Địa điểm bị tấn công chủ yếu là ở bên đường, trước các cửa hàng tiện lợi, khu chợ, bệnh viện thú y và tiệm sửa xe, Reuters ngày 29/1 dẫn lời Phó phát ngôn viên cảnh sát Kissana Phathanacharoen.
Cùng ngày 29/1, cảnh sát phát hiện ít nhất 3 thiết bị nổ tự chế chưa phát nổ, được làm từ bình xịt và ống kim loại có gắn đồng hồ bấm giờ.
Theo ông Kissana, cảnh sát nghi ngờ rằng các vụ nổ này có mục đích gây náo loạn và bất ổn trong dân chúng, hơn là muốn gây thương tích hoặc thiệt hại.
Hiện trường một vụ đánh bom ở tỉnh Yala vào năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Hàng chục năm qua, tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat - có dân số chủ yếu là người Hồi giáo Malay - là nơi diễn ra phong trào nổi dậy đòi ly khai Thái Lan, nước có phần đông người dân theo Phật giáo.
Hoạt động của phong trào này đã tước đi sinh mạng của hơn 7.300 người kể từ năm 2004, theo tổ chức quan sát Deep South Watch.
Yala, Pattani và Narathiwat nằm sâu trong miền Nam Thái Lan, tiếp giáp với Malaysia. Ba tỉnh này từng thuộc vương quốc Hồi giáo có tên Patani, vốn là vùng được Thái Lan sáp nhập vào năm 1909 theo hiệp ước với Anh.
Các vụ đánh bom vào ngày 28/1 nổ ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Thái Lan tái khởi động đối thoại hòa bình đối với nhóm nổi dậy chính. Trước đó, quá trình này bị tạm dừng 2 năm do đại dịch Covid-19.
Tương tự đa số vụ tấn công sâu trong miền Nam Thái Lan trước đây, không tổ chức nào nhận trách nhiệm cho chuỗi đánh bom ngày 28/1.