“Chúng tôi nên phát hành những chiếc máy lọc không khí tại Ấn Độ”, Hugo Barra - Phó chủ tịch phụ trách phát triển toàn cầu của Xiaomi chia sẻ khi ngồi tại tầng 8 khách sạn Sheraton New Delhi. Chất lượng không khí tại Delhi được xem là tồi tệ nhất thế giới, hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc).
Hugo Barra giới thiệu về chiếc Mi TV 2 tại San Francisco, Mỹ. Ảnh: Mashable. |
Barra mang theo một chiếc Mi 5 - smartphone đầu bảng của Xiaomi - trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Mashable, nhưng trong suốt buổi trao đổi, Phó chủ tịch của Xiaomi không hề nhắc đến sản phẩm này.
Tại tầng 11 trụ sở của Xiaomi (Bắc Kinh, Trung Quốc), có khoảng 200 nhân viên đang làm việc. Không ai trong số họ đảm nhiệm việc phát triển chiếc Mi 6 hay sản xuất bất cứ thiết bị nào mang thương hiệu Xiaomi.
Nhóm nhân viên này do Liu De - một trong 8 người sáng lập ra Xiaomi - lãnh đạo, gồm những chuyên gia trong lĩnh vực quản lý sản phẩm, thiết kế công nghiệp, quản lý chuỗi phân phối, marketing và một vài lĩnh vực khác. Nhiệm vụ của họ là giúp đỡ những công ty khác, gồm khoảng hơn 50 công ty mà Barra gọi là “hệ sinh thái Mi”.
Xiaomi được biết đến với những chiếc smartphone giá rẻ cạnh tranh với iPhone của Apple, những màn bán hàng chóng vánh trong vài giây hay các sự kiện đình đám với hàng nghìn người hâm mộ. Tuy nhiên, 200 con người này lãnh trách nhiệm mang đến sự biến đổi bên trong, từ đó thay đổi cách nhìn của người dùng thế giới về Xiaomi.
Gây dựng thương hiệu cho hàng 'made in China'
“Các nhà sản xuất Trung Quốc được biết đến như những đơn vị làm nhái sản phẩm với chất lượng thấp, không khác gì Nhật Bản những năm 60. Sony, Toshiba, Panasonic từng thay đổi hình ảnh cho người Nhật. Chúng tôi sẽ làm được điều đó cho Trung Quốc”, Hugo Barra chia sẻ.
“Mục tiêu đầu tiên là phổ biến các gian hàng thương mại điện tử với các sản phẩm hấp dẫn. Người dùng sẽ yêu mến chúng và quay trở lại. Nếu chỉ bán điện thoại, chúng tôi không có đủ lượng truy cập. Kế hoạch của chúng tôi là bán các thiết bị trong gia đình”, Barra cho biết thêm. “Ý tưởng đầu tiên là tập trung vào phụ kiện di động. Đó là lý do chúng tôi đầu tư vào sạc dự phòng Mi”.
Lei Jun giới thiệu sản phẩm mới của Xiaomi tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Lei Jun - Chủ tịch kiêm CEO của Xiaomi Technology - có vốn đầu tư tại hàng loạt công ty Trung Quốc. Dưới sự hướng dẫn của Lei, Xiaomi đầu tư vào một vài startup trong lĩnh vực phụ kiện di động. Những ứng viên đầu tiên được lựa chọn gồm các công ty sản xuất sạc dự phòng và thiết bị âm thanh. Các phụ kiện này có sức bán tốt trên cửa hàng online của Xiaomi, bên cạnh smartphone.
Mẫu sạc dự phòng của Xiaomi. |
Mi Power Bank tạo sức hút cực lớn tại Trung Quốc. Theo chia sẻ của Xiaomi, hãng này bán được hơn 47 triệu chiếc tính đến thời điểm hiện tại. Sau thành công của sản phẩm này, Xiaomi mạnh dạn hơn đầu tư cho các thiết bị Internet of Things (IoT). Mi Band - thiết bị đeo tay thông minh trị giá 11 USD - là một sản phẩm thành công khác với hơn 18,5 triệu chiếc bán ra.
Hệ sinh thái hình thành
Các startup Xiaomi đầu tư vào tiếp tục tung ra hàng loạt sản phẩm như Wi-Fi router (được xem là phiên bản giá rẻ của Apple AirPort), cân dùng kết nối Wi-Fi, gậy tự sướng, bút kiểm tra chất lượng nước, tai nghe, smart TV, các loại cảm biến trong gia đình vào webcam.
Từ đó, Xiaomi lên kế hoạch trở thành một công ty dịch vụ Internet, thay vì nhà sản xuất phần cứng đơn thuần. Họ cho ra mắt một thiết bị lọc không khí – khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm vốn dành cho giới trẻ, yêu thích công nghệ trước đây.
Xiaomi đầu tư vào một công ty có tên Zhimi và yêu cầu họ sản xuất một chiếc máy lọc không khí mang thương hiệu Mi. Thiết bị này phải có kiểu dáng đẹp, chất lượng tốt hơn các thiết bị hiện hành, có khả năng kết nối với Internet để người dùng điều khiển bằng smartphone.
Xiaomi và Zhimi mất gần một năm để hoàn thành dự án này. Mi Air Purifier không chỉ có thiết kế đẹp, nó còn có khả năng gửi báo cáo về chất lượng không khí theo thời gian thực lên smartphone. Đây là máy lọc không khí đầu tiên có khả năng làm được việc này.
Mi Air Purifier chiếm khoảng 20% toàn bộ lượng máy lọc không khí bán ra tại Trung Quốc trong vòng 7 tháng sau khi ra mắt với doanh số hơn 1 triệu chiếc. “Đây đều là những ý tưởng đơn giản nếu bạn nhìn từ thung lũng Silicon. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều nhìn theo cách nhìn cũ kỹ, bán chúng qua các kênh phân phối cũ để kiếm lợi nhuận khổng lồ”, Barra cho hay.
Không chỉ tìm cách làm cho các thiết bị có sẵn trở lên đẹp hơn, thông minh hơn, Xiaomi còn biết cách biến những thiết bị đắt giá trong gia đình thành rẻ hơn. Chẳng hạn, mẫu nồi cơm điện của họ có giá khoảng 150 USD, có khả năng kết nối Internet trong khi chất lượng cạnh tranh với sản phẩm đắt giá từ Nhật Bản.
Câu chuyện của Xiaomi mới chỉ bắt đầu. Họ vẫn được biết đến như một hãng di động mới nổi với các sản phẩm giá rẻ, thách thức Samsung hay Apple tại một số thị trường. Tuy nhiên, tham vọng của họ lớn hơn nhiều. Người ta dự đoán rằng, với lượng sản phẩm đã bán ra và đà phát triển hiện tại, tác động của Xiaomi tới Trung Quốc và thế giới lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của mỗi chúng ta.