Trở về từ Miss Global 2023 (Hoa hậu Toàn cầu) ở Campuchia, Đoàn Thu Thủy đạt danh hiệu Á hậu 4, song vẫn gửi lời xin lỗi khán giả vì trình độ tiếng Anh kém. Trong phần thi ứng xử chung kết, cô thậm chí không hiểu câu hỏi nên phải nhờ MC nhắc lại.
Người đẹp trải lòng trên trang cá nhân: "Tiếng Anh là hạn chế với tôi. Tôi sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để củng cố kiến thức cho tương lai. Chắc chắn việc đối diện khó khăn này sẽ là cơ hội để tôi hoàn thiện hơn".
Thu Thủy không phải trường hợp đầu tiên yếu ngoại ngữ khi thi quốc tế. Trước cô, nhiều người đẹp Việt từng rơi vào tình huống dở khóc dở cười.
Điểm yếu chung của nhiều thí sinh hoa hậu
Tại cuộc thi Miss Universe lần thứ 72, Bùi Quỳnh Hoa bị hạn chế về tiếng Anh, cô chỉ sử dụng một số từ đơn giản khi giao lưu cùng MC. Những lần sau đó, trong clip do ban tổ chức đăng tải, đại diện Việt Nam thường né trả lời phỏng vấn.
Trước Quỳnh Hoa, Ngọc Châu hay Khánh Vân, H'Hen Niê cũng chỉ nói tiếng Anh tạm ổn. Khoảng thập niên 2010, các đại diện Việt Nam ở Miss Universe là Diễm Hương, Trương Thị May, Nguyễn Thị Loan... xuất ngoại với vốn tiếng Anh hạn hẹp.
Lệ Hằng vẫn bị trêu chọc vì đoạn phỏng vấn bằng tiếng Việt ở Miss Universe 2016. Ảnh: @le.hang.79. |
Đại diện Việt Nam thi Miss Universe từ năm 2016 nhưng đến nay Lệ Hằng vẫn bị nhắc lại đoạn clip cô trả lời "Cái gì", "Tôi rất là ok" trong hậu trường bán kết. Á hậu cho biết mùa giải năm đó cô cảm thấy áp lực vì chỉ nói được tiếng Việt.
"Rất áp lực, nhiều lúc làm mình xuống tinh thần và buồn", Lệ Hằng thừa nhận.
Từ trước đến nay, đa số người đẹp Việt tại các cuộc thi quốc thế thường không mạnh khoản ngoại ngữ. Do vậy, sân chơi trong nước những năm gần đây bổ sung phần ứng xử song ngữ để thử thách thí sinh. Ai giỏi tiếng Anh sẽ bật lên và ngược lại.
Khép lại mùa giải Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022, Hương Ly và Lệ Nam thậm chí được nhắc tên nhiều hơn cả Hoa hậu Ngọc Châu. Sau một đêm, họ đón nhận rất nhiều ý kiến trái chiều vì câu ứng xử tiếng Anh lan man, lộ rõ hạn chế trong cách phát âm và sử dụng từ vựng.
Một số bình luận cho rằng, việc hai cô gái gò ép bản thân trả lời song ngữ là sai lầm, khiến họ trượt top.
Không chỉ thí sinh, ngay cả những người đẹp Việt ngồi ghế giám khảo cũng từng rơi vào tình huống ngượng ngùng vì tiếng Anh kém. Trở lại năm 2015, khi được mời chấm điểm trong cuộc thi Mister International, Hoa hậu Đông Nam Á 2014 Thu Vũ đặt câu hỏi bằng tiếng Anh (có nhìn giấy) với nội dung khá đơn giản: "What do you think is the essence of winning this pageant?" (tạm dịch: Bạn nghĩ ý nghĩa của việc thắng cuộc thi sắc đẹp này là gì?).
Tuy nhiên, dù Thu Vũ đọc câu hỏi đến 2 lần, cả MC và thí sinh đều không hiểu. Cuối cùng, một giám khảo khác phải thay cô nhắc lại câu hỏi cho đại diện Hàn Quốc.
Tranh luận về việc sử dụng tiếng Anh
Trong cuộc phỏng vấn với Inquirer Lifestyle cách đây không lâu, Olivia Culpo - Miss Universe 2012 - nói cô chú trọng vào cách giao tiếp của các thí sinh thông qua tiếng Anh. Trên cương vị hoa hậu, Culpo từng giúp định hướng cho nhiều phụ nữ trẻ kém tiếng Anh đến Mỹ để cải thiện khả năng ngoại ngữ.
