Lần đầu tiên sau nhiều năm, hãng thông tấn nhà Triều Tiên KCNA đã công bố bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát các đầu đạn được thiết kế cho tên lửa có thể khiến đồng minh của Mỹ ở châu Á lo ngại và có khả năng vươn tới bất cứ đâu trên lục địa Mỹ.
Các chuyên gia vũ khí cho biết những hình ảnh được công bố trong tuần này cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, giúp tăng khả năng thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.
Màn phô diễn này xảy ra khi Bình Nhưỡng chuyển từ phóng thử tên lửa để đánh giá hiệu suất, sang các cuộc tập trận cho thấy khả năng tấn công hạt nhân phối hợp trong thời gian ngắn, Bloomberg nhận định.
“Ông Kim đã thúc đẩy để cộng đồng quốc tế nhìn nhận vũ khí hạt nhân của đất nước mình, đến mức những vụ phóng tên lửa này trở thành thông lệ và một phần trong việc đối phó với Triều Tiên”, Soo Kim, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại CIA, hiện làm việc tại công ty tư vấn quản lý LMI có trụ sở tại Mỹ, cho hay.
Bà nói thêm: “Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng giờ đây chúng ta khó có thể hình dung được ‘cuộc sống không có vũ khí hạt nhân của Triều Tiên’”.
Ông Kim Jong Un xuất hiện trong những bức ảnh được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: KCNA. |
Cải tiến đầu đạn
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nói với Bình Nhưỡng rằng cánh cửa để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ từ lâu vẫn để ngỏ.
Thế nhưng, Triều Tiên được cho là đã từ chối đề nghị và đẩy mạnh các động thái gây chú ý lên mức chưa từng thấy trong những năm gần đây, theo Bloomberg.
KCNA hôm 20/3 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi nước này sẵn sàng cho các cuộc tấn công hạt nhân bất cứ lúc nào để ngăn chặn chiến tranh.
Trong tình hình đối thủ “ngày càng có các động thái gây hấn rõ ràng hơn”, Triều Tiên cần “khẩn cấp tăng cường khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân theo cấp số nhân", KCNA dẫn lời ông Kim.
Khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển đến mức một số chuyên gia chính sách kêu gọi tuyên bố nước này là quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Sự thay đổi này sẽ dẫn đến việc cải tổ chính sách đã tồn tại hàng chục năm của Mỹ nhằm ngăn chặn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden sẽ đưa ra tuyên bố như vậy.
Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục hành động. Vào tháng 3, nước này bắt đầu thử nghiệm các thiết bị hạt nhân mô phỏng gắn vào tên lửa có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và các vùng phía tây của Nhật Bản.
Bình Nhưỡng đã công bố những bức ảnh về vụ nổ cách mục tiêu vài trăm mét, cho biết cuộc thử nghiệm đã xác minh "độ hoạt động tin cậy của thiết bị và kíp nổ kiểm soát vụ nổ hạt nhân".
Dù vậy, trong khi Triều Tiên đã chứng minh tên lửa của nước này có thể bay xa tới Mỹ, nhiều người đặt câu hỏi liệu các đầu đạn này có còn nguyên vẹn khi tái nhập khí quyển và đến được đúng mục tiêu hay không.
Triều Tiên phóng tên lửa ở một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA. |
Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng 80-90 đầu đạn hạt nhân, Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul cho biết trong một bài báo phát hành vào tháng 1. Bài viết đồng thời cho biết thêm ông Kim đang tìm cách để nâng con số lên 100-300 về lâu dài.
Kho vũ khí của Triều Tiên nhỏ nhất trong số các quốc gia tuyên bố có vũ khí hạt nhân, nhưng ông Kim đã và đang hiện đại hóa tên lửa cùng hệ thống phương tiện để đảm bảo bom có thể trúng mục tiêu.
George William Herbert, giảng viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết màn trình diễn đầu đạn gần đây cho thấy những cải tiến về kích thước, và có thể cả tiến bộ về thiết kế so với vũ khí hạt nhân trước đây của Triều Tiên.
Ngoài ra, Triều Tiên dường như đang tìm cách điều chỉnh lại thiết kế vũ khí để chúng có thể lắp vào các tên lửa mới nhất, ông nói.
Lo ngại
Triều Tiên đã công bố một bức ảnh chụp ông Kim đứng trước áp phích cho thấy các loại tên lửa khác nhau có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân.
“Các loại vũ khí cụ thể trong căn phòng đó có lẽ đều là mô hình, nhưng nó cho thấy lời khẳng định của Triều Tiên về việc họ đang chế tạo nhiều loại và sẽ triển khai chúng trên nhiều hệ thống là đáng tin cậy”, ông Herbert nói.
Đồng quan điểm, Kim Dong Yup, cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc giảng dạy tại Đại học Kyungnam, cho biết các đầu đạn rất có thể được thiết kế để dùng với ít nhất 8 phương tiện khác nhau được liệt kê trong các áp phích trên tường, bao gồm cả tên lửa và tàu ngầm.
“Không chỉ giới hạn ở các tên lửa chiến thuật mà dường như đầu đạn thu nhỏ, nhẹ và được tiêu chuẩn hóa có thể gắn trên nhiều phương tiện khác nhau", Reuters dẫn lời ông.
Một số người lo ngại khi Triều Tiên đạt được những tiến bộ trong việc thu nhỏ thiết bị nhiệt hạch, thiết bị này có thể được gắn vào nhiều loại vũ khí hơn và tăng sức công phá của một vụ nổ hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái Kim Ju Ae theo dõi cuộc tập trận tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA. |
Lo ngại khác là về một cuộc thử nghiệm sắp xảy ra đối với thiết bị hạt nhân mới. Triều Tiên là quốc gia duy nhất trong thế kỷ này tiến hành các vụ nổ vật lý vũ khí hạt nhân. Các cường quốc hạt nhân khác sử dụng mô phỏng máy tính để kiểm tra hiệu quả thiết bị của họ.
Hình ảnh vệ tinh hơn một năm qua cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng một vụ thử hạt nhân tại địa điểm miền núi Punggye-ri, nơi từng diễn ra 6 vụ thử khác trước đó.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết phản ứng cứng rắn và phối hợp trước bất cứ vụ thử hạt nhân nào. Tuy nhiên, nhiều năm cấm vận không làm chậm được chương trình vũ khí của Triều Tiên và thật khó để biết đòn bẩy còn lại là gì.
Kyodo News và các phương tiện truyền thông địa phương khác đưa tin Ngoại trưởng Nhật Bản đang lên kế hoạch thăm Trung Quốc vào cuối tuần này. Các cuộc đàm phán trong chuyến thăm có thể bao gồm thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Chuyến thăm của ông Kim tới Viện Vũ khí Hạt nhân mới đây cho thấy một cuộc thử nghiệm có thể diễn ra sớm hơn. Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có chuyến thăm tương tự tới một cơ sở đầu đạn vào tháng 8/2017, Bình Nhưỡng đã kích hoạt thiết bị hạt nhân mạnh nhất chỉ vài ngày sau đó.
Yang Uk, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Hàn Quốc, cho biết các đầu đạn hạt nhân mới được tiết lộ dường như rất nhỏ gọn và nhẹ hơn nhiều so với đầu đạn trong vụ thử trước đó.
"Một quá trình xác minh vẫn cần thiết để xác nhận xem chúng có thể hoạt động bình thường trong tình huống thực tế hay không", ông nói. "Triều Tiên cần tự mình xác nhận điều này đồng thời tăng cường hiển thị chiến lược bằng cách thể hiện điều đó với thế giới bên ngoài".
Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.