Bên cạnh robot hút bụi, máy lọc khí là thứ tôi không thể thiếu trong nhà. Robot hút bụi giúp gom tóc rụng, lông mèo và những loại rác nhỏ. Máy lọc khí làm phần việc còn lại: loại bỏ những sợi lông tơ li ti bay lơ lửng và bụi mịn, khói thuốc lá…Tôi bắt đầu từ chiếc máy lọc khí cơ bản của Xiaomi, sau 2 năm, nó vẫn chạy tốt, chi phí thay lõi lọc cũng rất phải chăng.
Tuy nhiên, để tăng cường thêm một lớp bảo vệ, tôi quyết định nâng cấp lên model cao cấp hơn, có khả năng lọc bụi siêu mịn và có ion âm để tiêu diệt vi khuẩn trong không khí. Chiếc máy của Xiaomi được đưa vào phòng ngủ khác nhỏ hơn.
Thay vào đó, tôi cân nhắc giữa Electrolux Pure A9, Samsung AX90R7080WD, Sharp KC-G50EV-W và Hitachi EP-A6000 cho phòng ngủ lớn. So với các đối thủ trên, chiếc Pure A9 không phải là ứng viên "nặng ký" nhất, nhưng tỏ ra hợp với tone nội thất của căn phòng nhất.
Trong khi đó, model của Samsung có đầy đủ tính năng nhưng kiểu dáng gần giống với chiếc lọc khí Xiaomi tôi đã quen mắt. Chiếc Sharp KC-G50EV-W trội hơn ở khả năng bù ẩm, chống khô da. Model của Hitachi toàn năng nhất, nhưng công suất lớn và kiểu dáng không mới. Máy chi chít nút bấm theo đúng “style” của đồ điện tử Nhật Bản thời xưa.
Do đó, tôi quyết định đánh đổi một chút hiệu năng và tính năng bù ẩm, để chọn chiếc Pure A9 vì thiết kế.
Thiết kế đẹp và đôi chút mạo hiểm
Nửa trên của Pure A9 được bọc một lớp vải và có quai đeo bằng da. Điều này làm cho máy trông giống một chiếc túi lớn, nửa lạ nửa quen và không có cảm giác đây là một thứ máy móc khô cứng. Khe tản gió cũng được sắp xếp dạng cánh hoa.
Những ai yêu thời trang sẽ cảm thấy thích thiết kế này, nhưng việc giữ cho nó không bị bám bẩn là một thử thách. Nếu nhà bạn nuôi mèo, hãy đảm bảo chúng không cào rách phần vải này. Nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ không có phương án thay thế và chịu đựng một chiếc máy nham nhở vết cào.
Quai xách và hệ thống bánh xe có thể được dùng trong trường hợp bạn di chuyển máy giữa các phòng. Tuy nhiên, đây vẫn là chiếc máy lọc cố định, nên chi tiết này không tỏ ra hữu dụng lắm. Nếu đặt cố định, bạn có thể gỡ bốn chân bánh xe để máy trông vững vàng hơn, không bị “chạy” nếu bạn đặt trên tủ đầu giường ngủ hay trên kệ.
Có kiểu dáng mặt cắt hình thoi, không phải hình tròn hoặc hình hộp chữ nhật như các đối thủ, trải nghiệm thay lõi lọc trên Pure A9 hơi khác đôi chút. Bạn có thể giật nắp bằng một vòng vải nhỏ, một chi tiết rất quen thuộc trên những đôi sneaker của Adidas hay Nike.
Phần tiếp nối của nắp dùng lực hút nam châm. Ưu điểm của cách làm này là nhanh và tiện, “thuận tự nhiên”, nhưng cũng dễ bị trẻ em, thú cưng trong nhà tác động.
Rất may, Electrolux cũng đã tính đến trường hợp này và bổ sung một lẫy khóa cho phần lõi lọc để nó không dễ bị trật ra ngoài. Phần lõi lọc này chưa có giá trên các trang thương mại điện tử, bạn có thể phải mua thông qua nhà bán lẻ.
