Không những cứu hàng nghìn ngôi nhà cổ mà ông còn sưu tầm, phục dựng làm vốn cho riêng mình hàng chục ngôi nhà cổ có giá trị. Ông đã bỏ ra 16 năm và mất 200 tỷ vốn đầu tư nhưng những gì mà ông có được còn lớn hơn. Đó là hàng chục ngôi nhà cổ có giá hàng chục triệu USD từ những thứ tường như bỏ đi.
Khởi nghiệp từ cây vàng đi vay
Ông Lê Văn Tăng (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) nhớ lại những năm 1997, nhiều ngôi nhà cổ ở vùng thôn quê bị chủ nhân phá bỏ vì không đủ tiền cũng như không có thợ trùng tu. Để trùng tu 1 ngôi nhà cổ tốn gấp 5-6 lần xây nhà mới bằng bê tông. Chính vì vậy, nhiều chủ nhân ngôi nhà cổ tháo dở và xây nhà mới.
Nhìn những ngôi nhà cổ với những đường chạm trổ tinh vi bị tháo dở chất đống hư hỏng vì mưa nắng mà lòng ông quặn thắt. "Lúc đó tui chỉ nghĩ nếu mình có tiền mua lại hết những ngôi nhà cổ bị tháo dỡ đem về cất giữ để phục chế, nhưng lại không có tiền", ông Tăng nhớ lại thời khốn khó.
Ông Tăng bên thiết kế phối cảnh nhà hình nơm cao 6 và 4 tầng chuẩn bị dựng. |
Ông Tăng nhớ lại lần liều đầu tiên đưa ông đến với nhà cổ đổ nát. Đầu năm 1997, khi bỏ quan về làm thợ mộc, không một đồng vốn lận lưng, ông quyết định mượn 2 triệu đồng tương đương với 1 cây vàng lúc đó về làm vốn mua nhà cổ đổ nát. Cầm 1 cây vàng mượn làm vốn trong tay, ông Tăng lặn lội vào xã Bình Nam mua ngay ngôi nhà cổ của một người dân tháo bỏ với giá 1 cây vàng rồi vận chuyển đưa về nhà trùng tu sữa chữa.
Sau hơn 3 ngày đưa ngôi nhà cổ về lắp ráp và phục dựng ngay trước sân nhà, lập tức có 3 người đi xe ô tô đến nhà buổi sáng trả giá mua lại ngôi nhà cổ cũ giá 6 triệu đồng, nhưng ông không bán. “Đến chiều họ quay trở lại trả 12 triệu, tui cũng lắc đầu. Đến sáng hôm sau họ quay lại đưa giá 28 triệu. Lúc đó tui toát mồ hôi vì không nghĩ căn nhà cổ đổ nát này lại cao giá như vậy và gật đầu bán”, ông Tăng kể.
Thắng lớn từ căn nhà cổ đầu tiên ông mua với giá 2 triệu đồng, tương đương 1 cây vàng thời đó, khi đem về phục dựng và bán lại lời hơn 26 triệu đồng tương đương 11 cây vàng. Có vốn, ông Tăng bắt đầu công cuộc săn tìm nhà cổ đổ nát mua về phục dựng và trùng tu.
Nhớ lại cái ngày đầu tiên đến với nhà cổ, ông Tăng vẫn không thể nào quên khi lần đầu tiên bỏ quan về nhà dựng xưởng thợ mộc với 2 người thợ cùng làng và sau đó 1 năm ông đã có hàng chục người thợ.
Gia tài triệu USD
Ngoài mua những ngôi nhà cổ đổ nát về trùng tu phục dựng, đội quân của ông bắt đầu nhận những hợp đồng trùng tu những ngôi nhà cổ cho các đại gia trong nam ngoài bắc.
Mãi đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên nhận hợp đồng trùng tu ngôi nhà cổ cho đại gia Võ Quốc Thắng của thương hiệu gạch nổi tiếng Đồng Tâm, rồi hợp đồng trùng tu phục dựng những ngôi nhà cổ cho họa sĩ Sỹ Hoàng ở TP. HCM vào năm 2000 và hàng loạt ngôi nhà cổ cho hãng cà phê của ông chủ Trung Nguyên, Đắk Lắk.
Hỏi ông kỷ niệm nào trong những ngày đầu phục dựng và trùng tu nhà cổ làm ông nhớ nhất?. Không chút suy nghĩ, ông kể đó là vào năm 2000 khi nhận hợp đồng trùng tu ngôi nhà cổ cho họa sĩ Sỹ Hoàng tại số nhà 36-38 Lý tự Trọng, TP. HCM.
Đó là ngôi nhà cổ bằng gỗ 4 tầng theo kiến trúc Pháp đã xuống cấp. Nhận trùng tu nhưng lo vì sự khó tính của chủ nhân căn nhà là họa sĩ Sỹ Hoàng. Cuối cùng sau hơn 1 năm với hơn chục người thợ tài hoa của các làng mọc Kim Bồng, Vân Hà, căn nhà cổ 4 tầng hoàn thiện giữ đúng nguyên bản.
Hơn 6 năm sau, từ anh thợ mộc, ông Tăng gần như thống lĩnh trong lĩnh vực trùng tu phục dựng nhà cổ từ trong nam ra bắc và cuối cùng vào năm 2002, ông thành lập DN để chuyên kinh doanh nhà cổ.
Với số vốn 2 triệu đồng tương đương 1 cây vàng ban đầu từ năm 1997, hơn 15 năm sau ông Tăng đã có trong tay hàng chục căn nhà cổ với giá trị ước tính hàng chục triệu USD.
Nhớ lại ngày đầu gian khó, ông Tăng bảo hình như đó là cái duyên, cái nghiệp đã khiến ông đến với nhà cổ. "Và bây giờ tui ăn, ngủ với nhà cổ. Nhờ vậy mà hàng nghìn ngôi nhà cổ từ trong năm ra bắc và cả Quảng Nam-Đà Nẵng được phục dựng giữ lại cái hồn của cha ông. Nếu không kịp thời, chắc chắn nhiều ngôi nhà cổ sẽ đổ nát biến thành củi", ông Tăng nói.