Sách Bến không chồng của Dương Hướng. Ảnh: NXB Trẻ. |
Dương Hướng là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học hậu chiến Việt Nam. Tiểu thuyết Bến không chồng của ông (cùng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường) được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Năm 2017 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hiện ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
- Thưa nhà văn Dương Hướng! Dù quen thân đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhiều điều chưa biết về ông, đó là khi vào lính ông chiến đấu ở đâu? Trong những năm ở chiến trường kỉ niệm nào khiến ông ám ảnh nhất? Ông đã viết về nó hay chưa?
- Năm 1971 tôi nhập ngũ, khi vào chiến trường thuộc Trung đoàn 573 Quân khu 5, hoạt động chủ yếu ở vùng Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc của Quảng Nam, ra quân mang hàm trung sĩ quèn.
Kỉ niệm chiến trường thì nhiều vô kể, như chuyện lính sốt rét, đói dài đói rạc vào năm 1972-1973. Các sự kiện chiến trường nơi tôi hoạt động đã phản ánh một cách trung thực nhất trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời xuất bản năm 2007.
Còn kỉ niệm ám ảnh nhất? Tôi đã phải chôn cất đồng đội trong hoàn cảnh không đào được mộ phải xếp đá cho thú rừng khỏi tha mất xác. Chi tiết này tôi đã đưa vào một truyện ngắn đầu tiên trong đời sáng tác của mình có tên Ngôi mộ đá in báo Hạ Long và truyện Hương hoa gạo in tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Như vậy là ông có duyên với Văn nghệ Quân đội từ rất sớm…
- Truyện ngắn đầu tiên tôi được đăng ở Văn nghệ Quân đội là Người mắc bệnh tâm thần, rồi đến Đêm trăng, Hương hoa gạo… sau này nữa là Bến khách. Tôi từng được nhận tặng thưởng năm và giải truyện ngắn ở đây. Tất cả những truyện kể trên đều được viết trong các trại sáng tác của Văn nghệ Quân đội. Bởi mình từng là lính, khi dự trại sáng tác vào lại chiến trường xưa mọi kí ức chiến tranh nó sống dậy, viết rất thông.
Tôi nhớ nhất lần đi dự trại sáng tác ở Pleiku - Gia Lai năm 2007, gặp gỡ được nhiều bạn văn như Văn Công Hùng, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Thị Thu Loan, Ngô Thanh Vân, Hoàng Thanh Hương… Đặc biệt, có nhà văn Đỗ Tiến Thụy người quản trại rất vui và dí dỏm dẫn đoàn đi thực tế Binh đoàn 15.
Trong lần đi trại ấy tôi viết được một bài kí và truyện ngắn Bến khách. Cũng chính cái trại ấy tôi trở thành nhân vật để Đỗ Tiến Thụy và Văn Công Hùng “mổ” ở mấy báo liền. Và chính cái trại ấy đã giúp tôi thu hoạch được nhiều chi tiết, sự kiện về chiến tranh để hoàn thành tiểu thuyết Dưới chín tầng trời sau này.
- Tôi biết, khi viết "Dưới chín tầng trời" ông đã xin nghỉ không lương, một việc rất không bình thường trong giới văn nghệ Quảng Ninh…
- Chuyện nghỉ không lương để viết với tôi rất bình thường, bởi nhu cầu viết thúc ép. Mình đang là công chức nhà nước, làm gì có chế độ không đi làm mà lại được hưởng lương cơ chứ, thế là quyết định xin nghỉ. Đấy không phải lần đầu, mà tôi đã từng làm thế khi viết Bến không chồng từ những năm 80 rồi.
- Qua tìm hiểu, tôi được biết đó là giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của thời bao cấp, cả nước đói, nhà nhà đói, dân tình nháo nhác xoay xở tìm cách sống, thế mà ông lại xin nghỉ việc không lương để viết văn. Phản ứng của gia đình trước quyết định của ông thế nào?
- Lúc ấy mọi người nhìn mình như kẻ “có điện”, “ấm đầu”. Giữa thời buổi người người đua nhau làm kinh tế, buôn bán nhộn nhịp, mình ngồi ru rú góc nhà viết văn xem ra nó trái khoáy lắm. Mỗi lần nghe vợ phàn nàn nhắc tới chuyện cái ăn cái mặc, chuyện tiền nong, con cái mà xót hết cả ruột.
Nhà văn Dương Hướng. |
Nhưng ý tưởng và cảm xúc đã chín, không thể không viết ra. Sau này, khi Bến không chồng được độc giả đón nhận, được giải thưởng Hội Nhà văn, tôi mới nhận ra cái quyết định nghỉ không lương để viết văn của mình là đúng đắn.
- Cuộc sống sau khi nhận giải thưởng của ông có khác gì so với trước?
- Ít ra cũng thấy an ủi trước tiên với vợ với con. Và ngẫm thấy cuộc đời của anh cầm bút gian nan vất vả nhọc nhằn cũng đã được đền đáp. Riêng tiền thưởng ít thôi nhưng cũng giải quyết được khối việc trong gia đình.
- Giải thưởng còn giúp ông khẳng định uy tín nghề nghiệp nữa chứ. Ông được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Hội đồng Văn xuôi nhiều năm, và giờ là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi khóa X. Ông nghĩ sao về danh hiệu hội viên Hội Nhà văn trong xã hội ngày nay và quan điểm của ông về việc kết nạp hội?
