Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh nhau chảy máu đầu để kinh doanh đồ si

Chửi bới, đánh đập nhau chảy máu đầu để tranh giành những món hàng đẹp - kinh doanh đồ si không hề “dễ ăn” như nhiều người vẫn nghĩ.

Chuyện hên - xui

"Trong mỗi kiện hàng, nếu “hên” thì số lượng hàng đuôi bị rách, hỏng khóa, xù lông, ố bẩn không giặt được, hoặc big size chỉ có khoảng 10%, còn “xui” thì đến 60 - 70% là chuyện thường. Nếu không có nguồn vốn khá thì khó duy trì việc kinh doanh đồ si", một chủ tiệm chuyên kinh doanh mặt hàng này ở quận 1, TP.HCM nói.

Trong chỉ vậy, số lượng hàng bán được tối đa cũng chỉ 1/3 kiện hàng. Người kinh doanh đồ si luôn phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho hàng tồn, tìm nguồn ở tỉnh để bán lại với giá rẻ, khoảng 200.000 đồng - 300.000 đồng/bao. Có nhiều trường hợp khi khui kiện hàng thì chủ kinh doanh “phát hoảng”, vì toàn là quần áo big size không thể bán được, đành ngậm đắng nuốt cay xếp xó vào một góc.

Một trang bán hàng si được bạn trẻ Sài Gòn ưa thích.
Một trang bán hàng si online được bạn trẻ Sài Gòn ưa thích.

Theo kinh nghiệm của nhiều người kinh doanh đồ si, hàng si nhập từ các nước Úc, Mỹ, Nhật có đến 80% là hàng đẹp, chất lượng tốt. Cũng vì lý do này mà hàng nhập từ các nước này thường có giá cao gấp đôi so với các nước khác. Hàng si nhập từ Hàn Quốc tuy có mẫu mã và chất liệu rất đẹp nhưng lại có mùi hôi thối khó chịu, khiến nhiều người kinh doanh phải xử lý qua nhiều công đoạn mới bán được. Còn hàng si nhập từ Nhật Bản thường là những mẫu rất “quái”, chỉ phù hợp với khách hàng cá tính, nếu muốn bán chạy thì chủ cửa hàng phải sửa lại để phù hợp với thị hiếu số đông người Việt. Số tiền giặt ủi cho mỗi kiện hàng trung bình lên tới vài triệu đồng.

Để bán được, các chủ hàng thường phải chi một khoản phí lên tới hàng triệu đồng cho những kiện hàng si được nhập về.

Dễ làm khó ăn

“Chửi bới, đánh đập nhau chảy máu đầu để tranh giành những món hàng đẹp là cảnh diễn ra thường xuyên mỗi lần khui hàng”, chị Lê Thanh Tuyền, chủ shop đồ si Cat love Dog (Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ. Chị Tuyền thường lấy hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TP.HCM). Mỗi tuần 2 lần vào thứ 4 và thứ 7, các mối đồ si sẽ tổ chức “khui kiện”. Theo lời kể của chị, từ sáng sớm, chủ shop đã tập trung rất đông tại các địa điểm khui hàng.

Tại các chợ địa phương trên cả nước đồ si cũng được bày bán rất nhiều, thu hútđông người mua.
Đồ si được bày rất nhiều và bán khắp nơi, thu hút đông người mua.

Từ khoảng 6h30, cảnh giật hàng, tranh giành nhau diễn ra rất “dữ dội”. Có người  dẫn theo người thân là  nam thanh niên để “giật”  được nhiều hàng đẹp. Không khí lựa chọn đồ luôn diễn ra trong tiếng chửi bới, la hét của các con buôn. Dù hầu hết những kiện hàng được đổ đống để nhiều người lựa mua về bán lẻ này thường đã qua tay những người lựa nước đầu. Thông thường, những người được lựa nước đầu phải trả tiền "bao" và được lựa 50 món đẹp nhất với giá 50.000 món. Mỗi món như vậy được họ mang đi giặt ủi, làm mới lại để bán với giá gấp 4 - 5 lần.

 Các kiện đồ si chưa được khui.
Các kiện đồ si được nhập về và nếu khách nào muốn lựa trước phải trả phí "bao".

Ngoài việc phải chọn lựa được những món hàng còn mới, kiểu dáng đẹp, chất liệu tốt, người kinh doanh đồ si cũng phải biết cách phối đồ mới mong có người mua. Theo chị Tuyền, ngày càng nhiều điểm kinh doanh đồ si nên khách hàng cũng trở nên khó tính hơn. Nếu không biết cách phối hợp các món đồ cho hợp thời trang, bắt mắt thì không thể bán được hàng.

Với ưu điểm vốn ít, nguồn hàng đa dạng và thị hiếu khách hàng thích mua đồ "độc" nhưng giá rẻ, mà kinh doanh đồ si đang thu hút nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công được với việc buôn bán này.

 

 

Minh Quân

Bạn có thể quan tâm