Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh golf với 'ông chủ' hệ thống EverRich

“Cuộc đời tôi có nhiều điểm xoay, nhưng điểm xoay lớn nhất trong sự nghiệp có lẽ là tôi đã quyết định đúng trong những thời điểm khó khăn nhất”, ông chủ hệ thống EverRich Nguyễn Văn Đạt nhìn nhận.

Tôi hay gặp Lộc – tên gọi thân mật của Đạt, ở quán cà phê cạnh nhà anh trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, TP.HCM. Anh có thói quen khi rảnh hay ngồi uống nước, vừa tán gẫu vừa bàn chuyện làm ăn với bạn bè.

“Tôi rất thích bàn chuyện làm ăn, đặc biệt với những người bạn, những người có trình độ. Đó là những người có thể chia sẻ cùng tôi và có đủ tầm phản biện nhiều vấn đề để giúp tôi có những quyết sách đúng đắn”, anh Lộc bộc bạch. “Tôi nghĩ mình luôn cần phải học hỏi, ngay cả từ bạn bè, đồng nghiệp và dám thay đổi một khi thấy cần thiết”.

Hôm nay chủ nhật nên anh cùng cả gia đình và vài người bạn ngồi quây quần trong Rose Garden của khách sạn Rex. Gọi là “cả gia đình” cho “sang” chứ thực ra ít khi nào qui tụ đủ vì cậu con trai đang đi học xa. Bạn bè ai cũng biết, Lộc là người “có tài” về đường con cái. Sinh năm 1970, nhưng con trai lớn của anh đã sắp tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Giống cha, rất mê thể thao. Lần nào về Việt Nam cũng xách vợt ra sân giao lưu với các bạn bè của cha.

Chiếc Lexus 570 rời khách sạn Rex, chở theo ông chủ chuỗi EverRich và vài người bạn đến sân golf Quận 9. Phòng thay quần áo ở đây có tủ riêng cho từng hội viên. Tôi liếc thấy có tên Phạm Phú Ngọc Trai đính trêm một cửa tủ. Với môn golf, người Hà Nội hay “nhà quê hóa” môn chơi quý tộc này bằng cụm từ “đi cuốc đất”. Còn nếu bảo “ông ấy đi múa quạt rồi” thì phải hiểu vừa có vị quan chức nào đó nghỉ hưu, giờ thì cứ sáng sáng ra hồ Hoàn Kiếm tập dưỡng sinh nên mới gọi là “múa quạt”.

Ông chủ hệ thống EverRich Nguyễn Văn Đạt.

Vạn sự khởi đầu nan

Bốn chiếc xe điện đưa cả nhóm cùng caddy ra điểm tập kết đánh lỗ đầu tiên. Vào trận, cú driver của Lộc đưa trái banh golf bay chút nữa thì vào rặng cây. Để sửa sai cho cú driver đó, anh phải tốn tổng cộng 7 gậy cho một lỗ golf par 5. Khởi đầu bằng double bogey thì chẳng ai muốn. Nhưng tất cả chỉ mới là bắt đầu.

“Đâu phải ai cũng khởi đầu đều suôn sẻ,” Lộc nói. “Khi chập chững bước vào kinh doanh, tôi đã phải làm đủ thứ nghề, từ bán thuốc lá rồi chuyển qua xe ô tô, kinh doanh hàng điện tử, có lúc tôi làm cả nhà máy nước đá trước khi chuyển hẳn qua kinh doanh bất động sản vào năm 2004”.

Lộc kinh doanh từ lúc còn ở tuổi “teen”. Vốn liếng lớn nhất có được khi đó là thừa kế một gia đình làm ăn có tiếng ở Quảng Ngãi. “Cha mẹ tôi kinh doanh rất nhiều thứ, từ vận tải hàng hóa cho đến hàng tạp hóa và có khi cả mua bán hành tỏi”, Lộc nói. Nhưng cái vốn thực sự Lộc có được do chính anh gầy dựng nên. Đó là hai chữ: uy tín. “Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, mới 20 tuổi, mà làm được đại lý cho Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn đâu phải dễ. Nhưng chỉ một vài lần làm ăn, tôi được các chú bên nhà máy khen. Tôi nhớ chú Tư Nghị, khi đó là Tổng giám đốc, nhận xét: thằng này nhỏ nhưng có uy tín và lo làm ăn. Đến giờ, tôi vẫn nhớ ơn chú Nghị và anh Cư – lúc đó là Phó phòng kinh doanh, đã giúp tôi có những bước đi vững vào đời”.

Xoay chuyển tình thế

Cú driver hỏng đã đẩy anh đứng chót trong nhóm chơi 4 người. Sang lỗ thứ hai, anh bắt đầu vươn lên và đến lỗ thứ tư, thứ năm, tôi thấy cậu caddy của anh lẩm nhẩm tính “đã có lời”. Tôi biết Lộc từ quãng chục năm nay trong một lần cầm vợt ra sân Điện lực, quận 5, đánh tennis. Đối với Lộc, việc bước ra sân thì đánh hay, đánh dở không bao giờ là câu chuyện bởi anh luôn biết cách “cáp” sao cho đối thủ hài lòng, song mình lại có lợi. Dân độ có câu “đánh hay không bằng cáp hay”. Nếu kèo nắm đến 6 phần thắng Lộc vẫn không đánh.

