Tại các khu phố chuyên bán đồ hàng thùng như Đông Tác, Kim Liên, Đào Duy Anh, Hoàng Tích Trí, Lê Duẩn… những ngày đầu đông luôn tấp nập khách ra vào. Chị Mai Thanh (phố Kim Liên, Hà Nội) một tín đồ của hàng "sida" cho biết, mùa đông năm nào cũng vậy, chị thường xuyên có mặt tại các khu chợ hàng thùng như Hàng Da, Đông Tác, Kim Liên để săn lùng giày dép, quần áo cho đến phụ kiện như thắt lưng, kính mắt của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như D&G, Converse all star, Nike, Just cavalli, Adidas. “Dù hơi mất thời gian, nhưng tôi vẫn chọn mua được những món hàng hiệu với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, kiểu dáng lại độc, lạ, không lo “đụng hàng”, chị Mai Thanh chia sẻ.
Ngoài lý do đẹp, độc, lạ, nhiều người tìm đến hàng thùng còn vì mức giá siêu rẻ. |
Một tiểu thương ở chợ Đông Tác bật mí, sở dĩ khách có thể tìm thấy hàng hiệu ở chợ đồ cũ vì một lượng lớn hàng thùng là đồ viện trợ của châu Âu hoặc các nước phát triển tặng cho các nước nghèo, người ta tuồn ra ngoài bán kiếm lời. Khi về Việt Nam, các đầu mối lớn sẽ phân loại, “hớt” trước hàng nước một rồi đóng lại thành từng kiện nhỏ cung cấp vào thị trường.
Theo chủ các gian hàng bán hàng thùng, đa số mặt hàng được nhập về từ Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…. Người mua thường chuộng hàng có xuất xứ từ các nước châu Á hơn, vì kích cỡ, kiểu dáng và chất vải phù hợp; còn những hàng có xuất xứ từ các nước phương Tây khó mặc hơn, do lệch khổ người.
Ngoài lý do đẹp, độc, lạ, nhiều người tìm đến hàng thùng còn vì mức giá siêu rẻ. Chị Nga (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết: “Kinh tế khó khăn, các chi tiêu trong gia đình đều phải cắt giảm, vì vậy thay vì mua các món hàng đắt tiền, tôi tìm mua các loại hàng đổ đống, hàng thùng giá cả có “mềm” hơn, chủng loại thì nhiều vô kể nhưng phải rất tỷ mỉ và tinh ý mới chọn được hàng đẹp và chất”.
Không chỉ mua đồ cho người lớn mà nhiều người còn mua cả hàng thùng cho con cái sử dụng. Chị Minh, một người bán hàng thùng ở chợ Hàng Da (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu chọn kỹ sẽ chọn được nhiều mặt hàng thùng khá đẹp, do đó gần đây nhiều bà mẹ ngoài săn lung đồ cho mình, còn tiện thể mua luôn cho bọn trẻ. Nhiều kiểu dáng trẻ trung và ngộ nghĩnh nên chúng rất thích, hơn nữa giá cả cũng vừa phải”. Tuy nhiên, để mua được một món hàng hiệu “sida” ưng ý cũng không phải là điều dễ dàng, theo một tiểu thương sành sỏi trong nghề kinh doanh đồ cũ ở phố Đào Duy Anh cũng bật mí, không ít những món đồ “hàng hiệu” ấy thực chất là hàng nhái, hàng giả hoặc hàng hiệu được sản xuất ở nước thứ ba trà trộn vào. Chất lượng đương nhiên là kém hơn so với hàng thật.
Chị Hải Đường (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm săn hàng hiệu cũ: Trước hết cần phải xem kỹ tem, mác sản phẩm, các đường kim, mũi chỉ, có khuy thay thế hay không, chất liệu như thế nào. Tiếp đó, xem xét kỹ đến mặt trong của áo, thông thường các chủ hàng chỉ để ý đến việc “mông má” bên ngoài, ít khi quan tâm đến mặt trong, nên đây là dấu hiệu tốt để người mua không bị nhầm lẫn. Ngoài ra, để chọn được món đồ đẹp, ưng ý, giá rẻ, người mua nên chọn đúng thời điểm vừa mở kiện, vì đây là lúc có nhiều hàng đẹp nhất.