Lọc khí nhanh, giao diện đơn giản
Không khí sau khi được lọc sạch, sẽ được đẩy ra ở khe gió bên trên. Đây cũng là vị trí chứa màn hình LED và đèn báo trạng thái. Nếu vòng đèn màu xung quanh hiển thị xanh dương, báo hiệu không khí phòng rất sạch, màu xanh lá là tương đối sạch, màu cam (chỉ số PM 2,5 từ 36-75) là kém an toàn và mức đỏ (chỉ số PM 2,5 trên 75) là mức báo động.
Lõi lọc của Pure A9 có 5 lớp: lọc bụi thô, lọc kháng khuẩn, HEPA 13, than hoạt tính và lớp ion hóa.
Tôi thử nghiệm với việc hút một điếu thuốc lá trong phòng, máy nhanh chóng phát hiện nguồn khói nhờ cảm biến bên hông và lập tức tăng công suất lên gấp nhiều lần, bật cảnh báo mức cam (gần báo động đỏ). Sau 3-5 phút, máy đã lọc xong và trả về mức xanh dương.
Tiếp tục thử với một điếu thuốc lá điện tử, vốn lọc 95% khói độc hại như thuốc lá thông thường và các máy lọc khí giá rẻ hiếm khi phát hiện được, chiếc Pure A9 vẫn nhận ra và đẩy mức cảnh báo lên xanh lá, tăng tốc lọc để trở về trạng thái xanh dương sau 1 phút.
Giao diện trên ứng dụng Wellbeing. |
Máy có remote và ứng dụng trên di động để theo dõi, nhưng tôi hầu như không cần dùng đến hai thứ này. Đối với tôi, máy lọc khí là thứ để mua về, bật lên và quên đi sự tồn tại của nó cho đến khi cần thay lõi lọc. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý về cách Electrolux bố trí chỉ 2 chế độ Auto và Manual kèm một màn hình cảm ứng để thông báo.
Tuy nhiên, nếu bạn hứng thú, app Wellbeing có sẵn trên iOS lẫn Android có thể giúp bạn tham khảo một số thứ, chẳng hạn các chỉ số bụi PM 1.0, PM 2.5, PM 10, hay nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi, nhiệt độ cũng như độ ẩm trong phòng… và tất cả những thông tin trên được hiển thị bằng tiếng Việt.
Để vệ sinh cho chiếc máy lọc khí, bạn nên mua kèm một máy hút bụi cầm tay (loại chạy pin) và thường xuyên làm sạch phần cảm biến. Mặt hiển thị thông số cũng cần được lau sạch thường xuyên vì có thể bám vân tay, giảm độ nhạy cảm ứng.
Có nên mua Electrolux Pure A9?
Sau hai tuần sử dụng, mức độ hài lòng về sản phẩm này, đối với tôi là 8,5/10. Nó kết hợp tốt với nội thất cho những căn nhà có thiết kế kiểu Scandinavian, dễ dùng và là model hiếm hoi trong phân khúc trang bị đủ các loại cảm biến, lọc được các loại khí độc thông thường. Máy vận hành êm và đảo gió khá hiệu quả cho căn phòng.
Điểm tôi khá tiếc trên chiếc máy này, đó là thiếu tính năng bù ẩm, quan trọng nếu bạn sợ khô da hay khô cổ họng khi bật điều hòa. Tôi khắc phục điều này bằng cách theo dõi độ ẩm trên app Wellbeing và bù vào bằng máy xông tinh dầu.
Nếu bạn ưu tiên tính năng này hơn, có thể cân nhắc chiếc Sharp KC-G50EV-W, model này có giá rẻ hơn so với Pure A9, nhưng không sánh được ở kiểu dáng thiết kế.
Ưu điểm
- Kiểu dáng thời trang
- 5 lớp lọc, có phát hiện khí độc
- Giao diện tối giản, dễ dùng
- Hoạt động êm (17 dB - 45 dB)
- Có đủ các cảm biến cần thiết
- Có app trên smartphone
Nhược điểm
- Không có tính năng bù ẩm
- Tính năng ion âm phải bật thông qua ứng dụng
- App trên Android chưa ổn định như trên iOS