Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau bức ảnh Tổng bí thư gói bánh chưng ngày Tết

Trong những ngày gần đây, bức ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng được nhiều người chia sẻ. Bức ảnh gợi không khí đầm ấm, gửi thông điệp giữ gìn nếp văn hóa truyền thống dân tộc.

tong bi thu anh 1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật cung cấp.

Bức ảnh được công bố trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 6).

Hình ảnh người lãnh đạo giản dị

Từ góc độ người làm sách, bà Phạm Thị Thinh - Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - kể về quá trình đưa bức ảnh trên vào sách và những thông điệp gửi gắm sau đó.

Thời điểm bà Thinh đang biên tập cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng bí thư có căn dặn tìm một tấm ảnh mình đang gói bánh chưng để thêm vào.

Bà Thinh đã đi hỏi những cơ quan báo chí có phóng viên phụ trách theo dõi hoạt động của Tổng bí thư nhưng không một ai có. Bản thân bà cũng không thể hình dung ra được ai mới là người sở hữu được tấm ảnh đặc biệt như này. Cuối cùng bà đã tìm đến người cận vệ của Tổng bí thư để hỏi. Sau khi nghe bà Thinh trình bày, người cận vệ chỉ cười và nói: “Tấm ảnh đó trong điện thoại tôi chứ ở đâu”.

Lúc đó, bà Phạm Thị Thinh trào lên cảm xúc ngưỡng mộ khi nhìn thấy Tổng bí thư trong trang phục hàng ngày cùng các thành viên trong gia đình gói bánh chưng. Bà Thinh kể lại rằng bức ảnh trên được chụp một cách ngẫu nhiên trong căn nhà công vụ Tổng bí thư. Căn nhà thực sự của ông ở Đông Anh là do cha mẹ để lại cũng rất đơn sơ.

Trong quá trình biên tập sách, một số người đắn đo về việc có nên chỉnh sửa để tấm ảnh chỉn chu hơn, xóa những vết ẩm mốc trên tường nhà đi. Bà Phạm Thị Thinh kiên quyết giữ lại và muốn cho người đọc hiểu được sự giản dị của Tổng bí thư. Nơi ở của ông cũng giống như bao công chức bình thường khác.

Ông vẫn giữ nếp nhà, gói bánh chưng vào dịp Tết nguyên đán, quây quần cùng gia đình. Điều này càng cho thấy giá trị của bức ảnh khi đặt trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng bí thư cũng nêu rõ quan điểm con người Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa Việt Nam. "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách", trích lời Tổng bí thư trong cuốn sách.

Ông cũng nhắc nhở rằng cha ông đi trước đã để lại một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc tươi dẹp. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường.

tong bi thu anh 2

Tấm ảnh Tổng bí thư gói bánh chưng cùng gia đình được in trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài học về bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc

Bức ảnh Tổng bí thư cùng gia đình gói bánh chưng cho thấy bài học về bảo tồn văn hóa trong bối cảnh ngày nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương), hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Việc gói bánh chưng không chỉ đơn thuần là một hoạt động thường ngày trong dịp Tết, mà còn thể hiện sự gắn kết gia đình và gìn giữ bản sắc dân tộc.

"Trong bối cảnh hiện đại, nhiều gia đình có xu hướng mua bánh chưng từ các cửa hàng mà không tự làm, điều này dần làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lựa chọn tự tay gói bánh chưng, không chỉ để duy trì phong tục, mà còn để giáo dục con cháu về ý nghĩa sâu sắc của việc này", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Việc gói bánh chưng là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Từ khâu chọn lá dong, ngâm gạo, làm nhân đến gói bánh, tất cả đều cần sự cẩn thận và tâm huyết. Bánh chưng là món ăn thể hiện triết lý sống của người Việt, đó là sự hòa quyện giữa âm và dương, giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người. Hình vuông của bánh chưng tượng trưng cho đất, nhân đậu xanh và thịt lợn bên trong thể hiện sự phong phú, đủ đầy. Làm bánh chưng dâng lên tổ tiên là cách để giáo dục thế hệ sau hiểu về công lao của ông cha ta khi dựng nước.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh rằng bức ảnh được chụp một cách ngẫu nhiên, không hề chuẩn bị hay dàn dựng, thể hiện sự giản dị và chân thật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đời sống hàng ngày. Qua hình ảnh này, độc giả có thể thấy một gia đình ấm cúng, nơi các thành viên cùng nhau tham gia vào các hoạt động truyền thống, tạo nên không khí đầm ấm và gắn kết. Tấm ảnh đưa ra những suy ngẫm về sự tôn trọng và gìn giữ truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Lời căn dặn của Tổng bí thư trở thành động lực của người trẻ

Kho tàng sách của Tổng bí thư đã góp phần bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc của người trẻ, khơi dậy niềm tin vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Cuốn sách đầu tiên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Trong sâu lắng tình dân” do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2015, là một trong những cuốn sách quý ghi lại tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm