Theo Wall Street Journal, sau 2 năm ngủ đông, ngành hàng không được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ vào mùa hè này. Nhưng mùa hè năm 2022 đã trở thành một trong những mùa du lịch hỗn loạn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Các chuyến bay thường xuyên bị hủy hoặc lùi giờ. Hành lý liên tục thất lạc. Du khách ngán ngẩm khi luôn phải đợi hàng giờ để làm thủ tục check-in, nhận hành lý và kiểm tra an ninh.
Du khách xếp hàng dài để làm thủ tục an ninh tại sân bay Toronto Pearson. Ảnh: Cole Burston/Reuters. |
Những con số báo động
Tại sân bay quốc tế Toronto Pearson của Mỹ, từ ngày 1/6 đến ngày 12/7, tình trạng khởi hành muộn chiếm đến 52,9% tổng số chuyến bay.
Theo dữ liệu của công ty FlightAware, tỷ lệ trễ chuyến của sân bay Toronto Pearson đang ở mức cao nhất trong số các sân bay có 1.000 chuyến trở lên.
Sân bay Frankfurt ở Đức, Charles de Gaulle (Pháp) và Heathrow (Anh) có tỷ lệ trễ chuyến bay lần lượt là 46,4%; 42,8% và 40,2%. Các con số trên vẫn thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 52,9% của sân bay Toronto Pearson tại Mỹ.
Theo FlightAware, tại sân bay Newark Liberty của Mỹ, từ ngày 1/6 đến ngày 12/7, những chuyến bay bị hủy chiếm đến 7,8% tổng số chuyến bay, trong khi tỷ lệ này vào năm 2019 chỉ là 4,5%.
Một sân bay khác ở New York là LaGuardia cũng có tỷ lệ hủy chuyến cùng kỳ cao, lên tới 7,2% - tăng mạnh so với năm 2019.
Khủng hoảng nhân lực
Thông thường, các hãng hàng không luôn có đội ngũ nhân sự dự phòng để hạn chế tình trạng chậm trễ khi sự cố bất ngờ xảy ra. Nhưng hiện nay, các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn trong khẩu tuyển dụng.
“Câu hỏi đặt ra là: 'Họ đã đi đâu?'. Có hàng trăm triệu người đã biến mất khỏi thị trường lao động”, ông Tim Clark - Chủ tịch của hãng hàng không Emirates Airline - nhấn mạnh.
Công ty Swissport International - một nhà cung cấp dịch vụ hàng không và xử lý hành lý tại nhiều sân bay - đang cố gắng tìm kiếm khoảng 17.000 nhân sự và đưa ra mức thưởng khi ký hợp đồng là 5.000 USD cho công việc tại một số sân bay ở Mỹ.
Tại Mỹ và châu Âu, một số hãng hàng không phàn nàn rằng sự hạn chế về nhân sự trong khâu kiểm soát không lưu cũng gây ra tình trạng trễ chuyến bay.
Các hãng hàng không đã tổ chức các cuộc họp về vấn đề này với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau khi nhiều chuyến bay bị gián đoạn do bão, nguyên nhân là vì sự chậm trễ trong khâu kiểm soát không lưu.
Một phi công tại sân bay quốc tế Detroit. Ảnh: Emily Elconin/Bloomberg News. |
Hành lý thất lạc
Tình trạng thiếu hụt nhân sự diễn ra tồi tệ nhất ở các đội xử lý hành lý. Vào ngày 11/7, hãng hàng không Delta đã cho một chiếc Airbus A330 bay từ Heathrow đến Detroit để vận chuyển 1.000 hành lý bị thất lạc.
SITA - công ty chuyên cung cấp phần mềm theo dõi hành lý cho các hãng hàng không - cho biết từ tháng 1 đến tháng 3, hành khách đã báo cáo số hành lý bị thất lạc nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cũng theo dữ liệu từ công ty này, vào tháng 4 đến tháng 6, con số này đã tăng lên gấp 5 lần so với một năm trước đó.
1.000 hành lý bị thất lạc tại sân bay Heathrow. Ảnh: Paul Ellis/AFP. |
Chậm trễ trong đào tạo
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào năm 2020, các hãng hàng không đã cắt giảm nhiều chuyến bay, hàng nghìn phi công đã được khuyến khích nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo FAPA.aero - một công ty tư vấn nghề nghiệp phi công, từ đầu năm nay, chưa bao giờ các hãng hàng không lớn của Mỹ lại tuyển nhiều phi công đến vậy.
Nhu cầu về nhân lực là quá lớn nhưng quá trình đào tạo lại tiêu tốn quá nhiều thời gian. Việc có quá nhiều phi công tập sự sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian chờ đợi để được thực hành.
Số lượng người hướng dẫn và các chuyến bay mô phỏng cũng có hạn. Ông Bastian cho biết Delta đang có khoảng 1.600 phi công đang trong thời gian đào tạo - chiếm hơn 10% tổng số phi công của hãng.
Hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG cũng có hàng trăm phi công đang trong quá trình đào tạo. Giám đốc điều hành Carsten Spohr cho biết hãng có hơn 1.000 tiếp viên đang ngồi nhà để chờ được cấp chứng chỉ.
Dàn máy bay của hãng hàng không Delta Air Lines. Ảnh: Reuters. |
Giải pháp trước mắt
Để giải quyết tình trạng trễ chuyến, một số sân bay đã áp đặt giới hạn đối với hành khách và chuyến bay. Nhiều hãng hàng không đã phải cắt giảm lịch trình bay. Những động thái đó đã khiến kế hoạch du lịch của nhiều hành khách không thể tiếp tục.
Trường hợp của Delta Air Lines là một ví dụ. Hãng hàng không này đã rút lại các kế hoạch bay của mình. Biện pháp trên đã giúp Delta Air Lines ổn định các hoạt động bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và hủy chuyến hàng loạt vào tháng 5 và tháng 6.
Tuy nhiên, giải pháp này đã phải trả giá bằng lợi nhuận của hãng. Ông Ed Bastian - giám đốc điều hành Delta Air Lines - cho biết từ giờ cho đến cuối năm, hãng không có kế hoạch tăng thêm các chuyến bay, ngay cả khi nhu cầu của thị trường vẫn còn rất cao.