Đánh giá chi tiết Q-Smart S20
Đây là model đầu tiên thuộc S-Series sử dụng vi xử lý dual-core thương hiệu Qualcomm Snapdragon S4 (dòng MSM8225), hoạt động trên nền tảng Android 4.0.4 Ice Cream Sandwich.
Cùng điểm qua vài khía cạnh quan trọng nhất của sản phẩm để đánh giá khách quan điểm mạnh và hạn chế của S20.
Điểm mạnh: · Chip Qualcomm Snapdragon S4 MSM8225 · Màn hình hiển thị tốt · Hiệu năng ổn định · Thiết kế gọn gàng và dễ cầm Hạn chế: · Camera chụp hình chưa tốt, flash yếu · Máy nhanh bị nóng khi trải nghiệm lâu màn hình bằng kết nối Wi-Fi |
Thiết kế
Thiết kế thân ngoài của máy khá mỏng gọn. Đường viền xung quanh màn hình máy không quá dày và thô. Mặc dù vậy thiết kế mặt trước chưa được thẩm mỹ do thiếu cân xứng do viền mà hình dưới dày hơn viền trên. Đỉnh và đáy máy có thiết kế dạng vòng cung uốn tròn. Phía nắp lưng có một số điểm tích cực như thiết kế vân nhám chống bám vân tay, các viền vát tròn sâu khiến nắp lưng gần như có dạng hình cầu. Điều này cũng có nghĩa, việc cầm máy thao tác dễ dàng hơn do máy lọt hẳn vào lòng bàn tay. Thiết kế nắp lưng này cũng khiến máy có cảm giác “mỏng” hơn.
Màn hình
Tương tự như tiền bối S18, S20 có kích thước màn hình 4 inch, chuẩn phân giải WVGA (480x800 pixels), mật độ 240dpi được xếp vào hạng cao trong nhóm smartphone tầm trung. Màn hình này cũng hỗ trợ hiển thị 16 triệu màu. Công bằng mà nói, khả năng hiển thị và màu sắc của S20 hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, kích thước 4 inch đối với một smartphone hỗ trợ giải trí khá tốt như S20 có vẻ còn hơi hạn chế. Kích thước 4,3 inch hoặc 4,5 inch có lẽ sẽ đem lại nhiều thuận tiện hơn trong thao tác cũng như giải trí “đã” hơn.
Cấu hình
S20 được trang bị vi xử lý 2 nhân Qualcomm MSM8225 Snapdragon S4 xung nhịp 1GHz. Ưu điểm của con chip này so với đời chip cũ Qualcomm MSM7227A Snapdragon S1 là GPU đồ họa tích hợp đã được nâng cấp lên Adreno 203 (so với chip cũ là Adreno 200) và khả năng tương thích ứng dụng và game khá hơn.
Bên cạnh đó, S20 có bộ nhớ trong 4GB và RAM 512MB. Cài và chạy thử ứng dụng Contract Killer của nhà phát triển Glu trên S20 máy chạy ổn định và mượt, không bị giật hay dừng hình dù đây là một game hành động yêu cầu xử lý đồ họa nhiều. Điều đó có nghĩa, S20 cũng sẽ tải ngon lành những game tương đương như Blood & Glory, Big Time Gangsta, hay Indestrcutible.
Tuy nhiên, có lẽ do được trang bị vi xử lý Qualcomm lõi kép nên máy dễ bị nóng, nhất là khi lướt net liên tục 30 phút hoặc chơi game lâu.
Kết quả đo benchmark bằng ứng dụng Quadrant Standard, S20 đạt điểm số 2738. |
Camera
Q-Smart S20 được trang bị camera quay phim chụp hình phân giải 5 MP có đèn flash trợ sáng. Camera này hỗ trợ quay phim đến chuẩn HD 720p. Cameara cho chất lượng chụp hình tương đối ổn với cả hình chụp trong nhà và ngoài trời. Đáng tiếc là máy lại thiếu mất tính năng lấy nét tự động (tính năng phổ biến trên các camera trên 5 MP) nên hình chụp chưa được focus, khi zoom 100% bị nhòe nhiều, đặc biệt là với những hình cảnh có nhiều chi tiết và màu sắc. Đèn flash trợ sáng hơi yếu, chắc chỉ để làm cảnh nên chỉ phát huy tác dụng khi chụp cảnh gần.
Kết luận
Khó có thể tìm được một sản phẩm nào hoàn hảo và “đẹp” về mọi khía cạnh và S20 cũng thế. Những điểm “đẹp” của S20 là cấu hình ổn, màn hình và hiệu năng khá, đặc biệt là giá bán 2.690.000đ khá mềm.
Nếu bạn muốn sở hữu 1 chiếc smartphone với cấu hình tầm trung và quan tâm đến các tính năng, trải nghiệm thực tế trên máy thì S20 là lựa chọn hàng đầu.
Tư liệu: Q-Smart
Theo Infonet