Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư quy định về danh mục thức ăn chăn nuôi hôm 11/2. Kèm theo Thông tư là danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo đó, trong danh mục quy định 13 sản phẩm có nguồn gốc thực vật, các loại thức ăn được chỉ tên cụ thể như: cỏ khô, cỏ tươi, vỏ rơm, vỏ trấu,… Trong các loại củ, những loại được phép sử dụng bao gồm: khoai lang, khoai tây, khoai môn,…
Khi danh mục này được công bố, nhiều ý kiến cho rằng bản Thông tư chưa đầy đủ và không rõ ràng. Các thức ăn chăn nuôi phổ biến không được xuất hiện trong danh sách như cà rốt cho thỏ, chuối và bèo cho lợn,… Đây là trở ngại rất lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho vật nuôi.
Nhiều ý kiến bức xúc khi trong Thông tư mới nhất về dự thảo thức ăn chăn nuôi không có danh mục rau, củ truyền thống. Ảnh: Phạm Trường. |
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết những quy định đã có trong Thông tư 26. Danh mục thức ăn chăn nuôi cũng được cập nhật trực tiếp theo quy định đã có, Cục chăn nuôi không tự ý đề xuất danh mục này.
"Tuy nhiên, Thông tư vẫn đang được bổ sung và hoàn thiện để đưa thêm những loại thức ăn khác vào trong danh sách", ông Dương khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết Thông tư về thức ăn chăn nuôi vẫn đang được hoàn thiện. Ảnh: Nghetinhplus.vn. |
Theo đó, danh mục thức ăn chăn nuôi theo phong tục tập quán sẽ được ban hành liên tục. Căn cứ vào việc người dân đăng ký sử dụng thức ăn cho vật nuôi, Cục chăn nuôi sẽ cập nhật thêm những nguồn thức ăn được phép lưu hành.
Trước đó, Thông tư của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đã có quy định rõ ràng về các nguồn thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung mà các doanh nghiệp phải đăng ký. Riêng với nguồn thức ăn bổ sung, doanh nghiệp phải đăng ký lên Cục chăn nuôi để thẩm định, sau đó mới được lưu hành liên tục.
Đối với thức ăn theo phong tục tập quán, do không thể thống nhất giữa các khu vực chăn nuôi, Nhà nước đã giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ban hành danh sách này để dễ quản lý.
Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cũng cho biết người dân không nên hoang mang khi theo dõi các quy định này. Việc ban hành Thông tư chủ yếu để quản lý chặt chẽ nguồn nhập làm thức ăn chăn nuôi của các cơ sở kinh doanh. Những cơ sở sử dụng nguồn thực phẩm công nghiệp trộn lẫn với thức ăn truyền thống không có trong danh mục sẽ bị xử phạt theo quy định.
Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể đăng ký sử dụng thức ăn cho vật nuôi để đảm bảo an toàn hoặc đăng ký đề xuất thêm để Cục cân nhắc đưa vào danh sách sử dụng.
"Cục chăn nuôi cũng sẽ có khâu kiểm định chất lượng thức ăn cho vật nuôi, không để người dân đưa vào sử dụng những loại hạt, rau củ đã bị thối, mốc", ông Nguyễn Xuân Dương nói.