Trung vệ Đỗ Duy Mạnh cùng với Quế Ngọc Hải và Trần Đình Trọng đang lá chắn vững chãi nơi hàng thủ của đội tuyển Việt Nam, là chốt chặn quan trọng giúp thủ thành Đặng Văn Lâm giữ thành tích để thủng lưới ít nhất tại AFF Cup năm nay (chỉ thua 4 bàn sau 7 trận).
Duy Mạnh trưởng thành từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu Thể dục thể thao - Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, cái nôi vẫn được gọi bằng tên trìu mến là "lò Gia Lâm".
Duy Mạnh từng nhiều lần làm cậu bé nhặt bóng cho các giải đấu lớn. Ảnh: Việt Hùng. |
Duy Mạnh sớm bộc lộ tình yêu với trái bóng tròn từ nhỏ khi cậu được truyền cảm hứng bởi người anh trai cũng đá bóng rất giỏi. 9 tuổi, khi còn mang vóc dáng bé nhỏ, Mạnh đã xách chiếc balo to đùng bắt xe buýt từ Đông Anh sang Gia Lâm học đá bóng, đến mức phụ xe buýt còn chẳng buồn thu tiền của cậu nhóc.
Trong gia đình, mẹ và chị gái Huyền Trang là người thân thiết với Mạnh hơn cả. Đầu tuần, chị Trang chở Mạnh ra bến xe để bắt xe 59 sang Gia Lâm, rồi cuối tuần lại ra bến xe đón em trai về.
Ngày ấy khi chưa có phương tiện liên lạc riêng, Mạnh đều nhờ điện thoại bàn của thầy ở trung tâm, hẹn chị giờ ra đón để đưa về nhà.
Chia sẻ với Zing.vn, chị Trang kể lại: "Hai chị em từ bé đến giờ vẫn luôn thân thiết. Mạnh là người rất hay suy nghĩ. Từ ngày còn bé, Mạnh và Quang Hải đã sớm thể hiện nổi bật, được các thầy yêu quý, toàn được làm đội trưởng nên chẳng mấy khi dự bị".
"Nhưng sau này, cứ mỗi lần chấn thương hay phải ngồi dự bị, Mạnh lại rất buồn, cả nghĩ. Chỉ cần nhìn qua là biết chứ không cần phải để Mạnh mở lời", chị gái của trung vệ đội tuyển Việt Nam nói.
Chàng trai hướng về gia đình
Mạnh là người sống tình cảm, còn hay "mít ướt". Tối nào sau khi kết thúc tập luyện hay thi đấu, hai chị em cũng nhắn tin chia sẻ đủ thứ chuyện với nhau như một thói quen.
"Mạnh mới đôi mươi nhưng đã sớm chín chắn, trưởng thành và biết trước biết sau như người 30-40 tuổi. Cậu ấy lúc nào cũng ủng hộ, theo phe của chị gái. Có một câu nói của em trai khiến tôi nhớ mãi không thể nào quên: 'Chị có làm gì em cũng luôn ủng hộ chị, quan trọng là chị luôn được hạnh phúc'", chị Trang kể lại.
Mạnh ở trên sân mang dáng dấp của một trung vệ mạnh mẽ, gai góc là thế, nhưng bên ngoài anh lại là một chàng trai hiền lành, ấm áp của gia đình. Mạnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người cậu của hai đứa cháu nhỏ.
Duy Mạnh trong giây phút ăn mừng bàn thắng với các đồng đội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chị Trang miêu tả về cậu em trai: "Mạnh rất thân và quý mến hai con của chị gái. Nếu ở nhà mà cứ mỗi đợt lễ tết, trung thu, Mạnh đều mua quà hay đưa cháu đi chơi. Như đợt Halloween vừa rồi, Mạnh cũng chia sẻ lên mạng xã hội ảnh chụp chung đi chơi với các cháu".
"Hai đứa nhà tôi cũng rất quấn cậu. Hôm đội tuyển Việt Nam trở về từ trận bán kết tại Philippines, ngay tối hôm sau, tôi đã chở hai cháu ra chỗ Mạnh để chơi với cậu. Hai chị em chỉ có thể uống cốc cà phê, nói chuyện tếu táo, nhưng được gặp nhau cũng đỡ nhớ", chị kể.
Cảm xúc bị chi phối
Duy Mạnh được nhiều CĐV đặt biệt danh là Mạnh "gắt" bởi sự mạnh mẽ, dữ dằn và sẵn sàng phản ứng với đối thủ trên sân trong những tình huống bất lợi của đội tuyển Việt Nam. "Thế nhưng những ai tiếp xúc ở bên ngoài đều biết, Mạnh rất hiền lành và tình cảm", chị Trang nói.
Chị gái của Duy Mạnh cũng thừa nhận: "Mạnh sống đa phần bị cảm xúc chi phối". Trong trận chung kết lượt đi với đội tuyển Malaysia trên sân Bukit Jalil, Mạnh có tình huống va chạm với đội trưởng Zaquan Adha và bị nhiều CĐV Malaysia tìm đến trang cá nhân để chỉ trích, dằn mặt.
Tuy nhiên, hành động của Mạnh có lẽ là phản ứng hệ quả sau hàng loạt tình huống chơi tiểu xảo, phạm lỗi kín nhưng đầy thô bạo của đối phương. Trung vệ của CLB Hà Nội đã không còn giữ được bình tĩnh và có hành động thiếu kiềm chế.
Duy Mạnh với đối diện với không ít tình huống tinh quái, tiểu xảo của đối phương. Ảnh: Thuận Thắng. |
Pha phạm lỗi của Duy Mạnh đến từ việc "bị cảm xúc chi phối", nhưng chắc chắn anh cần phải rút kinh nghiệm nếu không muốn gây ra rắc rối cho đội tuyển Việt Nam.
Một cầu thủ khi bước vào trận đấu đỉnh cao cần giữ được trái tim nóng và cái đầu lạnh, thay vì có phản ứng đáp trả sau khi chứng kiến những người đồng đội phải nằm sân vì chơi xấu.
Bài học này chắc chắn sẽ là kinh nghiệm xương máu để Mạnh học cách giữ bình tĩnh trong trận chung kết quyết định của giải đấu. HLV trưởng Park Hang-seo đã lấy ví dụ này để răn đe cả đội tuyển, với hy vọng sẽ không xảy ra bất kỳ sai lầm nào trên sân Mỹ Đình vào tối 15/12 này.
Vì lẽ đó, người hâm mộ Việt Nam hãy tiếp tục đồng hành và ủng hộ những Duy Mạnh, Đình Trọng, Quế Ngọc Hải và toàn bộ tuyển thủ Việt Nam bước vào trận đánh cuối cùng trên hành trình chinh phục ngôi vương AFF Cup 2018.