Cuối tháng 7, hãng phụ kiện gaming Razer ra mắt mẫu tai nghe BlackShark V2. Đây là mẫu tai nghe gaming có thiết kế đơn giản, chất âm trung tính và mức giá dễ tiếp cận.
Thiết kế đơn giản, đa dụng
Nhắc đến tai nghe gaming, người dùng thường liên tưởng đến những sản phẩm có thiết kế hầm hố, đèn LED RGB, chức năng phức tạp… Tuy vậy, Razer BlackShark V2 đi ngược những điều này. Sản phẩm có thiết kế đơn giản với phần headband đen tuyền, case nhựa đen và phần gọng nối mỏng. Điểm nhận diện model này là tai nghe gaming nằm ở phần logo "rắn ba đầu" màu xanh lá neon.
Thiết kế của Razer BlackShark V2 đơn giản, có thể sử dụng ngoài mục đích chơi game. |
Razer BlackShark V2 có rất ít chi tiết sử dụng kim loại nên khối lượng của thiết bị chỉ 262 g. Trong khi đó, các mẫu tai nghe gaming trên thị trường thường có cân nặng trên 300 g.
Bên cạnh đó, ngoài phục vụ mục đích chơi game, người dùng có thể sử dụng Razer BlackShark V2 cho nhiều không gian như công viên, văn phòng, đường phố... Thiết kế và màu sắc của thiết bị khiến người dùng tự tin ở những không gian nơi không dành cho game thủ.
Ngoài ra, phần mút đệm bằng vải của Razer BlackShark V2 khá êm ái, khó bám bụi và thoáng khí. Những yếu tố kể trên giúp người dùng có thể đeo Razer BlackShark V2 nhiều hơn.
Nhược điểm lớn nhất của BlackShark V2 là có dây. Trước đây, việc tai nghe có dây là chuyện thường. Nhưng từ năm 2019, việc sử dụng tai nghe có dây không còn được ưu tiên bởi có rất nhiều lựa chọn không dây trên thị trường.
Cho phép hiệu chỉnh sâu
Razer BlackShark V2 chỉ có núm chỉnh âm lượng và on/off micro bên case trái. Người dùng chỉ có thể tùy chỉnh hai tính năng bằng phím vật lý. Tuy vậy, âm lượng và tắt/mở mic rất quan trọng với game thủ.
Phần mềm Razer Synapse cho phép tùy chỉnh khá sâu tính năng tai nghe. |
Razer bán kèm sản phẩm với card âm thanh chuẩn USB. Khi sử dụng card âm thanh, người dùng có thể điều khiển tai nghe qua ứng dụng Razer Synapse. Trong ứng dụng này, Razer BlackShark V2 sẽ được hỗ trợ thêm công nghệ giả lập âm thanh vòm THX Spatial Audio, 7.1 Surround Audio.
Trải nghiệm tựa game Halo 3, người dùng sẽ cảm nhận được không gian trò chơi khá chân thực. Tiếng súng nổ, bước chân của các tựa game FPS được tái hiện chính xác hướng phát ra. Đây được xem là yếu tố tạo ra ưu thế cho người chơi.
Qua phần mềm Razer Synapse, người dùng có thể tự tạo các profile cá nhân đồng bộ đám mây qua một tài khoản. Những profile này có thể áp dụng độc lập trên các tựa game khác nhau. Bên cạnh đó, Razer cũng có các tùy chỉnh âm thanh (EQ) gợi ý cho người dùng.
Chất âm tập trung bass và treble
Razer BlackShark V2 có âm tần từ 12 Hz-28 kHz, đủ rộng để tái tạo hầu hết chi tiết âm thanh. Bên cạnh đó, chất âm của model không bị can thiệp bằng công nghệ quá nhiều nên đảm bảo sự chính xác cho game thủ. Âm trầm của thiết bị đảm bảo sự uy lực, dải middle vừa phải. Trong khi đó, phần treble của Razer BlackShark V2 rõ ràng và được tinh chỉnh nhẹ để giảm bớt cảm giác chói tai.
Khối lượng của BlackShark V2 chỉ 262 g. |
Âm bass và treble được nhấn mạnh khiến Razer BlackShark V2 còn phù hợp với dòng nhạc rock, nơi tiếng guitar bass, trống, hi-hat và vocal đều hoạt động trong dải âm trầm và cao. Qua trải nghiệm, bài This Is Love của Gun and Rose không bị quá chát chúa ở giọng ca sĩ, phần solo guitar cũng không chói tai. Phần guitar bass đầu bài Stand By Me cũng cho thấy Razer BlackShark V2 có tần số phản hồi chắc chắn, không bị ù ở âm trầm. Điều này còn khiến các bước chân trong tựa game Valorant không quá thình thịch nhưng vẫn rõ ràng, dứt khoát.
Khả năng chống ồn bị động tốt
Trong tầm giá 3 triệu đồng, Razer BlackShark V2 không được trang bị chống ồn chủ động (ANC). Tuy vậy, cá nhân tôi cảm thấy việc trang bị ANC cho tai nghe over-ear là không thật cần thiết bởi bản thân chúng đã có thể cách âm khá tốt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chống ồn chủ động trong thời gian dài cũng không thật sự tốt cho tai. Bản chất của ANC là phát ra âm thanh để triệt tiêu tiếng ồn. Như vậy, tai người dùng luôn phải nghe một loại âm thanh vô hình để chống ồn.
Razer BlackShark V2 có khả năng cách âm nền khá tốt. |
Ngoài ra, ANC chỉ chống được các âm thanh nền ví dụ như tiếng máy lạnh, động cơ, tiếng người xì xầm. Các âm thanh này Razer BlackShark V2 đã có thể giảm được khá tốt.
Mẫu tai nghe này được trang bị micro rời khá tiện lợi trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Chất lượng âm thanh của micro này vừa đủ để đàm thoại. Dải âm trầm hơi méo nhẹ, âm trung rõ ràng và treble khá gắt. Các từ có đuôi s, sh, x... sẽ khá chói nếu được thu bằng micro của Razer BlackShark V2. Tuy vậy, nếu dùng phần mềm đi kèm, người dùng có thể tự tinh chỉnh để cải thiện phần nào chất lượng micro.
Razer BlackShark V2 dành cho ai?
Nếu người dùng muốn một chiếc tai nghe sử dụng được trên nhiều nền tảng, có micro rời, thiết kế trung tính, cảm giác đeo thoải mái, chất âm trung thực, cách âm khá, có phần mềm tinh chỉnh thì Razer BlackShark V2 là lựa chọn tốt trong tầm giá 3 triệu đồng. Ngoài gaming, model này tròn vai khi nghe nhạc hoặc đàm thoại trực tuyến.
Nhược điểm lớn nhất của BlackShark V2 là có dây. |
Trong tầm giá, BlackShark V2 sẽ đối đầu với SteelSeries Arctis 1 Wireless, có ưu thế về thời lượng pin, dùng kết nối không dây, có thể tiện lợi hơn nếu hy sinh tốc độ phản hồi. Các model khác như Sennheiser GSP 300 và Fnatic React cũng được xem là lựa chọn đáng để so sánh với BlackShark V2.
Ngoài ra, người dùng có thể tham khảo thêm mẫu BlackShark V2X, phiên bản rút gọn của BlackShark V2 với giá chỉ bằng một nửa. Model này thửa hưởng thiết kế đơn giản, nhẹ, chất âm gần bằng 80% nhưng không kèm micro tháo rời và card âm thanh như đàn anh.