Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 'nhóm đánh giày trấn lột' không bị khởi tố?

Trao đổi với Zing.vn, Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, việc xử lý hình sự "nhóm đánh giày trấn lột" không phụ thuộc ý chí của công an, bởi bị hại là du khách thường không trình báo.

Thiếu tá Tống Đăng Công - Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) khẳng định, “nhóm đánh giày trấn lột” hoạt động đơn lẻ chứ không có tổ chức. Mức phạt hành chính 2 triệu đồng cũng là khung cao nhất mà pháp luật hiện hành quy định với hành vi chèo kéo, đeo bám, ép giá… khách. Cơ quan công an không thể vận dụng chế tài nào khác.

- Hành vi của "nhóm đánh giày trấn lột" gây bức xúc dư luận, nhiều người cho rằng, cần xử lý hình sự. Quan điểm của ông ra sao? 

- Ngày 30/12, khi Zing.vn đăng bài và clip phản ánh một số người đánh giày chèo kéo, chặt chém du khách nước ngoài, chúng tôi đã theo dõi cả các bình luận và chia sẻ quan điểm của người dân việc cần xử lý nhóm này về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự một người, hành vi của họ phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chứ không phải việc muốn hay không muốn mà được.

 Thiếu tá Tống Đăng Công. Ảnh: Việt Đức.

Đặc thù của khách du lịch nước ngoài là đến nhanh, về nhanh. Nhiều người khi gặp sự cố không trình báo công an. Việc này có thể do tài sản của họ không quá giá trị, hoặc vì ngại các thủ tục pháp luật làm mất thời gian.

Có trường hợp chúng tôi ghi nhận sự việc, tổ chức điều tra thì khách đã không còn ở Việt Nam, nên không đảm bảo một trong những yếu tố để xem xét xử lý hình sự là "có bị hại trình báo".

- Trong nhóm đánh giày bị triệu tập lần này, 2 người tái phạm khiến nhiều người đặt vấn đề về sự quyết liệt, trách nhiệm công vụ của lực lượng công an?

- Thời gian qua, cơ quan công an đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa số đối tượng có hành vi chèo kéo, đeo bám, ép giá khách du lịch. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, họ lợi dụng khi lực lượng chức năng vắng mặt, hay bận giải quyết công việc quan trọng khác trên địa bàn, để hoạt động.

Thời gian tới, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung lực lượng đấu tranh quyết liệt hơn để giải quyết.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng khung phạt hiện nay áp dụng theo nghị định 158 của Chính phủ, quy định việc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch, với các hành vi liên quan đến chèo kéo, đeo bám khách du lịch là chưa đủ răn đe.

Công an quận đã báo cáo, đề nghị các cấp xem xét nâng chế tài xử lý để ngăn chặn tình trạng ép giá, đeo bám khách du lịch trên địa bàn.

- Vậy khi chờ kiến nghị được xem xét, công an có cách gì để ngăn chặn, giúp du khách đề phòng, chẳng hạn như dán ảnh, công khai danh tính người tái phạm ở khu vực công cộng?

- Lâu nay, nhiều đơn vị Công an Hà Nội đã chụp ảnh, công khai danh tính những người biểu hiện hoạt động cò mồi ở các điểm đăng ký xe; hay trộm cắp móc túi ở đình, đền, chùa… để người dân đề phòng. Tôi cho rằng biện pháp này áp dụng với số đối tượng đánh giày chặt chém, hiệu quả sẽ không cao.

"Tôi cho rằng khung phạt hiện nay áp dụng theo nghị định 158 của Chính phủ với các hành vi liên quan đến chèo kéo, đeo bám khách du lịch là chưa đủ răn đe. Công an quận đã đề nghị các cấp xem xét nâng chế tài xử lý để ngăn chặn tình trạng này" - thiếu tá Tống Đăng Công.

Những người đánh giày thường hoạt động ở khu phố rộng, việc đăng ảnh sẽ không hiệu quả bằng công khai đường dây nóng giống như Sở Du lịch đang làm. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài các cơ quan chức năng, theo tôi người dân cần phát huy tinh thần đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm. Khi thấy những biểu hiện nghi vấn, hành vi chèo kéo khách, người dân hãy gọi báo cho công an phường sở tại để kịp thời xử lý.

- Thành phố dự định lắp camera an ninh ở các khu vực nhạy cảm để hạn chế “khoảng trống địa bàn”. Ông đánh giá thế nào về biện pháp này?

- Theo tôi biết, thành phố đã có chủ trương triển khai lắp camera giám sát trong khu phố cổ, nhằm đảm bảo an ninh trật tự chung. Tôi cho rằng, việc này sẽ giúp phát hiện, đấu tranh với các hành vi xâm phạm tính mạng, tài sản của người dân, khách du lịch, trong đó có cả việc chèo kéo.

Phạt 'nhóm đánh giày trấn lột' 8 triệu đồng

Chưa đầy một ngày sau khi Zing.vn đăng phóng sự về "nhóm đánh giày trấn lột", cảnh sát đã triệu tập đủ 4 người liên quan, lập hồ sơ xử phạt hành chính mỗi người 2 triệu.

Sáng 31/12, Công an quận Hoàn Kiếm đã triệu tập 4 người "nhóm đánh giày trấn lột" được ghi hình trong phóng sự đăng tải một ngày trước trên Zing.vn.

Trong số này, Phạm Văn Chung (32 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) và Phạm Văn Quỳnh (28 tuổi, ở phường Hùng Cường, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) tái vi phạm. Hai đồng phạm khác là Viên Đình Nam (32 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa và Trần Văn Chiến (22 tuổi, ở Kim Động, Hưng Yên). Những người này đều bị phạt hành chính ở khung tối đa.

Việt Đức thực hiện

Clip: Phan Anh

Bạn có thể quan tâm