Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Động thái này nhằm thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng sau khi doanh số bán lẻ tháng 11 giảm 5,9% so với cùng kỳ một năm trước.
Các lô phiếu mua hàng giảm giá dự kiến thúc tăng trưởng mức chi tiêu của người dân lên gần 1.400 tỷ nhân dân tệ (200 tỷ USD) vào năm 2023.
Chỉ riêng trong tháng 12, chính quyền 40 địa phương của Trung Quốc phát phiếu mua hàng, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như ôtô, thiết bị gia dụng, thực phẩm, theo báo cáo của hãng tư vấn Caijin.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Một số thành phố, trong đó có Thâm Quyến, phát hành phiếu mua xe điện, trung bình hơn 1.000 nhân dân tệ/phiếu, theo Tân Hoa xã.
Hồi tháng 10, đảo Hải Nam đã phát hành phiếu mua hàng trị giá 53 triệu nhân dân tệ cho khách du lịch tiềm năng trên khắp đất nước kể từ cuối tháng 10, điều này đã đạt được kết quả đáng chú ý. Trong tháng 11, lượng khách du lịch tới hòn đảo tăng 76%.
Người dân xếp hàng chờ nhận phiếu mua hàng giảm giá tại thành phố Thâm Quyến. Ảnh: SCMP. |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong đợt khuyến khích tiêu dùng đầu tiên của năm nay, tỉnh Quảng Đông đã phát hành khoảng 607 triệu nhân dân tệ phiếu mua hàng giúp tăng 3,58 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng.
Nếu Trung Quốc phát hành thêm phiếu tiêu dùng trị giá 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023, doanh số bán lẻ hàng năm có thể tăng trở lại mức 3,1%, theo báo cáo của Topsperity Securities.
Giải quyết hạn chế
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng một biện pháp hiệu quả hơn để khuyến khích mọi người tiêu tiền khi đất nước mở cửa trở lại là đảm bảo rằng họ có việc làm ổn định và đủ thu nhập, theo South China Morning Post.
"Lô phiếu giảm giá tiêu dùng hiện tại có thể không đem lại hiệu quả phục hồi tiêu dùng trong dài hạn, vì hạn chế thực sự là thu nhập của người dân", ông Mao Zhenhua, giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết.
Thay vào đó, Trung Quốc cần cải thiện khả năng mua của người dân bằng cách tăng thu nhập của hầu hết người dân, ông Mao nói thêm.
Kể từ khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được nới lỏng vào đầu tháng 12, thủ đô của Trung Quốc đã chứng kiến số lượng ca bệnh gia tăng. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, giáo sư Zhao Xijun tại Đại học Renmin cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc không ngại mua hàng nhưng họ không có đủ khả năng chi trả.
“Để thúc đẩy tiêu dùng, điều quan trọng nhất mà chính phủ cần làm là nhanh chóng khôi phục sản xuất bình thường và khôi phục cuộc sống lao động bình thường của người dân càng sớm càng tốt. Chính điều đó mới có thể giúp họ có nguồn thu nhập ổn định và trang trải cuộc sống”, Zhao nói.
Trong khi đó, ông Zak Dychtwald - nhà sáng lập tổ chức Young China Group chuyên nghiên cứu về người tiêu dùng Trung Quốc - chia sẻ rằng các biện pháp phong tỏa đã khiến nhiều lao động nhập cư phải trở về quê, nơi mức thu nhập mà họ có thể kiếm được chỉ bằng một phần nhỏ so với các thành phố lớn, dẫn tới sự hạn chế đáng kể về sức mua.
Tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với tình hình tài chính hiện tại và tương lai dần được cải thiện sau khi chính phủ nới lỏng các chính sách chống dịch, theo một cuộc thăm dò mới đây do hãng tư vấn Morning Consult thực hiện.
Dù vậy, chỉ số này vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và đã giảm xuống trong tuần trước khi dịch bệnh bùng phát tại các thành phố lớn.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.