Ông Phạm Đức Chính - Phó chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội nói, ngay từ tháng 9/2015, khi được tái lập, Sở đã nắm bắt thông tin mà Zing.vn phản ánh về nhóm đánh giày trấn lột du khách. Cơ quan này đã kịp thời làm việc với Công an quận Hoàn Kiếm để phối hợp xử lý.
Nhóm đánh giày trấn lột (3 thanh niên bên phải) thường xuyên di chuyển, tùy thái độ của khách mà ra giá cắt cổ. Ảnh: Phan Anh. |
- Sau khoảng 3 tháng, tình trạng đánh giày trấn lột tại phố cổ tái diễn với hình thức tinh vi hơn. Nhiều người cho rằng hình thức xử phạt, giáo dục tuyên truyền đến nhóm chặt chém du khách chỉ là bắt cóc bỏ đĩa.
- Trên cơ sở thông tin của Zing.vn, chúng tôi đã lập tức phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm để khoanh vùng và triệu tập những người có liên quan.
Thực tế cho thấy, tình trạng chặt chém, đeo bám du khách đã bị xử lý nhiều lần, nhưng lại tái diễn. Hiện ngành du lịch không thể một mình xử lý do lực lượng mỏng.
Sau khi Sở Du lịch Hà Nội được thành lập, chỉ có 4 người phụ trách công tác thanh tra. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực, kiên trì để xử lý kiên quyết và triệt để vấn đề này.
- Ông có nói về việc xử lý kiên quyết và triệt để, vậy cụ thể của việc này rao sao?
- Chế tài xử phạt vẫn tuân theo Nghị định số 158 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo. Trong đó, mức xử phạt 1-3 triệu đồng cho hành vi chặt chém, đeo bám du khách. Có thể, do chế tài chưa mạnh nên một số người vẫn tiếp tục quay trở lại địa bàn và hoạt động với hình thức tinh vi hơn.
Xác định đây là công việc liên tục, nên chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời hành vi chặt chém du khách. Trong đó nếu ai vi phạm hình sự thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.
- Với vấn nạn móc túi tại bến xe, công an đã dán hình ảnh kẻ gian tại đây để cảnh báo hành khách. Vậy đối với tệ nạn chặt chém, ngành du lịch có hình thức gì để khuyến cáo du khách?
- Trước mắt, Sở Du lịch đã công bố đường giây nóng để tiếp nhận và thu thập thông tin từ du khách, của người dân về nạn chặt chém, đeo bám du khách.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang lên ý tưởng để phối hợp với các địa bàn để có hình thức khuyến cáo du khách để họ nhận diện các hành vi, nhóm người chặt chém, đeo bám.
- Du khách phản ánh không thể liên hệ với đường dây nóng của Sở, ông lý giải ra sao?
- Sau khi được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đường dây nóng của Sở Du lịch được duy trì do Phòng Quản lý lữ hành đảm nhiệm. Chúng tôi vẫn thường xuyên tiếp nhận được thông tin phản ánh của du khách.
- Trung bình, mỗi ngày Sở tiếp nhận được bao nhiêu thông tin phản ánh từ du khách và quy trình xử lý thông tin đó như thế nào?
- Chúng tôi chưa thống kê cụ thể về số liệu này. Về việc xử lý thông tin phản ánh của du khách, những vụ việc mang tính hướng dẫn sẽ do Phòng Quản lý lữ hành xử lý, những vụ việc phức tạp hơn do Thanh tra Sở xử lý.
Riêng đối với việc du khách bị nhóm đánh giày bắt chẹt tại phố cổ trong các tháng 9 và 12/2015, chúng tôi đã làm việc ngay với Công an quận Hoàn Kiếm để nắm bắt thông tin và khoanh vùng, triệu tập, xử phạt họ theo quy định.
Những năm trước đây, chúng tôi đã từng xử phạt người chặt chém du khách và yêu cầu họ liên lạc với du khách để xin lỗi, thậm chí thông qua đại sứ quán các nước để thông tin về việc xử lý hiện tượng trên.
Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực xử lý vấn nạn này để làm trong sạch môi trường du lịch của thủ đô.
Ngày 31/12, ông Đào Đình Hồng - Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho hay, Sở đã tiếp nhận những thông tin mà Zing.vn phản ánh về nhóm đánh giày trấn lột tại phố cổ ngay từ tháng 9/2015. Ngay sau đó, Sở đã lập tức có chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cùng các cơ quan chức năng để kiên quyết để dẹp nạn chặt chém du khách này.
"Tôi đã chỉ đạo thanh tra Sở du lịch vào cuộc để nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng như các đơn vị công an tại địa bàn để xử lý quyết liệt, triệt để hiện tượng này" - Giám đốc Sở du lịch Hà Nội khẳng định.