Một người phụ nữ Trung Quốc với đôi chân bị bó chặt. Ảnh: Business Insider |
Bên cạnh tiệm thuốc phiện, ghế sedan và thuyền cánh dơi, phụ nữ với đôi chân bó chặt từng là khuôn mẫu trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến.
Người Trung Quốc từng đánh giá rất cao bàn chân biến dạng và có độ dài không quá 10 cm. Dáng đi của những người phụ nữ bó chân thường lắc lư, chao đảo và luôn cần sự giúp đỡ của một vú em. Tuy vậy, người Trung Quốc xưa lại cho đây lại là nét quyến rũ của họ.
Hủ tục bó chân còn có mối liên quan tới tình dục theo cách lý giải của những người dân thời phong kiến. Với điệu bộ lả lướt và tìm cách giữ thăng bằng để không ngã, vùng bắp đùi và xương chậu của phụ nữ trở nên chắc chắn một cách bất thường. Bàn chân càng bị bó chặt, các cơ âm đạo càng hoạt động mạnh mẽ khi ân ái.
Theo South China Morning Post, tục bó chân đã chứng minh sức mạnh về kinh tế của nam giới. Vào thời kỳ người Trung Quốc chỉ sống bằng vài bát gạo vì đói, việc nuôi phụ nữ không đem lại lợi ích kinh tế mà nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục và sinh con. Đây là cách chứng tỏ vị thế trong gia đình của nam giới.
“Hãy xem tôi giàu tới mức nào! Tôi có thể nuôi mấy cái miệng vô dụng này dễ dàng”, chủ của một gia đình với nhiều người phụ nữ bó chân, nói.
Phụ nữ Trung Quốc chấp nhận tính gia trưởng của đàn ông vì vài lý do. Trong các gia đình nghèo, mẹ của các cô gái xinh đẹp bó chân cho con với hy vọng chúng sẽ lọt mắt xanh những người giàu.
Nỗi ám ảnh của phụ nữ
Đôi giày của phụ nữ theo tục bó chân. Ảnh: South China Morning Post |
Để giữ phần xương biến dạng, người ta bó bàn chân sao cho chúng chui vừa đôi giày nhỏ, giống việc các võ sĩ quyền Anh phải băng chặt các ngón tay trước khi đeo găng da. Quá trình phức tạp và tốn thời gian ấy khiến phụ nữ phải ở nhà trong nhiều ngày, thậm chí vài tuần.
Khi họ tháo băng, mùi khó chịu xuất hiện. Ngón chân họ biến dạng và mưng mủ, đặc biệt vào những ngày trời nóng nực. Người Trung Quốc dùng câu “dài và thối như vải bó chân” để mô tả cảm giác khó chịu đó.
Từ thế kỷ 19, sự phản đối gay gắt từ các nhà truyền giáo phương Tây khiến cách suy nghĩ của xã hội Trung Quốc về việc bó chân thay đổi dần. Tuy nhiên, hàng chục năm sau, hủ tục mới chính thức chấm dứt. Trong những năm 30 của thế kỷ 20, người ta vẫn có thể gặp những phụ nữ cao tuổi với đôi chân bó chặt, đặc biệt tại các khu vực nông thôn Trung Quốc. Tục bó chân cổ hủ vẫn ám ảnh nhiều người phụ nữ cho tới khi họ lìa đời.