“Tôi là dân kinh doanh nên nếu tỉ lệ rủi ro quá lớn tôi sẽ không làm”, anh nhìn nhận, đoạn vào thế đánh tiếp một cú fairway. Trái golf bay lên cao rồi rơi xuống gần ao nước, phía trước là cụm 6 cây dừa. Để đưa trái golf được gần green có hai chọn lựa: hoặc là đánh vòng ra ngoài rồi đánh quay trở lại theo hình chữ V sẽ tốn 2 gậy; hoặc là đánh xuyên qua khe hẹp giữa rặng dừa đến thẳng green sẽ chỉ tốn 1 gậy. Lộc chọn cách thứ hai.

Tôi hồi hộp nhìn cú đánh xuyên qua 2 cây dừa, trái golf bay vút lên và rơi xuống green mở ra cơ hội cho anh ăn birdie. Anh dõi mắt nhìn theo trái bóng, miệng nhoẻn cười và tiếp tục câu chuyện: “Thoạt đầu tôi chỉ mua bán đất qui mô nhỏ thôi, ở các khu như Trung Sơn (TP.HCM) và Bình Dương, mỗi vụ lời được mươi, mười lăm tỷ. Và điểm xoay thực sự để trở thành tên tuổi trong làng kinh doanh bất động sản là tham gia vào cuộc bán đấu giá mảnh đất cạnh trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn vào năm 2004”. “Thị trường lúc đó khó khăn lắm. Giá khởi điểm được đưa ra là 660 tỷ song không ai dám mua. Sau đó thành phố phải giảm xuống còn 600 tỷ thì tôi cùng hai nhà đầu tư là công ty 586 và công ty Bảo Gia quyết định bỏ tiền ra mua. Lúc này mới có thể nói là tôi chính thức bước vào lĩnh vực bất động sản”.

Làm doanh nghiệp thì phải mềm dẻo

Ngày vào thay ông Nguyễn Việt Thành giữ chức Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, anh Nam Tào (Trung tướng Phạm Nam Tào) xách vợt vào sân Điện lực giao lưu. Anh em cử anh ra “tiếp anh Năm” vì Lộc giao tiếp mềm dẻo, ăn nói khéo léo. Anh Nam Tào đánh banh rất thông minh và có cú. Và Lộc bảo: “Tiếp anh Năm phải đánh theo đúng kiểu doanh nghiệp mới được”. Đánh theo kiểu doanh nghiệp là nhẹ nhàng, lấy nhu khắc cương và quan trọng là phải đều banh.

“Ở sân banh người ta bảo tôi là Lộc nhà quê, vì khi vào trận rồi, tôi tằn tiện từng trái banh một”, anh nói. Anh Năm “tung chưởng” một hồi bắt đầu thấy độ “quái” của lối đánh doanh nghiệp: Đánh hoài không chết banh. Cuối cùng Lộc “béo” cũng thua, nhưng anh Năm được một trận banh ra mồ hôi đã đời. Ở tuổi anh Nam Tào, thắng một trận banh mà mồ hôi vã ra như tắm thì còn gì bằng.

Chia sẻ quyền lợi

Tôi và anh vác dù đi dọc sân golf. Tôi thì đi không, còn anh thì vừa đi vừa đánh. Tiết trời tháng 5 như đổ lửa. Hết lỗ thứ 9, cả đám nghỉ giải lao. Đi một quãng nữa, tới lỗ thứ 12, chân tôi bắt đầu tê dại và tôi bắt đầu cảm thấy lạ bởi vóc dáng mập mạp của Lộc song vẫn bước đi thoăn thoắt trên sân cỏ. Trước khi có buổi đi “cuốc đất” này, tôi đã đọc nhiều bài phỏng vấn anh đăng trên một số báo khác. Trong đó anh có nói một câu mà tôi cảm thấy rất đúng là: “Nên chia sẻ lợi nhuận với khách hàng”. Tôi nêu vấn đề này: “Vì sao anh có quan điểm ấy?”.

“Kinh nghiệm của tôi là muốn thành công ta phải chia sẻ. Trong kinh doanh, đó là sự chia sẻ lợi nhuận với khách hàng. Còn trong xã hội, chúng ta phải chung tay chia sẻ với cộng đồng”.

Đến lỗ thứ 15, mắt tôi bắt đầu “nổ đom đóm”, chân lê từng bước nặng nề. Một anh bạn đi cùng chọc: “Đánh golf cực như thế này thì nhà báo còn muốn đi tập hay không?”. Tôi tặc lưỡi, cũng khổ thật và nhẩm tính: đi 18 lỗ, mỗi lỗ trung bình 400 mét, tổng cộng là bảy cây số hai. Đi suốt hơn 4 tiếng đồng hồ giữa trời nắng thế này thì cũng khổ thật. “Nhưng được cái đi bộ giúp sức lên, đầu óc thoải mái, bớt bệnh, sống dai hơn và yêu đời hơn”, Sơn, anh bạn già ngót lục thập niên vừa ráng lết về lỗ 18 nó.

http://motthegioi.vn/

Theo Ngọc Thịnh/ Một thế giới

Bạn có thể quan tâm