấy, ba du kích địa phương đến đón bốn mẹ con chúng tôi đi. Tôi và mẹ tôi đi bộ còn hai em gái tôi có người cõng trên lưng. Trong đêm tối chúng tôi lẳng lặng đi theo sau những người dẫn đường. Một lần chúng tôi phải dừng lại nằm chờ bên một con đường nhựa, cách không xa một lô cốt địch. Chúng tôi giữ im lặng tuyệt đối để rồi lát sau chạy vụt qua đường khi có người ra hiệu.
Tảng sáng chúng tôi đã đến bên bờ một con sông rộng. Bên kia là chiến khu Dương Hòa, vùng tự do của ta. Nhưng từ đây đến Việt Bắc, chỗ cha tôi ở còn xa lắm. Phải ba tháng sau mới có cuộc trùng phùng. Mẹ tôi được trang bị một giấy giới thiệu của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên với nội dung: Bà Tôn Nữ Thị Cung trên đường đi gặp chồng là Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, đề nghị các cấp địa phương hết lòng giúp đỡ. Mẹ tôi giữ nó trong người như lá bùa hộ mệnh. Cứ từng chặng giao liên một, mẹ tôi lại chìa lá bùa đó ra. Địa phương lại cử dân quân dẫn đường và địu hai em gái tôi (một lên tám và một lên mười) đi tiếp. Tôi sẽ không kể ra đây về những ngày trèo đèo lội suối qua Liên U Ba Rền để ra Khu Bốn, rồi từ Khu Bốn ra Việt Bắc của mấy mẹ con chúng tôi vì đó là chuyện quá quen thuộc đối với bất cứ người nào đã qua hai cuộc kháng chiến.
Nhưng đối với mẹ tôi và ba anh em tôi ngày ấy là cả một chiến công. Sau hơn một tháng trời lặn lội từ Huế ra đến Hà Tĩnh thì được biết cha tôi đã lên đường ra Việt Bắc vì có lệnh trên yêu cầu phải đi gấp. Khỏi phải nói nỗi thất vọng của mẹ tôi như thế nào. Tiền nong cạn kiệt, lại bị kẻ trộm lấy sạch của cải thuốc men tư trang, đã có lúc bà định đưa mấy anh em chúng tôi về Huế gửi lại để một mình đi tiếp tìm chồng. Nhưng không nỡ xa con, mẹ tôi đành chạy vạy vay tiền để tiếp tục cuộc hành trình. Thế rồi chúng tôi lại lên đường đi tiếp từ Khu Bốn ra Việt Bắc. Khi mấy mẹ con đã ra tới Tuyên Quang thì mới gặp phái viên của Trường Y được cử vào Khu Bốn đón chúng tôi. Tôi còn nhớ như in giây phút khi cha mẹ tôi gặp nhau bên bờ suối ở ngòi Quẵng, Chiêm Hóa - Tuyên Quang sau tám năm xa cách. Cha tôi từ trên đồi chạy xuống còn mẹ tôi thì quay lưng đi, lội dọc theo con suối như muốn chạy trốn... Bà đã mong đợi bao lâu giây phút này nhưng khi nó đến thì bà lại không đủ can đảm để đón nhận nó. Bà đã quá mệt mỏi vì đợi chờ, vì lặn lội đường xa... vì đủ mọi gian truân vất vả không thể nào kể xiết trong những ngày xa cách.
Sau khi gia đình được đoàn tụ không lâu thì tôi được nhà nước cho sang Trung Quốc học trường Thiếu nhi Việt Nam để cha mẹ tôi có thể yên tâm phục vụ Kháng chiến. Tôi chia tay bố mẹ và hai em gái, đi theo một cán bộ của Văn phòng Chính phủ đến đón. Tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy mẹ tôi. Bà đứng trên nương, ở cuối con đường đất nhìn theo hút bóng tôi cho đến khi khuất hẳn. Mới mười hai tuổi, tôi đã phải xa gia đình, xa những người thân, giã từ những cánh rừng, những nương sắn, con suối Quẵng trong vắt với những chiếc mảng ngóc đầu, bếp lửa hồng trong những đêm Việt Bắc giá lạnh... Tất cả đối với tôi đó là những kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ phai mờ.
Mẹ tôi sau đó vào làm việc tại phòng thí nghiệm sản xuất nước lọc Penicilline của cha tôi. Bà làm việc rất tích cực, được bầu làm Phụ trách công đoàn. Rồi năm 1953 bà được đi dự chỉnh huấn. Đây là đợt chỉnh huấn đầu tiên cho trí thức, văn nghệ sĩ quy mô nhất trong Kháng chiến chống Pháp. Tôi không biết trong những ngày ấy mẹ tôi đã phải kiểm điểm những gì về cái thành phần đại quan lại phong kiến của mình. Hẳn là trong những ngày đó mẹ tôi phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh giằng xé gay gắt lắm. Cứ nghĩ đến đó tôi lại thấy thật xót xa cho bà. Ông ngoại tôi mất khi tôi chưa ra đời nhưng không hiểu sao tôi luôn nghĩ ông là một ông quan thanh liêm, thương dân và không bao giờ làm điều gì để con cháu phải ân hận. Nhưng trong cái không khí sục sôi của cuộc đấu tranh giai cấp thời đó hẳn mẹ tôi, các dì các cậu tôi đã phải gánh chịu nhiều đắng cay tủi nhục lắm.
Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo cách mạng của những người thuộc thành phần giai cấp như cha mẹ tôi. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào cái năm 1953 đó? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói.
Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi bà hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Mẹ tôi hôn mê ba ngày ba đêm chờ cha tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản thủ đô. Tôi không có mặt trong những ngày đau thương đó của gia đình. Tôi đang theo học tại trường Thiếu nhi Việt Nam tận bên Quế Lâm, Trung Quốc. Cho đến nay tôi cũng không rõ bà mất vì bệnh gì? Khi còn nhỏ tôi thường chứng kiến những cơn đau đầu dữ dội của bà. Nghe nói rằng mẹ tôi uống nhầm thuốc. Tôi cũng không biết gì thêm vì trong gia đình hình như không ai muốn nhắc đến chuyện đó. Nó như một vết thương quá sâu mà không ai muốn chạm tới.
Kể từ ngày chia tay với mẹ tôi ở Chiêm Hóa cho đến khi bà qua đời, tính lại tôi được sống bên bà vẻn vẹn chỉ có mười hai năm. Có thể nói tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ sớm. Tôi không được hưởng nhiều những tình cảm âu yếm của mẹ như những đứa trẻ khác. Mỗi khi nghĩ đến mẹ là tôi nghĩ đến hai chữ Hi Sinh. Bà là hiện thân của đức hi sinh của người phụ nữ Huế và của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Thật vậy suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, mẹ tôi không có mục đích nào khác là hi sinh vì sự nghiệp của chồng. Bảy năm đằng đẵng xa chồng, một mình nuôi ba con nhỏ, hầu hạ bố mẹ chồng... Những ngày lặn lội từ Huế ra Việt Bắc, rồi sau đó làm việc trong phòng bào chế Penicilline, hăng hái hoạt động công đoàn trong cơ quan, tham gia học tập chỉnh huấn... tất cả những việc làm đó của bà cũng không ngoài mục đích tạo thuận lợi cho công việc nghiên cứu khoa học của chồng.
Để từ bỏ cái gốc gác phong kiến của mình các dì, cậu tôi lần lượt đổi họ Tôn Thất của mình thành Nguyễn Phước, Nguyễn Thị, có người đổi thành Tôn Đức. Riêng tôi, tôi luôn ngưỡng mộ và hãnh diện về ông ngoại mình bởi tôi biết rằng được ra làm quan tới chức Thượng thư như ông phải trải qua biết bao cuộc thi cử rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến. Thời đó không có chuyện thi cử gian lận, ai trúng tuyển ắt phải là người tài giỏi. Gần đây gia đình bên ngoại tìm lại được mấy tập nhật ký của ông ngoại tôi viết trong những năm làm Tri huyện ở Quảng Ngãi. Những dòng nhật ký đó đã nói lên tư chất của ông ngoại tôi thật đáng kính phục. Tuy làm quan cho Nam triều nhưng ông không bao giờ quỵ lụy trước người Pháp. Ông là một ông quan thương dân đúng như trong hình dung của tôi từ khi còn nhỏ.
Tại miền Bắc ngày ấy, bà ngoại tôi có sáu người con rể: giáo sư sử học Nguyễn Hồng Phong, kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Thao, tướng Cao Văn Khánh, nhà nghiên cứu dịch thuật Lê Xuân Ninh, nhà giáo Ngô Hinh và cha tôi - bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Trong gia đình còn có các bác sĩ Tôn Đức Lang, Nguyễn Thị Ngọc Toản, nhà xã hội học Nguyễn Phước Tương và nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai, tất cả đều là các dì các cậu em mẹ tôi. Mỗi lần giỗ tết cả nhà sum họp trên gác ba ngôi nhà tập thể 16A Hàn Thuyên. Những lúc ấy, gương mặt bà tôi rạng rỡ trong một niềm vui pha lẫn tự hào. Bà tôi tự hào là phải bởi cũng hiếm có một mái nhà nào hội tụ đông đủ những con người như vậy. Tôi biết rằng đó là những giây phút hạnh phúc nhất của bà tôi, vợ của quan Thượng thư triều đình Huế, đã từ bỏ tất cả để theo các con, dâu, rể ra Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Bây giờ thì cái làng quê mẹ của tôi ở Huế chỉ còn gia đình ông cậu ruột tôi. Nhiều người thân bên ngoại nay không còn hoặc đã đi xa. Mỗi lần nghĩ về quê ngoại, tôi có tâm trạng như cô Thoa trong truyện ngắn Quê mẹ của nhà văn Thanh Tịnh: Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận-Lão. Nhưng làng Quận-Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm.
Cái làng Quận - Lão ấy đối với tôi là cái làng Lại Thế, gắn liền với hình ảnh mẹ tôi, mà không lúc nào tôi không nghĩ về với biết bao thương nhớ.