Sri Boorapha tên thật là Kulap Saipradit (1905-1974) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong nền văn học Thái Lan hiện đại. Sri Boorapha là một nhà phân tích, một cây bút viết báo sắc sảo và từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội báo chí Thái Lan.
Kho tàng các tác phẩm dưới ngòi bút của Sri Boorapha rất đa dạng, từ chính trị, tôn giáo, triết học, xã hội, tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch thuật và sáng tác thơ ca. Trong đó, rất nhiều tác phẩm được tái bản lại nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho tới tận ngày nay. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Tiểu thuyết Đằng sau bức tranh, Người đàn ông, Chiến tranh cuộc đời, Cho đến ngày gặp lại... Sức mạnh nhân dân (thơ), Xin một chút sức lực (truyện ngắn) và nhiều bài nghiên cứu, dịch thuật có tầm ảnh hưởng lớn.
Ông mất năm 1974 bởi căn bệnh sưng phổi và tắc mạch máu tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức tang lễ trang trọng cho xứng với sự cao quý của ông.
Đằng sau bức tranh là câu chuyện tình đẹp và thuần khiết nhất giữa công nương Kirati và chàng trai trẻ Nopporn. Tình yêu xuất phát từ hai con người có rất nhiều chênh lệch, từ tuổi tác đến địa vị vừa thú vị lại nhiều khó khăn. Họ có quan điểm về tình yêu rất khác nhau.
Chàng trai không đủ kiên định và dễ thay đổi. Trong khi đó, công nương Kirati dù chấp nhận số phận lấy một người chồng già. Không hiểu tâm tư của vợ, nhưng tình yêu mà cô dành cho Nopporn giống như một làn gió tưới mát tâm hồn khô héo, và làn gió ấy cứ thổi mãi trong lòng cô, cho đến tận lúc chết. Tình yêu của họ giống nhau ở chỗ đều sâu đậm và khắc ghi trong lòng. Tình yêu ấy không được trọn vẹn nhưng ít nhất, họ đã tìm được tình yêu của cuộc đời mình.
Bìa cuốn "Đằng sau bức tranh", có giá 69.000 đồng. |
Không đơn thuần viết về tình yêu mà tác phẩm còn thể hiện một xã hội đang dần biến đổi tại Thái Lan. Nó tái hiện lại hình ảnh của một người phụ nữ với lẽ sống cam chịu trong xã hội cũ phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn mới rồi nhận ra mình phải chấp nhận chữ “thua” trong hơi thở sau cùng của cuộc đời. Cái chết trong bức tường thành ngột ngạt của những luân lý cũ đã được tái hiện hoàn hảo trên những trang tiểu thuyết sâu sắc, tinh tế và giàu giá trị, làm nên một bước tiến mới trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết Thái Lan hiện đại.
Các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là công nương Kirati đã trở thành một trong ít những nhân vật được các chuyên gia, nhà phê bình nhắc đến nhiều nhất trên hầu hết mọi phương diện, từ xã hội, chính trị cho đến tâm lý học.
Đằng sau bức tranh của Sri Boorapha hấp dẫn bởi cách dẫn chuyện chân thực, cốt truyện hay, góc nhìn, nghệ thuật sáng tác tài ba và đặc biệt là cách dùng ngôn ngữ điêu luyện của tác giả. Hay như các nhà phê bình văn học nổi tiếng của Thái Lan đã nhận xét: "Đây là cuốn tiểu thuyết không có tuổi, đa chiều, sâu hun hút, vừa đem lại cảm giác thư thái vừa không ngừng gợi mở cho ta tìm tòi những ý nghĩa đằng sau câu chữ đầy ngụ ý”.