Người đẹp nhấn mạnh, thí sinh đến từ những quốc gia không nói tiếng Anh, hoặc tiếng Tây Ban Nha, sẽ gặp bất lợi. "Càng khó khăn hơn nếu bạn đang muốn thi hoa hậu. Tôi nghĩ, bạn cần chuẩn bị vốn tiếng Anh nếu đến New York. Bởi đa số hoạt động của Hoa hậu Hoàn vũ sau đăng quang sẽ diễn ra tại thành phố này", cô cho hay.
Khi tạo chủ đề: "Tiếng Anh có quan trọng để giành chiến thắng cuộc thi hoa hậu quốc tế?", diễn đàn hỏi đáp của Missosology ghi nhận nhiều ý kiến tương tự. Tài khoản có nickname Bloomfield bình luận đáng chú ý: "Tiếng Anh rất quan trọng. Vào thời Donald Trump (từ 2014 về trước), ngôn ngữ không phải rào cản ở Miss Universe. Nhưng thời WWE/IMG đã thay đổi. Tôi đoán họ không muốn thông dịch viên đóng vai trò như bảo mẫu, ở cạnh hoa hậu khi trả lời phỏng vấn hoặc giao tiếp với người khác. Bởi vậy, có tiếng Anh vẫn tốt hơn".
Hiện tại, Miss Universe dưới thời JKN Global Group vẫn chú trọng vào trình độ tiếng Anh của thí sinh.
Một số người cho rằng Miss Universe hoặc Miss World chưa bao giờ thừa nhận gạch đầu dòng về tiếng Anh, nhưng nó được xem là quy tắc ngầm khó thay đổi. "Bởi nếu trở thành Hoa hậu Hoàn vũ, cô gái đó phải đại diện cho một thương hiệu của Mỹ. Nếu không thể giao tiếp tiếng Anh thì thật khó chấp nhận", một khán giả viết.
Ví dụ gần nhất, đương kim Miss Universe Sheynnis Palacios là người Nicaragua (quốc gia có 90% dân số sử dụng tiếng Tây Ban Nha), song cô vẫn xuất sắc khi giao tiếp, trình bày quan điểm bằng tiếng Anh.
Sheynnis Palacios được khen khả năng nói tiếng Anh. Ảnh: @sheynnispalacios_of. |
Trong khi đó, Hoa hậu Catriona Gray lại khuyên các cô gái đừng quá áp lực nếu chỉ giỏi ngôn ngữ "mẹ đẻ". Trả lời tờ Philippines Pageantry, Miss Universe 2018 nói: "Hoa hậu Hoàn vũ là người truyền đạt suy nghĩ của bản thân một cách hiệu quả. Giống như trong âm nhạc, bạn không cần hiểu lời bài hát, nhưng có thể cảm nhận được cảm xúc từ phần giai điệu".
Janine Tugonon, Á hậu 1 Miss Universe 2012, đồng tình với suy nghĩ này. Cô cho rằng yếu tố truyền cảm hứng và sự cố gắng nên được chú trọng hơn ngoại ngữ. Bằng chứng, H'Hen Niê - top 5 Miss Universe 2018, Olesia Stefanko (người Ukraine) - Á hậu 1 Miss Universe 2011... không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn tiến sâu.
Nhìn nhận thực tế, rõ ràng tiếng Anh không phải yêu cầu bắt buộc đối với mỗi sân chơi nhan sắc. Có nhiều thí sinh quốc tế dù trình độ tiếng Anh tương đối tốt, vẫn chọn trả lời bằng tiếng "mẹ đẻ" để thể hiện trọn vẹn câu trả lời ứng xử. Trong trường hợp kém tiếng Anh, họ vẫn được hỗ trợ bởi phiên dịch.
Tuy nhiên, không bắt buộc không có nghĩa rằng tiếng Anh không cần thiết. Những người đẹp Việt đạt thành tích cao khi thi quốc tế như Thúy Vân (Á hậu 3 Miss International 2015), Thùy Tiên (Miss Grand International 2021) hay Phương Khánh (Miss Earth 2018), Bảo Ngọc (Miss Intercontinental 2022) đều thành thạo ngoại ngữ.
Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn từng chia sẻ trình độ tiếng Anh là điều kiện cần đối với một thí sinh hoa hậu, đặc biệt trong trường hợp tìm kiếm đại diện thi quốc tế. "Tất nhiên tiếng Anh phải đi kèm với trình độ, bao gồm kiến thức và kỹ năng. Kỹ năng ở đây là bản lĩnh sân khấu, trình diễn trước ống kính... Đó là những yếu tố cộng hưởng để làm nên thành công của một cô gái ở đấu trường sắc đẹp", ông nói.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu loạt sách về thời trang: Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.