- Tôi nghĩ danh hiệu nhà văn trong xã hội nào cũng cao quý. Đây là danh hiệu nhân dân tôn vinh chứ không phải Hội Nhà văn ban phát cho người cầm bút. Dù Hội Nhà văn có trách nhiệm chọn lọc những người có đủ tư cách, tài năng để vào tổ chức hội. Xin được nói cho rõ thêm, có những người cầm bút không thuộc tổ chức hội nhưng họ vẫn là nhà văn đầy tài năng, đức độ, thể hiện rõ trong các tác phẩm của mình. Có rất nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới không ở tổ chức hội nào mà nhân dân vẫn kính trọng họ.
Với đặc thù của Hội Nhà văn Việt Nam trong giai đoạn này, danh hiệu nhà văn trong tổ chức hội đã có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau. Người cho rằng có gì quan trọng đâu, ai viết được văn, nhiệt tình tha thiết thì kết nạp vào cho thêm phần đông vui.
Người lại bảo Hội Nhà văn là chỗ cho một số kẻ lợi dụng xin vào để cốt có cái mác nhà văn nhằm khoe mẽ vênh vang với thiên hạ.
[...] Quan điểm của riêng tôi, việc kết nạp hội viên mới, trước tiên chúng ta cần quan tâm tới chất lượng tác phẩm và phẩm chất đạo đức của người có nguyện vọng. Chỉ có vậy mới bảo toàn được uy tín, danh dự của một hội nghề nghiệp. Và để phát triển, Hội cần quan tâm lớp trẻ và những tác giả đang có vai trò lãnh đạo ở các hội địa phương.
Nhìn vào danh sách hồ sơ, tôi nhận ra còn một vài cây bút lớn tuổi, tác phẩm của họ cũng đã được dư luận đánh giá cao, được nhận nhiều giải thưởng của các cuộc thi; rồi có những tác giả lặng lẽ viết, xuất bản, không tuyên ngôn, không ồn ào, tác phẩm của họ được độc giả ghi nhận, nhưng việc vào hội đối với họ thật gian nan, bao lần xét mà vẫn không qua khỏi vòng Hội đồng hoặc qua vòng Hội đồng nhưng không qua Ban Chấp hành.
Chuyện này vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân, một là các thành viên xét chọn chưa thấu đáo, bao quát hết; hai là cũng có trường hợp may rủi bỏ phiếu lần nào cũng suýt soát thiếu một phiếu chẳng hạn. Tôi nghĩ phải giải quyết liệt vấn đề này, để người xứng đáng được vào, không bỏ rơi bỏ sót ai.
[...]
- Có chuyện này tế nhị, tôi muốn ông chia sẻ… Nghe đồn ngồi ở hội đồng giải thưởng được nhiều “lộc lá” lắm?
- Tôi cũng nghe người ta đồn vậy. Nhưng trải qua cương vị này nhiều năm, cái tôi nhận được nhiều nhất là “được đọc”. Mình phải bỏ công sức ra đọc, quên cả việc gia đình. Bạn bè đến nhà chơi nhìn đống tác phẩm chất trên bàn mà hãi.
Đọc tác phẩm xét giải không thể qua loa được. Phải đọc đi đọc lại, xong lại phải có ý kiến, bày tỏ quan điểm đánh giá… Vất vả và khó khăn lắm. Vì thế nên tôi xác định cứ trung thực, thẳng thắn, làm hết khả năng trách nhiệm. Cho dù có bị trách cứ mình cũng chấp nhận, chứ chuyện văn chương phong phú lắm, văn mình vợ người mà.
Còn về khoản “lộc lá” thì tôi nói thẳng là “lõm”, bởi mỗi lần lên Hà Nội họp, tôi đi xe nhà, phải chi tiền triệu cho xăng xe và vé đường cao tốc Quảng Ninh - Hà Nội mà không được Hội thanh toán. Mỗi buổi họp được nhận cái phong bì ăn trưa 200.000 đồng, phải kí vào sổ để văn phòng lưu.
Có lần tôi nói nhỏ với nhà văn Lê Minh Khuê, có khi mình phải xin nghỉ. Nhà văn nữ cười an ủi bảo, cố cho hết khóa đi. Nhưng nói đi thì phải nói lại, từ ngày nhận vai trò này tôi cũng thấy mở mang nhiều điều. Đọc tác phẩm từ mọi miền đất nước tôi nhận thấy còn rất nhiều người ngày đêm miệt mài cần mẫn sáng tạo. Chính những người đó thúc đẩy mình cũng phải nghĩ, phải viết tiếp.
- Vâng, có lẽ đó là cái “lộc lá” lớn nhất mà ông được nhận từ công việc đọc. Hiện tại ông đang viết gì?
- Tôi đang viết tiểu thuyết, có lẽ sẽ là cuốn cuối cùng của đời mình. Mà thật chả biết sao nữa, cứ như định mệnh sắp đặt, bao năm thư thả không viết, giờ bận tối mắt tối mũi với bao công việc lại đâm đầu vào tiểu thuyết. Ban đầu tôi dự tính sẽ hoàn thành trong hai năm, nhưng khi lao vào mới thấy tốc độ đến bất ngờ, chỉ ba tháng đã được 200 trang rồi. Cuốn lần này tôi viết về biển. Cuộc đời tôi luôn gắn liền với biển. Quê tôi có biển Vô Cực (Cồn Đen), nơi tôi đang sống có cả một vùng biển Đông Bắc.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, biển chứng kiến hết, con mắt của biển nhìn thấu mọi nỗi niềm. Hận thù và trả giá, tình yêu và sự khát khao kiếm tìm tự do hạnh phúc. Ngọn hải đăng trên biển là biểu tượng là linh hồn của biển đã làm nên hồn cốt trong tác phẩm mà tôi đang tiếp tục khai thác. -